Cách nhận biết cơ thể đang mắc virus Zika

author 11:21 20/10/2016

(VietQ.vn) - Theo WHO, khi cơ thể mắc chứng virus Zika có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… người bệnh nên nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm virus học.

Khi bị muỗi Aedes nhiễm bệnh đốt, nguy cơ nhiễm virus Zika ở mọi đối tượng đều như nhau. Virus Zika rất khó nhận biết nên hầu hết, người bệnh không thể biết được mình đang nhiễm virus Zika, đặc biệt, có đến 80% phụ nữ mang thai không biết mình đang nhiễm virus Zika. Còn sự ảnh hưởng đối với thai nhi, trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây dị tật, biểu hiện là chứng đầu nhỏ.

Theo thống kê, cứ 4 người nhiễm virus Zika thì chỉ có 1 người xuất hiện một số triệu chứng, phổ biến nhất là sốt nhẹ và phát ban, đau mắt, đau khớp, đau cơ, cảm giác khó chịu; hiếm hơn là Zika khiến người bệnh thấy đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy, xuất hiện sau khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt từ 2 - 12 ngày.

Nếu người bệnh có những biểu hiện trên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với khu vực bùng phát virus thì nên nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm virus học.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, virus Zika lây lan qua đường sinh dục, vì vậy, người bệnh đặc biệt lưu ý việc tái nhiễm có thể xảy ra, tuy nhiên, không phải ai nhiễm Zika bé sinh ra cũng bị dị tật đầu nhỏ. Đến nay, khoa học chỉ ghi nhận những bà mẹ đang mang thai nhiễm Zika có tỷ lệ sinh con đầu nhỏ cao hơn bình thường.

Để sinh bé khỏe mạnh, việc khám tầm soát trước khi mang thai cả vợ và chồng, chủng ngừa vacxin cho vợ, khám thai định kỳ, chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ… là rất cần thiết.

 Để nhận biết cơ thể mắc chứng virus Zika, người bệnh thấy cơ thể có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, phát ban...nên nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm virus học.

Ngoài ra, đối với phụ nữ có kế hoạch đến một khu vực bị ảnh hưởng hoặc bùng phát dịch, cần có những bước kiểm tra y tế chặt chẽ. Trong suốt chuyến đi và 2 tuần sau đó, thai phụ phải thường xuyên theo dõi những triệu chứng của cơ thể và tiến hành những xét nghiệm máu cần thiết. Đặc biệt là siêu âm để theo dõi những biểu hiện bất thường của thai nhi đối với thai phụ.

Trên thực tế không một liệu pháp can thiệp nào có thể đảo ngược quá trình phát triển để chữa những khiếm khuyết cho trẻ. Tuy nhiên, việc sớm phát hiện virus có thể giúp gia đình chuẩn bị tâm lý, tinh thần và nhiều điều kiện khác cho sự ra đời của trẻ.

Cũng theo WHO, hiện nay, không có thuốc tiêm chủng để phòng ngừa hoặc điều trị cho virus Zika. Bởi virus Zika chưa gây ảnh hưởng quá lớn đối với sức khỏe con người.

WHO cũng đã kêu gọi các nhà nghiên cứu phát triển loại vacxin phòng bệnh Zika cũng như thực hiện các biện pháp phát hiện bệnh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quá trình này sẽ phải mất nhiều năm nữa.

Để ngăn chặn bệnh dịch lây lan, Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền vi rút Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.

Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ - khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn.

Chủ động phòng chống dịch bệnh một cách tích cực, tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại các hộ gia đình; kiểm tra, loại bỏ vật phế thải không để muỗi sinh sản và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.


Huy Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang