Vô tư đưa chất độc vào người từ việc 'đói con mắt'

author 14:16 25/02/2018

(VietQ.vn) - Nhiều thực phẩm có màu sắc bắt mắt có sử dụng phụ gia độc hại hoặc sử dụng quá mức giới hạn, tuy nhiên vì 'đói con mắt' mà nhiều người vô tư đưa chất độc vào cơ thể.

Theo tờ Pháp Luật Việt Nam, ở các nước khác trên thế giới để mua được các loại phụ gia như phẩm màu, hương liệu,...thì rất khó nhưng ngược lại tại Việt Nam thì các loại phụ gia này lại được bày bán công khai, việc mua – bán diễn ra quá dễ dàng. Chỉ cần ghé vào bất cứ cửa hàng kinh doanh đồ khô nào thì khách hàng đều có thể mua được các loại phụ gia theo ý của mình, bao gồm cả những loại có nhãn mác xuất xứ, và cũng không ít loại chỉ được đóng trong chiếc túi ni lông màu trắng thậm chí có thể mua được cả những loại theo quy định không được phép sử dụng trong thực phẩm.

Vô tư đưa chất độc vào người từ việc 'đói con mắt'

Những xiên nướng có giá siêu rẻ màu sắc bắt mắt được nhiều người ưa thích nhất là học sinh sinh viên. Ảnh minh họa

Từ việc mua bán quá dễ dàng nên chủ các cơ sở kinh doanh thực phẩm có không ít trường hợp vì lợi nhuận nên sử dụng phẩm màu vượt giới hạn, đặc biệt là màu tổng hợp, hoặc sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép. Đáng báo động là có nơi dùng cả phẩm màu công nghiệp để chế biến thực phẩm, rất dễ dẫn đến ngộ độc cấp tính, mãn tính vì chứa nhiều tạp chất, kim loại nặng. Đơn cử như Rhodamine B là hóa chất phẩm màu chỉ sử dụng để nhuộm, cấm dùng trong thực phẩm vì chúng gây hại cho gan, thận, có thể dẫn đến ung thư. Thế nhưng, cơ quan chức năng từng phát hiện loại phẩm màu này được sử dụng trong chế biến hạt dưa, tương ớt, sa tế,...

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, (Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết suất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá... Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng một lượng lớn thì mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm. Phẩm màu hóa học thì ngược lại, dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ. Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng.

Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có mặt ở mọi nơi, chờ cơ hội để len lỏi vào từng gia đình và chúng đặc biệt nguy hiểm hơn đối với trẻ nhỏ. Tại các khu trường học, chẳng khó khăn gì để tìm một xe hàng rong đứng bày bán các loại chả xiên que, xúc xích,... mỗi loại một màu sắc bắt mắt. Hình ảnh những cô cậu học sinh, sinh viên đứng tụm ba, tụm bảy quây quần kín chiếc xe để ăn những viên chả xe lòe loẹt đó đã thành quá đỗi quen thuộc. Nhiều người dù biết chúng bẩn nhưng vẫn vô tư sử dụng.

Bị nhồi máu cơ tim cấp do uống rượu vui ngày Tết(VietQ.vn) - Hai trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp do uống rượu dịp tết có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đã được cấp cứu kịp thời.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng quốc gia, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nhức nhối với cơ quan chức năng và cả người dân. Nhức nhối bởi tình trạng thực phẩm bẩn vẫn ngang nhiên tồn tại và nhức nhối bởi tâm lý tích trữ thức ăn dài ngày trong tủ lạnh là nguyên nhân khiến thực phẩm trở nên không an toàn do bảo quản không đúng cách. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ, bác sĩ Tiến cho rằng các bà nội trợ không nên mua quá nhiều thực phẩm, bảo quản đúng cách và đảm bảo an toàn trong chế biến (không để lẫn thực phẩm sống - chín, rửa tay trước khi chế biến thức ăn cũng như cho trẻ ăn, giữ vệ sinh khu chế biến và không sử dụng phẩm màu không rõ nguồn gốc...). 

Trước đó, theo tờ Công Lý, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết và mùa lễ hội, Bộ trưởng Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường thanh kiểm tra, tập trung toàn lực kiểm tra các mặt hàng dự báo tiêu thụ nhiều dịp Tết như bánh kẹo, mứt, giò chả, thực phẩm tươi sống, bia rượu, phụ gia...

Bộ trưởng cũng đề nghị thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường; không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả. Đồng thời, địa phương cần tăng cường tập huấn cho chủ các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ về an toàn thực phẩm; về các chứng nhận cần có để sản xuất thực phẩm bảo đảm vệ sinh…

Minh Châu (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang