Nhà mạng ngấm ngầm 'vặt tiền' của người dùng điện thoại di động

authorDương Phương Ngọc 06:56 30/09/2016

(VietQ.vn) - Không ít người dùng điện thoại di động khi kiểm tra tài khoản mới giật mình bởi: Họ bị "dính" chiêu lừa tiền cho 1 dịch vụ mà họ không hề hay biết.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có cảnh báo về vấn đề vi phạm quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động, lưu ý khách hàng cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin để sử dụng các dịch vụ này hiệu quả, tránh được những hành vi xâm phạm quyền lợi của mình...

Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh gần đây, nhiều chủ thuê bao tiếp tục bức xúc về việc nhà mạng tự động cài đặt hàng chục dịch vụ mà họ không hề hay biết.

Người Việt đổ 3 tỉ USD để rước 7 loại ung thư quái ác(VietQ.vn) - Người Việt bỏ ra 3 tỉ USD cho việc uống bia rượu trong khi đó, rượu chính là nguyên nhân chính gây ra 7 loại ung thư đang gia tăng chóng mặt tại VN.

Anh Phạm Hùng Thắng, CEO Vitot Seafood - Vua Hải Sản Sạch & Cá Mực Một Nắng, người đang sử dụng thuê bao của hãng Viettel, đã đăng lên trang cá nhân của mình những tin nhắn chứng minh cho việc anh đã bị nhà mạng “lừa tiền” suốt 1 năm qua.

Trao đổi với PV VietQ.vn, anh Thắng cho biết: Sau khi được biết cách chủ động soạn tin nhắn để kiểm tra các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động, xem tài khoản của mình có bị hack tiền hay không, anh đã làm theo hướng dẫn. Và kết quả là: Anh ngã ngửa khi thấy tin nhắn thông báo các dịch vụ mà anh đang phải trả tiền hàng tháng, trong đó có dịch vụ rất lạ mang tên Langmauviet.

Tin nhắn thông báo các dịch vụ gia tăng mà anh Thắng phải trả tiền hàng tháng. 

“Tôi khẳng định là mình chưa từng đăng ký dịch vụ này bao giờ. Vào website của họ, tôi cũng thấy giao diện lạ hoắc, toàn những cái tôi chưa từng làm. Sợ quá, tôi nhập cú pháp để huỷ ngay vì số tiền mà nhà mạng Viettel trừ tuy không nhiều (2.000 đồng/ngày) nhưng cũng không hề ít. Tôi đoán là: Tôi đã bị lừa từ 1, 2 năm nay từ khi Chính phủ chưa ra nghị định mới về việc phát hành Game, ứng dụng sử dụng SMS để đăng ký” – anh Thắng chia sẻ.

Việc bị mất “tiền oan” suốt 1 năm ròng khiến anh Thắng vô cùng bức xúc. Anh nói: “Thật sự ở Việt Nam tuy rằng cho phép các nhà mạng mặc sức phát triển nhưng vẫn không khác nào độc quyền vì quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng của các nhà mạng đi sau không thắng nổi. Chính vì thế, các nhà mạng lớn cứ thích làm gì thì làm.

Ở các quốc gia phát triển, luật của họ rất nghiêm, cách truyền thông về các dịch vụ gia tăng rất rõ ràng và để sử dụng được dịch vụ, khách hàng luôn nhận được thông báo, thậm chí là cảnh báo rất minh bạch, trong khi đó, ở đây, nhà mạng thật vô trách nhiệm bởi mỗi khi trừ tiền của khách, họ không hề thông báo. Ở Việt Nam, các nhà mạng luôn có nhiều chiêu trò để "khéo" móc túi khách hàng càng nhiều càng tốt, luôn mập mờ để lừa dân. Tôi thật sự thấy thất vọng, cảm thấy bị tổn thương về cách làm của nhà mạng”.

Không riêng anh Thắng, trường hợp của anh Ngô Đình Ngọc (ngụ tại TPHCM) cũng là một ví dụ cho kiểu “vặt” tiền khách hàng của nhà mạng.

Theo anh Ngọc tường trình: Cách đây không lâu, khi truy cập vào website để đọc báo, anh bất ngờ thấy điện thoại của mình báo tin nhắn: Khách hàng đã đăng ký dịch vụ X.

Quá ngạc nhiên vì chưa hề đăng ký dịch vụ nào có tên X, anh Ngọc điện thoại hỏi tổng đài, lúc này, nhân viên của nhà mạng kiểm tra lại và thông báo “có thể đây là do lỗi hệ thống”. Ngay lập tức, anh Ngọc yêu cầu nhà mạng hủy dịch vụ này và họ đã phải gửi lời xin lỗi cũng như hoàn lại số tiền gần 500.000 đồng đã trừ bất hợp lý vào tài khoản trước đó của anh Ngọc.

Vị khách hàng này nhận xét: “Chiêu trò" của một số nhà mạng đó là họ tự động "hack" đăng ký nếu khách hàng lỡ click vào link web nào đó khiến khách hàng tự đăng ký dịch vụ. Cũng giống như dùng Facebook, nếu chẳng may, người dùng click vào một “link ảo” nào đó thì tự dưng, họ sẽ tự động like một loạt fanpage.

“Tôi nghĩ: Các thuê bao nên hết sức cảnh giác. Khách hàng có thể điện thoại lên tổng đài hỏi cụ thể: “Số điện thoại này của tôi có đăng ký sử dụng dịch vụ nào không? Nếu có thì các bạn hãy yêu cầu Hủy và đưa List các dịch vụ vào danh sách đen, đồng thời yêu cầu nhà mạng hoàn tiền đầy đủ. Hoặc các thuê bao có thể chủ động nhắn tin để kiểm tra tài khoản của mình. Để biết mình có bị hack tiền hay không, có thể soạn "KT" gửi 994 (đối với mạng MobiFone), Soạn "TK" gửi 123 (mạng VinaPhone) và Soạn "TC" gửi 1228 (đối với mạng Viettel)” - anh Phạm Hùng Thắng nhắn nhủ.

Bộ Công Thương khuyến cáo người dùng cần kiểm tra thông tin tránh bị mất tiền oan. Ảnh minh họa.

Có thể nói, "nghi án" nhà mạng tự động kích hoạt các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng đã được đặt ra suốt từ nhiều năm nay. Các cơ quan quản lý trực thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông cũng không ít lần nhận được thông tin phản ánh về tình trạng này.

Thậm chí, đại diện cơ quan thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông từng thừa nhận, dù rất sát sao song việc kiểm tra vẫn khó phát hiện các sai phạm của nhà mạng, trừ khi có những thông tin, bằng chứng xác đáng được chính người tiêu dùng cung cấp.

Mặc dù vậy, lý giải với khách hàng cũng như báo chí, các doanh nghiệp viễn thông một mực khẳng định không thể có chuyện nhà mạng tự động đăng ký dịch vụ cho khách hàng trong mọi trường hợp.

“Liên quan tới việc quản lý các dich vụ gia tăng cho khách hàng, chúng tôi làm rất chặt nên không có chuyện tự động kích hoạt nếu khách hàng không đăng ký” – đại diện một nhà mạng lớn trong nước nhấn mạnh.

Phải chăng một phần vì thiếu sự thiện chí của nhà mạng trong việc quyết liệt tìm ra giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn quy trình đăng ký những dịch vụ giá trị gia tăng nên tình trạng khách hàng kêu gào bị lừa đảo, mất tiền oan vẫn còn tiếp diễn suốt thời gian qua?!

Gần đây, báo cáo kết quả thanh tra của SAM Media - một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng đã được công bố. Theo đó, từ đầu năm 2013 đến tháng 3/2016, thuê bao của 4 nhà mạng viễn thông Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile đã phải chi trả với với tổng số tiền là 230,5 tỷ đồng.

Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ đến ngày 19/7 vừa qua là gần 94.000 thuê bao. Trong đó có nhiều khách hàng khi được hỏi đều không biết mình đang sử dụng dịch vụ bị trừ tiền.

Ngay sau đó, cả 3 nhà mạng lớn đều cho biết đã dừng hợp tác với Công ty ACOM (đơn vị cung cấp dịch vụ của SAM Media trên các mạng di động ở Việt Nam).

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang