C2, Rồng đỏ của URC nhiễm chì: 'Bồi thường nghe có vẻ hợp lý nhưng lại rất vô lý'

author 06:31 28/09/2016

(VietQ.vn) - Trong vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì, để đền bù thiệt hại cho người dùng, công ty URC nên học cách bồi thường, xử lý các vụ ô nhiễm môi trường độc hại ở Mỹ.

Sự kiện:

Thông tin công ty URC Hà Nội cùng với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tính toán phương án bồi thường thiệt hại tài sản cho người tiêu dùng khi một phần lớn của 2 lô hàng C2 và Rồng đỏ nhiễm chì không thể thu hồi được đã khiến dư luận quan tâm.

Mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinastas đã chia sẻ với báo giới về 2 cuộc họp giữa Hội và URC về việc đền bù này.

Lotteria Việt Nam kinh doanh ăn uống không an toàn làm người dùng ngộ độc(VietQ.vn) - Lotteria Việt Nam (chi nhánh Thủ Đức) kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc thực phẩm, bị phạt 146 triệu đồng.

Theo phương án được hai bên bàn đến, một khoản tài chính để đền bù thiệt hại tài sản (không bao gồm sức khoẻ) được lập ra dựa trên dữ liệu về hai lô sản phẩm bị kết luận nhiễm chì phải thu hồi; số lượng sản phẩm đã thu hồi được; số lượng chưa thu hồi được (được hiểu là người tiêu dùng đã mua hoặc sử dụng), có kiểm chứng của Thanh tra Bộ Y tế, giá bán sản phẩm của công ty.

Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa ai biết chính xác phương án này có được phía URC chấp thuận hay không. Nhưng nếu tính theo phương án này, số tiền đền bù sẽ xoay quanh khoản tiền mà cơ quan chức năng xác định công ty đã thu được từ việc bán hai lô sản phẩm nhiễm chì - khoảng gần 3,9 tỉ đồng.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Hùng khẳng định: “Tôi chưa hề đề xuất gì về con số 3,9 tỉ đồng… Hiện tại, chúng tôi chưa thể nói gì được vì 2 bên chưa thống nhất được một buổi họp báo chính thức để công bố về sự việc này”.

Đền bù là cần thiết nhưng việc chứng minh đã mua hàng lại là đánh đố

Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS Trịnh Hòa Bình - Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng: "Về mặt nguyên tắc, đương nhiên doanh nghiệp xác nhận có làm ăn sai trái, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, qua việc bán hàng đã thu lợi rồi thì phải đền bù là việc cần thiết. Lâu nay chúng ta không làm việc đó thì bây giờ làm".

Còn về phương án đền bù, ông Bình cho biết “rất mông lung”. Bởi để chứng minh đã từng mua hàng nhiễm chì hay chưa đối với không ít khách hàng cũng là một điều đánh đố.

Cần phải có đơn vị đứng ra tính toán mức đền bù của URC cho người dùng.

Dù có linh hoạt thế nào thì việc có bằng chứng vẫn mang tính quyết định nhiều nhất. Đó là một trớ trêu. Nhưng nếu bỏ qua cái trớ trêu đó thì sẽ dẫn đến một cái trớ trêu tiếp theo: Đó là cái giá cả đền bù.

"Thực ra rất khó có cơ sở bởi vì tất cả những điều luật trong các Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Dân sự, Luật Môi trường, có lẽ từ trước tới nay chưa bao giờ làm rõ ràng được việc đền bù như thế nào là thích đáng.

Nếu lấy giá bán hàng của nhà sản xuất rồi nhân với số hàng không thu hồi được để ra được số tiền đền bù thì cũng chẳng có cơ sở nào cả.

Vụ này đặt ra một điều mà chúng ta phải suy nghĩ để có được một quy trình, một thoả ước đền bù giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp với người tiêu dùng, rõ ràng rất khó để xác định", ông Bình nói.

Dưới góc độ xã hội học, giải thích về việc có những ý kiến không đồng tình với phương án tính số tiền đền bù trên cơ sở giá bán sản phẩm của công ty với số chai nước chưa thu hồi được, ông Bình cho rằng: "Tôi nghĩ rằng phản ứng như vậy là đúng bởi vì liên quan đến thực phẩm ảnh hưởng xấu với sức khoẻ thì không thể nào tính giá cả được.

Đồng thời, trong vụ việc này còn có yếu tố của lòng tin. Dường như lòng tin của người tiêu dùng đã bị tổn thương.

… Nếu đền bù thiệt hại tài sản cho người tiêu dùng số tiền đúng bằng số tiền người tiêu dùng đã bỏ ra để mua chai nước thì mức đền đó là chưa thích đáng. Bởi vì chai nước đó là chai có hại” – ông Bình chia sẻ.

Đền bù thiệt hại cho người dân: “Nghe thì hợp lý nhưng cực kỳ vô lý"

Trong một cuộc trao đổi khác với chúng tôi, BS. Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng khẳng định: Nước uống mà nhiễm chì sẽ cực kỳ nguy hiểm nhất là đối với trẻ nhỏ vì nó gây những ảnh hưởng sau này về thần kinh, ảnh hưởng tới cơ xương khớp và những vấn đề khác.

Theo vị BS này, đề cập hướng đền bù như thế nào cần phải có một cơ quan đứng ra bảo vệ người tiêu dùng.

Khi được hỏi về phương án đền bù thiệt hại tài sản được Công ty URC và Vinastas bàn bạc với nhau (chưa được phía URC khẳng định sẽ chấp thuận), ông An cho rằng: "Thường nước uống dạng như vậy là các em nhỏ và thanh niên uống chứ người lớn, trung niên và cao tuổi ít sử dụng. Nguy cơ gây hại đến các bé rất cao nhưng không ai có thể đong đếm được. Vì thế, việc tính toán để đưa ra một khoản tiền như thế cho vào quỹ để đền bù thiệt hại tài sản cho người dân nghe thì hợp lý nhưng cực kỳ vô lý".

  URC cần học cách xử lý của doanh nghiệp Mỹ để bồi thường người dùng thỏa đáng

BS Nguyễn Trọng An cũng cho rằng: Vì ở Việt Nam chưa có tiền lệ về việc đền bù này nên Việt Nam hoàn toàn có thể học cách xử lý vấn đề của các nước tân tiến trong việc xử lý ô nhiễm hay xử lý các vụ ô nhiễm môi trường gây độc hại. Ví dụ như vụ Mỹ xử lý vụ hãng Volkswagen gian lận khí thải cách đây chưa lâu.

Theo đó, Tập đoàn sản xuất ôtô Volkswagen đã phải chi gần 15 tỷ USD để mua lại những xe diesel gây ô nhiễm, cũng như bồi thường mỗi tài xế từ 5.100 đến 10.000 USD tùy thuộc vào giá trị xe, để dàn xếp vụ gian lận khí thải tại Mỹ.

Cũng theo vị BS này, không thể đem ra so sánh công ty này với các tập đoàn lớn trên thế giới rồi có suy nghĩ vì số tiền vốn của doanh nghiệp trong vụ việc này không lớn hay giá trị của lô hàng không lớn nhưng lại phải đưa ra mức đền bù quá cao mà phải quan tâm đến tính chất vụ việc.

"Dưới góc độ một bác sỹ tôi không quan tâm quá nhiều đến mức đền bù mà tôi chỉ quan tâm đặc biệt đến sức khoẻ các em nhỏ nếu có sử dụng sản phẩm bị nhiễm chì", ông An nói.

Binh Quân 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang