Vụ mất nửa tỉ đồng trong tài khoản Vietcombank: Bên nào chịu trách nhiệm?

author 06:48 14/08/2016

(VietQ.vn) - Vụ khách hàng bị mất nửa tỉ đồng trong tài khoản Vietcombank cho dù không giao dịch, số tiền bị mất ai sẽ chịu đang được nhiều người quan tâm.

Vụ việc nửa tỉ đồng trong tài khoản Ngân hàng Vietcombank của chị Hoàng Thị Na Hương bị kẻ lạ rút mất chỉ trong một đêm là chuyện hết sức bất ngờ với khách hàng, gây hoang mang cho các khách hàng khác. Câu hỏi được dư luận quan tâm hiện nay là ngân hàng Vietcombank sẽ xử lý thế nào để đảm bảo uy tín, quyền lợi cho chị Hương?

Vụ việc trên khiến nhiều người lo ngại về quy trình bảo mật của Ngân hàng Vietcombank

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng đây là một sự cố đáng tiếc trong quan hệ dân sự giữa chị Hương với Vietcombank. Để giải quyết sự cố này thì hai bên cần phải phối hợp để làm rõ nguyên nhân và cùng nhau đưa ra giải pháp giải quyết có tình, có lý.

Theo Luật sư, có thể ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm về thiệt hại trong vụ việc trên và bồi thường, hỗ trợ cho chị Hương nếu lỗi thuộc về phía ngân hàng, hoặc theo chính sách hỗ trợ của ngân hàng với những rủi ro của người gửi.

Tuy nhiên, một trường hợp khác cũng có thể xảy ra là ngân hàng sẽ "từ chối thẳng thừng". Khi đó, khách hàng như chị Hương chỉ còn khách khởi kiện tới tòa án để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật.

Tài khoản trong ngân hàng Vietcombank bị kẻ lạ rút mất nửa tỉ đồng(VietQ.vn) - Chỉ trong một ngày đêm, cho dù không giao dịch nhưng tài khoản Ngân hàng Vietcombank của chị Hương bỗng dưng “bốc hơi” mất nửa tỉ đồng.

Xét dưới góc độ pháp lý thì quan hệ giữa chị Hương và Ngân hàng Vietcombank trong vụ việc này là quan hệ dân sự, là hợp đồng vay tài sản.

Quan hệ dân sự này được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật dân sự và các quy định về hoạt động tín dụng. Quy định pháp luật về Hợp đồng vay tài sản được quy định cụ thể từ điều 471 đến điều 479 Bộ luật Dân sự 2005.

Loại gửi tiền vào tài khoản ATM là hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn và có lãi, pháp luật quy định là "Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản. Còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý".

Theo đó, khách hàng có thể rút tiền, chuyển khoản qua điện thoại, internet, cây ATM.. theo quy định của ngân hàng. Để thực hiện hoạt động rút tiền (đòi nợ) này thì khách hàng cần phải nhập mật khẩu cá nhân. Mật khẩu này được ngân hàng bảo mật, đảm bảo an toàn cho các giao dịch của khách hàng.

Nếu khách hàng tự ý cung cấp mật khẩu tài khoản cá nhân cho bên thứ ba và bên thứ ba thực hiện hoạt động rút tiền trong tài khoản của khách hàng đó thì rủi ro thuộc về khách hàng.

Nếu khách hàng không cung cấp tài khoản, mật khẩu tài khoản cá nhân cho bên thứ ba. Việc lộ thông tin tài khoản là do chế độ bảo mật của ngân hàng không đảm bảo thì ngân hàng phải chịu rủi ro trong trường hợp này, có nghĩa là ngân hàng phải bồi hoàn số tiền bị mất cho khách hàng.

Tòa án sẽ căn cứ vào các chứng cứ do hai bên xuất trình và chứng cứ mà tòa án thu thập được để giải quyết tranh chấp. Nếu các bên thương lượng được với nhau về rủi ro trong vụ việc này thì không cần phải khởi kiện.

 Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp

Quay trở lại vụ việc chị Hương bị rút mất 500 triệu đồng trong tài khoản khi chị không hề giao dịch (Ngân hàng đã kịp phong tỏa nên chỉ còn lại 200 triệu đồng bị mất - PV), Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng nếu phía Vietcombank từ chối trách nhiệm, không bồi thường hỗ trợ cho cho chị Hương thì sẽ làm mất uy tín của ngân hàng (kể cả trong trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về chị Hương).

Nhưng xét về mặt nguyên tắc, chị Hương để lộ mật khẩu tài khoản cá nhân cho người khác dẫn đến mất 200 triệu đồng thì chị Hương chịu rủi ro

Nếu số tiền bị mất đó không phải do chị Hương làm lộ thông tin tài khoản mà do lỗi bảo mật của ngân hàng thì ngân hàng phải trả lại số tiền đó cho chị Hương

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân Luật sư, kể cả trong trường hợp lỗi thuộc về chị Hương thì ngân hàng Vietcombank cũng nên có chính sách hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi khách hàng và uy tín của ngân hàng.

Trước câu hỏi của phóng viên, trong khi chưa bắt được thủ phạm, chưa có kết luận từ cơ quan điều tra mà Ngân hàng Vietcombank đã cho rằng khách hàng làm lộ mật mã nên bị rút tiền liệu có khách quan? Về việc này Luật sư Cường cho rằng đó là ý kiến của một bên.

“Họ có quyền đưa ra ý kiến để xác định trách nhiệm và uy tín của mình. Còn nếu ra tòa thì tòa án sẽ xác định xem quan điểm, ý kiến đó đúng hay sai, đồng thời quy trách nhiệm pháp lý cụ thể”, Luật sư Đặng Văn Cường nói.  

VIẾT CƯỜNG

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang