Ngành xây dựng: Hành trình giảm thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0

author 05:45 25/05/2024

(VietQ.vn) - Tại Hội nghị COP26 vào năm 2021, Việt Nam đã cam kết cùng hơn 140 quốc gia đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Ngành xây dựng – lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng phát thải khí nhà kính (KNK) cần có hành động cụ thể.

Theo TS. Lương Quang Huy – Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn (Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường), đến năm 2050, Việt Nam phải giảm lượng phát thải từ khoảng 500 triệu tấn hiện nay xuống còn 110 triệu tấn. Đồng thời, rừng sẽ phải hấp thụ 110 triệu tấn phát thải, tăng từ mức 70 triệu tấn hiện tại. Để đạt được mục tiêu này, tỷ lệ năng lượng tái tạo cần tăng từ dưới 20% hiện nay lên 35-36% vào năm 2030 và 67.5-71.5% vào năm 2050.

TS. Lương Quang Huy – Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn (Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Riêng các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ và phát thải khoảng 38% lượng khí thải carbon. Với mức tiêu thụ năng lượng và đóng góp lớn vào lượng phát thải KNK, cộng với những thách thức toàn cầu như gia tăng dân số, cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, việc phát triển các công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, và bền vững trở thành ưu tiên hàng đầu.

Để quản lý lượng phát thải KNK, Chính phủ sẽ ban hành các danh mục các cơ sở phải kiểm kê KNK. Ngành xây dựng hiện đang tăng số lượng các cơ sở kiểm kê lên trên 200, chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng.

Cũng theo ông Huy, Việt Nam đã và đang thúc đẩy việc sử dụng năng lượng và tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Một trong những giải pháp quan trọng là phát triển các công trình xanh, sử dụng vật liệu tái chế và có khả năng tái chế, đồng thời tối ưu hóa hiệu suất năng lượng. Tuy nhiên, việc sử dụng vật liệu xanh còn gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý, công nghệ sản xuất hạn chế và giá thành chưa cạnh tranh.

Ths. Lưu Linh Hương - Chuyên viên chính Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, ngành xây dựng đã có những bước tiến trong việc giảm phát thải KNK, nhưng vẫn cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12 tháng 05 năm 2022 về việc Phê duyệt “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)”. 

Đồng thời, Bộ đang nghiên cứu xây dựng Kế hoạch thực hiện giảm phát thải KNK lĩnh vực quản lý của ngành xây dựng (thực hiện theo quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ - Quy định về phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn). Dự kiến, kế hoạch này sẽ được ban hành vào năm 2024. Với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế và tư vấn trong nước, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kiểm kê KNK và đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải KNK đối sản xuất vật liệu xây dựng.

GS. TS Ngô Đức Tuấn - Giám đốc nghiên cứu giảm carbon Đại học Melbourne cho biết, lộ trình giảm phát thải ngành xây dựng rất khó khăn nhưng chúng ta có thể học hỏi, trao đổi thông tin với các quốc gia trên thế giới. Kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy việc giảm phát thải trong ngành xây dựng là khả thi nếu có sự hỗ trợ chính sách và công nghệ phù hợp.

GS. TS Ngô Đức Tuấn - Giám đốc nghiên cứu giảm carbon Đại học Melbourne.

Tại Úc, ngành xây dựng đã áp dụng công nghệ mới để giảm phát thải, giữ lại kết cấu các tòa nhà và tập trung vào cải tạo, sửa đổi. Ở Anh và New Zealand, các cơ chế bắt buộc về ngưỡng carbon phát thải đã được áp dụng. Pháp và Thụy Điển yêu cầu các nhà phát triển bất động sản tính toán toàn bộ năng lượng sử dụng trong xây dựng và vận hành tòa nhà để có thể xin được giấy phép.

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, ngành xây dựng Việt Nam cần giảm 74.3 triệu tấn CO2 tương đương. Phát triển vật liệu xanh và công trình hiệu quả năng lượng là xu thế tất yếu. Việc nghiên cứu, lồng ghép các vấn đề về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường vào các chính sách và quy hoạch của ngành xây dựng là cần thiết.

Có thể khẳng định, để giảm phát thải KNK trong ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói riêng, ngành công nghiệp xây dựng nói chung, cần có các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất để xanh hóa ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, xanh hóa ngành công nghiệp xây dựng góp phần xanh hóa nền kinh tế và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang