Vật liệu xanh: Chìa khóa giảm phát thải khí nhà kính trong ngành xây dựng

author 15:02 28/06/2024

(VietQ.vn) - Sử dụng vật liệu xanh đang trở thành một giải pháp tối ưu cho ngành xây dựng. Không chỉ giúp giảm đến 50% lượng khí thải, vật liệu xanh còn mang lại lợi ích kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường.

Sự kiện: DẤU CHÂN CARBON

Vật liệu xanh trong công trình xây dựng. Ảnh minh họa

Sử dụng vật liệu xanh cho công trình xây dựng

Theo ThS. Trần Phương, Trưởng phòng Công trình xanh và Tiết kiệm năng lượng (Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng) một trong những giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tối đa giảm phát thải chính là việc sử dụng vật liệu xanh. Các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xanh có thể tiết giảm lên đến 50% khí thải nhà kính.

Vật liệu xây dựng xanh là các loại vật liệu được sản xuất và sử dụng mà không gây ra tác hại đến môi trường, có khả năng tái chế hoặc tự phân hủy. Trong suốt vòng đời từ khi sản xuất cho đến khi hết hạn sử dụng, các vật liệu xây dựng xanh không tạo ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến môi trường sống.

Sử dụng vật liệu xây dựng xanh góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra trên toàn cầu. Vì thế, loại vật liệu này đang dần trở thành xu hướng và được dự báo có thể sẽ thay thế hẳn các vật liệu khác trong tương lai. Hiện tại, vật liệu xanh cũng đang được khuyến khích sử dụng ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.

Theo đó, các loại vật liệu xanh như gạch không nung, bê tông siêu nhẹ hay các vật liệu tái chế từ chất thải công nghiệp đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp tại Hải Dương và Hải Phòng đã đầu tư vào các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng ứng dụng công nghệ tiên tiến, giúp tối ưu hóa năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông khí Viglacera cho biết, nhà máy của công ty sản xuất hàng triệu viên gạch không phát thải mỗi ngày bằng cách sử dụng hơi nước để chưng áp và biomas làm nguồn nhiệt. Quá trình này không chỉ không tạo ra khí thải mà còn giảm thiểu bụi và phế thải công nghiệp. Sản phẩm bê tông siêu nhẹ với trọng lượng chỉ từ 500-600 kg/m³, giúp giảm trọng lượng công trình và tiết kiệm khoảng 12% chi phí kết cấu. Ngoài ra, khả năng cách nhiệt của loại gạch này giúp tiết kiệm năng lượng điện từ 50 đến 70% so với vật liệu thông thường.

Các vấn đề tồn tại trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng

Mặc dù có nhiều lợi ích, việc sử dụng vật liệu xanh vẫn đối mặt với một số thách thức. Bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Trung tâm Thiết bị, Môi trường và An toàn lao động (Viện Vật liệu Xây dựng) nhận định, thông tin và số liệu hiện tại chưa đầy đủ, độ chính xác chưa cao do thiếu sự kiểm tra và ứng dụng thực tế. Điều này dẫn đến hạn chế trong việc đánh giá hiệu quả của các giải pháp giảm phát thải.

Việc áp dụng các phương pháp như thu hồi nhiệt thải và giảm hàm lượng clinker trong xi măng cũng cần được nghiên cứu thêm để đảm bảo hiệu quả. Để đảm bảo tính công bằng trong việc tính toán và báo cáo phát thải khí nhà kính, cần xác định rõ phạm vi và công đoạn cụ thể được tính toán, cùng với phương pháp tính toán và các hệ số phát thải rõ ràng trong hướng dẫn. Việc thẩm tra và thẩm định cũng cần được quy định cụ thể để đảm bảo tính chính xác của các số liệu.

Bà Tâm chia sẻ thêm, đến nay Viện Vật liệu Xây dựng đã triển khai nhiều nghiên cứu nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong ngành xây dựng, bao gồm: Xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030; Kiểm kê khí nhà kính ngành sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ công tác quản lý của Bộ Xây dựng; Xây dựng định mức tiêu hao năng lượng cho ngành kính xây dựng, gạch gốm ốp lát, sứ vệ sinh; Nghiên cứu xây dựng hệ số phát thải cho sản phẩm sứ vệ sinh, gạch gốm ốp lát; Xây dựng bộ dữ liệu và hướng dẫn đánh giá vòng đời (LCA) cho một số sản phẩm vật liệu xây dựng ở Việt Nam; Nghiên cứu xây dựng MRV (hệ thống giám sát, báo cáo, và thẩm tra) cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng; Đánh giá tiềm năng kinh tế tuần hoàn trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng; Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn tính toán phát thải khí nhà kính ngành sản xuất xi măng.

Theo kinh nghiệm quốc tế của GS. TS Ngô Đức Tuấn - Giám đốc nghiên cứu giảm carbon Đại học Melbourne, lựa chọn tiêu chuẩn áp dụng bê tông carbon hàm chứa thấp là một kinh nghiệm triển khai của Úc. Vấn đề này trở nên nóng hổi trong khoảng 2 năm gần đây, với nhiều hội thảo hướng dẫn cần sự đóng góp của các đơn vị khác nhau. Cẩm nang hướng dẫn cho bê tông carbon thấp của Úc cũng mới được đưa ra cách đây 1 năm. Các đơn vị cần biết cách tính toán và xin chứng chỉ xây dựng từ nhà nước để đảm bảo việc giảm phát thải khí nhà kính trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng được thực hiện hiệu quả.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang