Xuất khẩu thủy sản sẽ tăng tốc từ tháng 3/2021

author 06:48 10/03/2021

(VietQ.vn) - Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh từ tháng 3/2021 do các doanh nghiệp đã có sự quyết tâm và chuẩn bị kỹ từ nguồn cung tới sản xuất để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản trong năm 2021.

Xuất khẩu thủy sản chiếm 2% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản cả nước đạt 1.141,4 ngàn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, gồm sản lượng nuôi trồng đạt 600,5 ngàn tấn, tăng 2,5%; sản lượng khai thác đạt 540,9 ngàn tấn, tăng 0,5% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 512,7 ngàn tấn, tăng 0,5%).

Mỹ, EU, Canada, ASEAN, Ai Cập, Ixraen và Nhật Bản là những thị trường tiêu thụ cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2021 

Có 853 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản. Trong đó, có 6 doanh nghiệp có trị giá đạt trên 10 triệu USD, đứng đầu là Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, Công ty Cp Vĩnh Hoàn, Công ty Cp Thủy Sản Minh Phú - Hậu Giang, Công ty Cp Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú...

Có 137 doanh nghiệp có trị giá xuất khẩu trong tháng 1/2021 đạt từ 1 đến 9,9 triệu USD. Còn lại là các doanh nghiệp xuất khẩu đạt trị giá dưới 1 triệu USD, chiếm 25,5% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của cả nước.

2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 259,1 ngàn tấn với trị giá 1,011 tỷ USD, tăng 5,5% về lượng và giảm 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 2% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Như vậy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam những tháng đầu năm 2021 chưa có nhiều biến đổi lớn so với năm 2020. Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh từ tháng 3/2021 do các doanh nghiệp đã có sự quyết tâm và chuẩn bị kỹ từ nguồn cung tới sản xuất để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản trong năm 2021.

Xuất khẩu thủy sản tới các thị trường lớn đều tăng mạnh

Trong 2 tháng đầu năm 2021, thủy sản Việt Nam được xuất khẩu tới 111 thị trường trong đó Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc lần lượt là những thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản tới hầu hết các thị trường lớn đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản năm 2020 đạt 1,9 triệu tấn với trị giá 1.397 tỷ Yên, tương đương 13,28 tỷ USD, giảm 8,6% về lượng và giảm 14,9% về trị giá so với năm 2019. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Nhật Bản, chiếm 7,02% về lượng và chiếm 8,46% về trị giá, đạt 133,49 nghìn tấn với trị giá 118,16 tỷ Yên, tương đương 1,123 tỷ USD, giảm 12% về lượng và giảm 11,2% về trị giá so với năm 2019. Dự báo, nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản năm 2021 đạt 1,95 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2020 với trị giá 1400 tỷ  Yên, tương đương 13,31 tỷ USD, tăng 0,2%. Trong đó Việt Nam vẫn duy trì là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho Nhật Bản.

Với thị trường Mỹ, theo số liệu thống kê từ NMFS, nhập khẩu thủy sản của Mỹ năm 2020 đạt 2,94 triệu tấn với trị giá 21,89 tỷ USD, tăng 3,2% về lượng và giảm 2,3% về trị giá so với năm 2019. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 6 cho Mỹ về trị giá, chiếm 6,41% đạt 1,4 tỷ USD, giảm 7% so với năm 2019. Nguyên nhân là do giá các mặt hàng thủy sản Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam giảm. Xét về lượng Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 7 cho Mỹ sau Thái Lan, chiếm 7,78% về lượng đạt 228,9 nghìn tấn, tăng 1,8% so với năm 2019. Dự báo, năm 2021, nhập khẩu thủy sản của Mỹ tăng nhẹ về lượng đạt 2,95 triệu tấn với trị giá 22 tỷ USD, tăng 0,2% về lượng và 0,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Thị trường Trung Quốc tiêu thụ lớn thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2020 đạt 462,03 ngàn tấn, trị giá 1,17 tỷ USD, tăng 3% về lượng nhưng giảm 4,8% về trị giá so với năm 2019.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc năm 2020 chưa khả quan do 2 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là cá tra, basa và tôm các loại đều giảm như cá tra, basa giảm 3,3% về lượng và giảm 21,6% về trị giá; tôm các loại giảm 8,2% về lượng và giảm 7% về trị giá so với năm 2019; 2 mặt hàng lớn trên giảm đã ảnh hưởng nhiều tới tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2020. Cùng với các nhóm hàng khác cũng giảm như bạch tuộc các loại, cá ngừ các loại, mắm, bong bóng cá...

Tuy nhiên, xuất khẩu một số nhóm hàng thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2020 tăng như cá khô, cua các loại, surimi, mực các loại, cá đông lạnh, ruốc, sò các loại...

Trong năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc chưa tăng trưởng tốt do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Sang năm 2021, dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ đạt 490 nghìn tấn, trị giá 1,21 tỷ USD, tăng 6,1% về lượng và tăng 1,4% về trị giá so với năm 2020.

Trung Quốc không chỉ là nhà xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất thế giới mà nước này còn tiêu thụ tới trên 30% tổng trữ lượng thủy hải sản trên toàn cầu. Với dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng cao của người dân Trung Quốc có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

Theo nghiên cứu của mạng lưới World Sea Food ở Thượng Hải, mức tiêu thụ thủy sản của người dân Trung Quốc vẫn đang tăng lên hàng năm, tương ứng với xu hướng tăng cường nhập khẩu và thu nhập cao hơn của người dân. Ước tính, lượng tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người ở Trung Quốc trong năm 2020 đạt 35,9 kg, trong khi mức tiêu thụ ở khu vực đô thị bình quân trên đầu người đã vượt quá 40 kg.

Theo các chuyên gia, với mức tiêu thụ tăng cao sẽ tạo điều kiện cho thủy sản Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cần đẩy mạnh những mặt hàng thủy sản chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ là lựa chọn của người tiêu dùng Trung Quốc trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn như hiện nay.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang