Vaccine COVID-19 'made in Vietnam' miễn dịch tốt, tác dụng với cả biến thể của SARS-Cov-2

author 06:19 10/02/2021

(VietQ.vn) - Chuyên gia y tế đánh giá, vaccine COVID-19 Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng kể cả với chủng biến thể của virus SARS-CoV-2.

Học viện Quân y vừa thực hiện tiêm mũi 2 vaccine Nano Covax cho 22 tình nguyện viên cuối cùng, trong đó có 2 tình nguyện của nhóm 1b tiêm liều 50mcg, 20 tình nguyện viên còn lại nhóm 1c tiêm liều 75mcg.

Như vậy đến nay, Việt Nam đã hoàn tất 120/120 mũi tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên 60 tình nguyện viên. Giai đoạn 1, nghiên cứu đánh giá độ an toàn của vắc xin và bước đầu đánh giá đáp ứng sinh miễn dịch trên 3 nhóm liều 25mcg, 50mcg và 75mcg.

Bước đầu các chuyên gia đánh giá, vaccine Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với virus SARS-CoV-2, kể cả chủng biến thể. Các tình nguyện viên sau tiêm hầu hết đều có sức khoẻ ổn định, một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ nhưng đều hết sau 1-2 ngày.

Học viện Quân y đang tiếp tục tổng hợp dữ liệu để báo cáo Bộ Y tế. Dự kiến ngay sau Tết Nguyên Đán, Hội đồng khoa học và đạo đức y sinh học, Bộ Y tế sẽ họp đánh giá trước khi phê duyệt triển khai tiêm thử nghiệm giai đoạn 2.

Trong giai đoạn 2, Học viện Quân y sẽ thử nghiệm trên 560 tình nguyện viên, kéo dài trong 6 tháng với sự tham gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM. Sau đó, giai đoạn 3 sẽ bắt đầu khi giai đoạn 2 đi được nửa chặng đường với quy mô tiêm cho hơn 10.000 tình nguyện viên, bắt đầu từ tháng 8/2021. Giai đoạn thử nghiệm này có thể mở rộng tại một số nước có dịch COVID-19 trong cộng đồng. Nếu công trình nghiên cứu thử nghiệm diễn ra thuận lợi, dự kiến, đến đầu năm 2022, Việt Nam sẽ có vắc-xin ngừa COVID-19 do Việt Nam sản xuất.

Vaccine ngừa Covid-19 Nano Covax. Ảnh: Dân trí

Trước đó, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã phê duyệt cho vắc-xin COVID-19 Nano Covax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen (Công ty Nanogen) là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Những mũi tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax được thực hiện ngày 17/12/2020 trên 3 người tình nguyện.

Vaccine Nano Covax là vaccine tái tổ hợp protein S, là đoạn gai của virus SARS-CoV-2, với 3 loại liều lượng 25 mcg, 50mcg, 75mcg. Qua thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột hamster, khỉ và thỏ, kết quả cho thấy vắc xin đảm bảo về an toàn.

Điểm mạnh của vaccine Việt Nam là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ), trong khi vắc xin của một số hãng đang sản xuất phải bảo quản đến nhiệt độ âm 75 độ, khó khăn trong việc vận chuyển. Theo GS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, khi bắt đầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên người.

Ngoài Công ty Nanogen, Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) đang tuyển người tình nguyện để thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine COVIVAC. Vắc-xin do IVAC nghiên cứu từ tháng 5/2020 đã thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam, kết quả cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, đạt đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để có thể tiến hành nghiên cứu trên người.

Hiện còn 2 đơn vị khác đang nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa COVID-19, gồm: Công ty Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) và Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC).

Hôm 29/1 vừa qua, Liên minh Covax gửi thư thông báo trong quý I/2021 sẽ giao cho Việt Nam khoảng 25% số lượng vaccine COVID-19 trong kế hoạch, tức khoảng 4,9 đến 8,2 triệu liều. Số còn lại sẽ được chuyển vào quý 2. Tuy nhiên hiện chưa rõ thời gian nào vaccine sẽ về đến Việt Nam.

Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cũng cho biết khoảng 2,5 triệu người Việt sẽ được tiêm vaccine COVID-19, thông qua chương trình của Covax.

Covax là sáng kiến y tế công cộng do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Vaccine GAVI, Liên minh Đổi mới Ứng phó Dịch bệnh (CEPI) đồng lãnh đạo, được thành lập nhằm đảm bảo quyền tiếp cận vaccine công bằng toàn cầu.

Liên minh Covax cho biết sẽ vận chuyển 336 triệu liều vaccine AstraZeneca-Oxford đến 145 quốc gia trong nửa đầu năm nay. Số lượng này đủ để đạt tỷ lệ tiêm phòng trung bình bao phủ 3,3% tổng dân số của 145 quốc gia thành viên.

Ngày 1/2, AstraZeneca cũng đã ký hợp tác cung cấp 30 triệu liều vaccine COVID-19 cho Trung tâm tiêm chủng vaccine VNVC của Việt Nam, trong nửa đầu năm 2021. Thỏa thuận mới giúp bổ sung số liều tiêm để ngăn ngừa COVID-19 trong nước. Việt Nam hướng đến chủng ngừa toàn bộ gần 100 triệu dân.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang