Viện CIEM: Dự thảo của Bộ GTVT về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô còn bất hợp lý

author 06:18 21/08/2018

(VietQ.vn) - Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Bộ GTVT hiện còn để lộ nhiều bất cập.

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa có văn bản góp ý về dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) do Bộ GTVT xây dựng. Cơ quan này cho rằng, để giải quyết các vấn đề của kinh doanh vận bằng ô tô, rất cần một hệ thống tư duy và cách tiếp cận mới trong soạn thảo Nghị định này, nhất là các quy định về điều kiện kinh doanh.

Theo CIEM, dự thảo cuối cùng đã đơn giản hoá, bãi bỏ một số quy định về điều kiện kinh doanh, nhất là về kinh doanh vận tải bằng xe taxi, như đã cắt giảm quy định về niêm yết logo, màu sơn biểu trưng, điều kiện về trung tâm điều hành, tần số, thiết bị liên lạc, đồng phục, thẻ tên của lái xe... Tuy vậy, nhìn chung, nội dung dự thảo chưa có những đổi mới cần thiết, đủ mạnh theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Cụ thể, toàn bộ nội dung của dự thảo thể hiện cách tiếp cận chi phối là: người dân, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những gì do pháp luật quy định và theo quy định của pháp luật. Cách tiếp cận này không phù hợp với tinh thần “người dân, doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những gì mà luật không cấm”.

“Cách thức quản lý nhà nước không tiếp cận theo hướng đảm bảo lợi ích tối đa của hành khách, của người tiêu dùng, bảo đảm hành khách luôn được cung cấp dịch vụ chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý nhất; mà tạo “thuận lợi” cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp vào hoạt động kinh doanh”, CIEM nhận định.

Cách tiếp cận nói trên thể hiện rất rõ trong giải trình yêu cầu “siết chặt kinh doanh vận tải”, chứ không phải là bãi bỏ ít nhất 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành, mở rộng tự do kinh doanh, đảm bảo tính an toàn của hoạt động kinh doanh, tháo bỏ rào cản, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp như chỉ đạo nhất quán, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong gần 3 năm qua.

CIEM cho rằng nhiều điểm trong dự thảo về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Bộ GTVT còn nhiều điểm bất hợp lý. Ảnh: báo Thái Nguyên 

Trong khi đó, mục tiêu việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 86 lần này không phải là để “siết chặt kinh doanh vận tải”, mà là giảm rào cản, giảm chi phí, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, canh tranh bình đẳng theo tinh thần “Chính phủ kiến tạo”.

CIEM cho rằng, với cách tiếp cận nói trên và yêu cầu “siết chặt kinh doanh vận tải”, cơ quan soạn thảo đã không chú ý nghiên cứu xác định rõ ràng mục tiêu quản lý, tiêu chí và nội dung cụ thể của từng điều kiện kinh doanh; qua đó, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn cần thiết, các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể…, mà trái lại, đưa thêm vào một số điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính mới bất hợp lý, không cần thiết.

Công văn của CIEM nêu một số ví dụ về quy định mới bổ sung trong dự thảo Nghị định nhưng không hợp lý, không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào trong thực tế, mà trái lại tạo gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp vận tải. Đó là quy định đơn vị vận tải phải cung cấp thông tin về hợp đồng vận tải đến Sở Giao thông vận tải trước khi thực hiện vận chuyển hành khách; quy định hợp đồng vận tải phải có thông tin “hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe” của lái xe, “năm sản xuất” của phương tiện.

Cùng đó là yêu cầu doanh nghiệp vận tải báo cáo Sở Giao thông vận tải về các nội dung, hợp đồng mẫu… của ứng dụng phần mềm, ttrong khi các ứng dụng đã được đăng ký/thông báo cho Bộ Công Thương theo quy định về thương mại điện tử. Yêu cầu hợp đồng phải được ký trước khi vận chuyển; chỉ được ký 01 hợp đồng, mang theo hợp đồng vận tải, danh sách hành khách bằng văn bản giấy có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải. Doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng hợp đồng vận tải điện tử có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông…

Tương tự là quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe kinh doanh vận tải khách du lịch (có điểm xuất phát và điểm kết thúc của chuyến đi không nằm trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau;

Ngoài ra, Dự thảo còn 22 lần quy định giao thẩm quyền cho Bộ Giao thông vận tải quy định thêm, trong đó có “theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải” (16 lần) hoặc “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định” (6 lần). Theo CIEM, cách soạn thảo đó đã vô tình hoặc cố ý tạo dư địa để tùy ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đưa ra các công cụ quản lý theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan, công chức nhà nước; tạo rào cản hay đẩy khó khăn, rủi ro về cho doanh nghiệp. Đặc biệt, CIEM nhận định, dự thảo chưa phân định rõ ràng hoạt động kinh doanh vận tải và bảo đảm an toàn giao thông nói chung.

Bảo đảm an toàn giao thông là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các phương tiện và người tham gia giao thông, đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật có liên quan như quy định về an toàn phương tiện (kiểm định, tiêu chuẩn, điều kiện sản xuất phương tiện…), tiêu chuẩn đối với người lái xe (đào tạo, cấp bằng lái xe...), tuân thủ quy tắc giao thông (dừng, đỗ, giao thông, xử phạt vi phạm…).

Các phương tiện và cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trước hết cũng phải tuân thủ đầy đủ tất cả các quy định về an toàn giao thông nói trên; còn quy định về kinh doanh vận tải phải đặt mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo các đơn vị kinh doanh vận tải luôn cung cấp dịch vụ chất lượng tốt nhất với giá hợp lý nhất cho hành khách, khách hàng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại, vận chuyển của xã hội. Do đó, nhiều quy định trong dự thảo Nghị định chồng chéo với các quy định khác, dẫn đến chồng chéo trong quản lý, gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.

CIEM cũng nhận định, dự thảo Nghị định có biểu hiện cài cắm lợi ích ngành, đưa ngay điều kiện kinh doanh vào định nghĩa. Ví dụ tại Điều 3 (Giải thích từ ngữ), Khoản 1 quy định: “Đơn vị kinh doanh vận tải là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải đã được Sở Giao thông vận tải cấp Giấp phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”.

Ngoài ra, trong công văn dài 16 trang, CIEM cũng có góp ý cụ thể về từng chương, điều, khoản kèm theo phụ lục kiến nghị chi tiết về bãi bỏ, sửa đổi các điều khoản của dự thảo Nghị định.

Bảo Lâm

Thủ phạm khiến ô tô SUV Ascent bị lỗi có thể gây 'thảm họa' buộc phải thu hồi(VietQ.vn) - Do lỗi thiếu mối hàn cột B có thể gây nguy hiểm cho hành khách nếu xảy ra va chạm nên nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Subaru buộc phải tiến hành thu hồi toàn bộ SUV Ascent.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang