Xiên bẩn, bánh kẹo không rõ nguồn gốc bủa vây trường học

author 12:12 15/12/2022

(VietQ.vn) - Thực phẩm bẩn như: que xiên, bánh kẹo không rõ nguồn gốc đang ngày ngày bủa vây trường học, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe học sinh.

Xiên bẩn

Thức ăn nhanh cổng trường, lâu nay vẫn là câu chuyện muôn thuở về nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt gần đây, học sinh sinh viên rất thích những món xiên sau mỗi giờ tan học.

Gọi là xiên bẩn, nhưng sức hút của những món ăn này không hề kém chút nào. Hấp dẫn là bởi màu sắc bắt mắt, hương liệu thơm phức và đặc biệt là giá thành vô cùng rẻ. Nhưng rẻ, không đi kèm với chất lượng.

Không chỉ là món ăn vặt hấp dẫn trẻ em, từ lâu xiên bẩn cũng là món ăn bủa vây tại các cổng trường đại học. Ghi nhận tại khu vực gần một số các trường đại học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội rất nhiều các xe bán thực phẩm dừng ngay ở 2 bên vỉa hè.

 Xiên bẩn bao vây trường học. Ảnh: ANTT

Theo những người bán hàng mỗi ngày tại đây tiêu thụ 1 lượng lớn các thực phẩm như xúc xích, chả cá, bò viên, tôm mực, há cảo. Người bán cũng khẳng định chất lượng các loại này rất ngon nên mới thu hút được số lượng lớn các bạn sinh viên ăn sau mỗi giờ tan học. Tuy nhiên theo quan sát của phóng viên, những loại viên chiên được bán tại quầy hàng này được bọc trong túi nilon không nhãn mác, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng. Tất cả những xiên đồ ăn này có giá từ 2 nghìn đồng đến 10 nghìn đồng.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng những sản phẩm như xiên que bày bán tràn lan tại các cổng trường học đều không có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Các sản phẩm này chưa được các cơ quan kiểm chứng và không đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì thế, món ăn vặt xiên que này tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại cho sức khỏe.

Không những thế, các quầy bán này hầu hết đều sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần, làm tăng thêm các chất độc hại sinh ra từ quá trình chiên rán trước đó. Và khi chúng ta ăn phải những chất độc hại đó, cơ thể sẽ có các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, thở khó, tim đập chậm, huyết áp tăng cao, người mệt mỏi, ăn nhiều trong thời gian dài có thể dẫn đến các bệnh ung thư.

Kẹo, bánh bẩn 

Ghi nhận tại TPHCM nhiều bánh kẹo được cho là không rõ nguồn gốc bày bán quanh cổng trường đang khiến nhiều phụ huynh lo ngại tình trạng ngộ độc thực phẩm với học sinh.

Theo ghi nhận, vào giờ tan học, rất nhiều cổng trường bị “bao vây” bởi các gian hàng đồ ăn, thức uống di động. Trước cổng Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (quận Gò Vấp) có nhiều gian hàng di động gồm thức uống, kem, bánh chiên… vây quanh phụ huynh, học sinh. Rất nhiều em học sinh sau khi vừa bước ra khỏi cổng là lao ngay đến các quầy thức ăn di động này để mua.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh, một phụ huynh cho hay, mỗi khi tan học con thường than đói bụng nên hầu như ngày nào cũng mua một món gì đó cho con ăn trước khi về nhà. “Bữa thì bánh chiên, bữa thì sushi… Cho con ăn cũng lo vì không biết thực phẩm có đảm bảo vệ sinh hay không nữa”, chị Kim Anh lo lắng.

Tương tự, tại trước cổng Trường tiểu học Hanh Thông (quận Gò Vấp) ngay khi vừa tan học cũng có nhiều cửa hàng di động như kẹo bông, bánh rán… vây trước cổng trường phục vụ học sinh.

Bên cạnh các món ăn vặt mua ở các “cửa hàng di động”, nhiều học sinh còn tìm đến các tạp hóa quanh trường để mua bánh kẹo, đồ chơi. Tại đường Nguyễn Du (quận Gò Vấp), nơi có Trường THCS Gò Vấp và Trường tiểu học Trần Quốc Toản trú đóng, có nhiều cửa hàng tạp hóa bán một loại kẹo có màu sắc sặc sỡ được gọi là kẹo nổ.

“Học sinh rất thích ăn vì khi cho vào miệng nó vừa ngọt vừa có tiếng nổ trong miệng”, một phụ huynh giải thích. Theo người bán tạp hóa, kẹo này dễ ăn, giá lại rẻ, chỉ 5.000 đồng/gói nên học sinh thường hay mua.

Tình trạng thực phẩm bẩn "bủa vây" cổng trường học đã được phản ánh trong suốt một thời gian dài, Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh doanh, buôn bán thực phẩm "bẩn" vẫn khá phổ biến là do lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát và đấu tranh, xử lý còn mỏng so với yêu cầu thực tế. Cùng với đó, công tác đấu tranh, xử lý hành vi này ở một số nơi vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có biểu hiện bao che, tiêu cực. Ngoài ra, hiện nay, một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa chú trọng lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng khi sử dụng. Do đó, để có thể hạn chế, ngăn chặn thực phẩm "bẩn", cần có sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, từ cơ quan quản lý, lực lượng chức năng đến mỗi người dân.

Liên quan tới hành vi trên, thực tế pháp luật hiện hành đã có đầy đủ chế tài đối với tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm "bẩn". Về xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ quy định rõ một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt hành chính đến 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức, cùng các hình thức xử phạt bổ sung như:

Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 1 đến 6 tháng, đình chỉ hoạt động có thời hạn... Nếu vi phạm nghiêm trọng còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 317, Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, không ít doanh nghiệp sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính vẫn tái diễn hành vi buôn bán, kinh doanh thực phẩm "bẩn".

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang