Bạn đang là ‘fan ruột’ của taxi Uber, Grab, hãy đọc bài này để cảnh giác

authorDương Phương Ngọc 19:43 01/08/2017

(VietQ.vn) - Đi taxi Uber hay Grab đang trở thành một trào lưu mới của giới trẻ. Tuy nhiên, với bài viết chia sẻ của một độc giả dưới đây, các “fan ruột” của Uber, Grab có thể phải giật mình, đắn đo trước khi quyết định dùng dịch vụ này.

Tôi đã từng là “fan cuồng” của Uber và Grab. Bất kể đi đâu ra đường, dù là chặng đi gần hay chặng đi xa, tôi cũng rất ngại đi xe máy. Vì Hà Nội những ngày này thì bạn biết rồi đấy, nắng nóng như đổ lửa. Đến cơ quan thì ngồi điều hòa, do vậy, nếu bảo ra đường để chịu “nướng trong chảo lửa”, tôi thà “cắn răng”, “thắt lưng buộc bụng” đi taxi còn hơn.

Trước đây, tôi thường book Uber vì giá cước rẻ, tiện lợi, nhanh chóng, được đi “xế sang” với chi phí thấp. Khi tôi khen dịch vụ của Uber trên Facebook, một số người bạn của tôi cũng bĩu môi: “Để rồi xem, mày chưa gặp phốt đó thôi”.

Lúc đó, tôi vẫn không tin, vẫn gân cổ bảo vệ cho “fan” của mình. Nhưng lần này thì tôi gặp “phốt” thật!

Mặc kệ Grab 'xin', Hà Nội vẫn quyết cấm dịch vụ đi xe chung GrabShare, UberPOOL(VietQ.vn) - Mặc dù đại diện Grab cho biết, họ đang làm việc tích cực với Bộ GTVT và tham vấn với rất nhiều Bộ, ngành nhưng UBND Tp.Hà Nội vẫn cương quyết cấm dịch vụ đi xe chung GrabShare, UberPOOL.

Chuyện xảy ra là như thế này, vào thứ 7 tuần vừa rồi (ngày 29/7), gia đình tôi có kế hoạch tới nhà người quen tại ngõ 99 phố Đức Giang (Hà Nội), như thói quen mọi lần, tôi bật điện thoại, bật wifi để gọi dịch vụ taxi Uber. Khi gõ điểm đón tại Phú Diễn, ứng dụng báo giá tiền 219.000 đồng – một mức giá phải chăng, hợp lý. Tôi nhanh tay đặt nút chọn xe UberX.

Sau khoảng 7 phút chờ đợi, một chiếc xe Kia Morning đã đến đón khách, lái xe có tên là Tiến C. Tuy nhiên, đi được một đoạn, tới đường Trần Bình, lái xe nhận cuộc điện thoại từ một khách sạn nào đó, nhân viên khách sạn thông báo anh C. phải đến đón một vị khách Tây ngay lập tức vì người khách Tây đang đợi.

Ngay sau cuộc gọi điện thoại, anh C. bày tỏ thái độ sốt ruột. Vị lái xe này quay ra nói với chúng tôi rằng: Anh muốn kết thúc hành trình ở đây, phiền chúng tôi đặt một cuốc khác vì anh phải quay về khách sạn đón khách Tây để lấy 250.000 đồng mà khách Tây đang nợ từ trước. Thấy anh này ỉ ôi nên mặc dù cảm thấy rất phiền phức và mất thời gian, tuy nhiên, với suy nghĩ, dù có đặt lại một cuốc khác thì giá tiền cũng không chênh lệch nhiều nên tôi đã đồng ý.

Lái xe kết thúc hành trình, ấn nút trả khách trên ứng dụng Uber và dừng xe tại gần bệnh viện 198 Trần Bình, tôi phải trả cho lái xe 33.000 đồng cho chặng đường từ nhà (Phú Diễn) tới đây. Tiếp tục đặt lại xe với điểm đón tại Trần Bình thì giá tiền tới ngõ 99 phố Đức Giang không còn rẻ như trước, lúc này giá tiền đã đội lên thành hơn 270.000 đồng. Lái xe lý giải rằng: Thời điểm này là giờ cao điểm (hơn 8h sáng) nên giá xe cao hơn so với bình thường.

 Các tài xế của Uber phần lớn làm "part time" những lúc nông nhàn, vì vậy, lúc bận, biết đâu họ có thể bỏ rơi bạn giữa đường?!

Thấy tôi không đồng ý với mức tiền chênh lệch một cách vô lý như vậy, anh C. muốn “ổn thỏa cho cả đôi bên” nên đã đưa ra phương án khác. Anh này gọi cho một người bạn (cũng là dân lái xe taxi đang đỗ ở bến xe Mỹ Đình) đến đón cả gia đình chúng tôi và giao kèo với họ rằng: Chỉ lấy của chúng tôi với mức giá 200.000 đồng. Cũng vì tin tưởng lái xe nên chúng tôi gật đầu theo phương án mà anh C. đưa ra.

Tuy nhiên, vừa lên xe mới chưa kịp ấm chỗ, anh bạn của lái xe C. lại có điện thoại về nhà nghỉ để đón khách đi liên tỉnh. Họ lại một lần nữa đẩy cả gia đình tôi sang một xe khác.

Như vậy, chỉ với một đoạn đường từ Phú Diễn sang Gia Lâm mà chúng tôi đã phải 3 lần chuyển xe. Nắng nóng…mệt mỏi. Và đặc biệt là, gia đình chúng tôi có 2 con nhỏ, một bé 6 tháng còn một bé 2,5 tuổi. Mỗi lần chuyển xe lại lỉnh kỉnh ba lô, túi bỉm, sữa và đồ ăn kèm theo. Con bé lớn uể oải, mấy lần cứ khóc đòi “mẹ ơi, cho con xuống xe”. Chưa kể vài lượt nó suýt nôn ói ở trên xe. Lẽ ra, chúng tôi đã có thể đi sớm, đến nơi sớm nhưng vì phải chuyển xe 3 lượt nên gia đình tôi đến hẹn muộn hơn dự kiến, suýt chút nữa thì lỡ bữa tiệc sinh nhật mà 2 đứa con tôi đã chờ đợi từ nhiều tháng qua.

Sau chuyến đi “kinh hoàng” ấy, tôi đã quyết định rằng: Dù giá taxi truyền thống có đắt hơn một chút nhưng dù sao tôi cũng không bị chuyển xe một cách “phũ phàng” như vậy. Tôi đã thề với bản thân rằng: Từ giờ sẽ không là “fan ruột” của Uber hay Grab hay bất cứ một ứng dụng nào tương tự nữa.

Tôi lại quay trở về với taxi truyền thống - “cái máng lợn” ngày xưa (như cách gọi vui của ông xã tôi), tuy cũ kỹ, chậm chạp, không bóng bẩy, không công nghệ số, không wifi, không thời thượng… nhưng chắc chắn, cẩn thận và quan trọng nhất là được phục vụ một cách chu toàn.

Thậm chí, khi gặp sự cố, tôi có thể alo trực tiếp cho tổng đài để mắng cho một trận để xả cho hết stress. Đằng này, tôi chỉ có thể phản hồi trên ứng dụng điện thoại vào phần mềm của Uber. Sau nút gửi thư để trình bày về mọi việc thì ứng dụng thông báo lại rằng: Uber sẽ điện thoại lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, sau đó, tôi chẳng thấy ai gọi lại cho mình.

Chưa hết bức xúc, tôi hỏi xin bạn bè bằng được số điện thoại của lãnh đạo Uber với mong muốn “chỉ tận tay, day tận mặt” để hãng thay đổi cung cách phục vụ hoặc ít nhất là kiểm soát chất lượng lái xe tốt hơn, tránh những phiền phức không đáng có cho khách hàng. Mặc dù vậy, khi có trong tay số của Giám đốc điều hành của Uber trong tay, chưa kịp hả hê thì tôi lại một lần nữa thất vọng với Uber. Số điện thoại của vị Giám đốc điều hành có chuông reo nhưng nhiều lần không ai nghe máy, dù tôi đã cố gắng gọi bằng cả số điện thoại bàn và cả di động, trong các thời điểm khác nhau.

 Hãy là người tiêu dùng thông thái trước khi chọn đi Uber hay taxi truyền thống.

Xem ra một khách hàng nhỏ bé như tôi, muốn phản ánh về chất lượng dịch vụ tới hãng nghe chừng cũng “khó như lên trời” vậy! Tôi đành ngồi viết đôi dòng than thở ra đây để nhắc nhở mọi người – những ai đang và đã sử dụng dịch vụ này hãy cẩn thận và cảnh giác. Ít nhất trong những trường hợp tương tự như của tôi, khi lái xe yêu cầu hoặc “xin xỏ” khách hủy chuyến đi thay vì phải tiếp tục hành trình đã đặt trước, khách không nên “nể tình” mà đồng ý.

Tôi cũng từng nghe một vài trường hợp bạn tôi kể. Đối với các cuốc đi dài liên tỉnh, các tài xế của Uber hay Grab thường không có nhiều hứng thú, bởi phải chiết khấu 20 – 25% cho hãng, lái xe sẽ không được hưởng tiền phí nhiều. Ví dụ, một chuyến liên tỉnh từ Hà Nội về Ninh Bình, nếu cước phí là 1 triệu đồng thì trừ đi 20% tiền gửi lại hãng, các lái xe chỉ được đút túi chừng 800.000 đồng. Trong khi đó, nếu thỏa thuận được với khách, hủy cuốc đi trên ứng dụng Uber, tự thỏa thuận với khách để chở khách về tận nhà, các lái xe Uber có thể “ôm trọn” cả 1 triệu đồng đó, hoặc có chăng, bớt đi cho khách 100.000 ngàn đồng, còn 900.000 đồng thì “cả đôi bên vẫn đều có lợi”.

Tuy nhiên, nếu khách hàng gật đầu chấp thuận thì họ sẽ lại không có quyền đánh giá tài xế sau chuyến đi, vì vậy, chất lượng chuyến đi sẽ rất kém, thậm chí cũng không kiểm soát được không có bằng chứng chuyến đi.

Suy cho cùng, người chịu thiệt nhất vẫn chính là khách hàng. Vì vậy, hãy là một người tiêu dùng thông minh, bạn nhé. Quyết định đi taxi gì, đó là quyền của các bạn, nhưng hãy cố gắng đặt sự an toàn của bản thân mình lên trên hết, đừng rơi vào hoàn cảnh “vật vã” như tôi đã kể ở trên, bị lái xe bỏ rơi giữa chừng chỉ vì đón một khách khác. Nói như các cụ ngày xưa thì đúng là “Tiền nào, vải ấy!”.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang