“Chảy máu chất xám” trong giới khoa học nông nghiệp

author 06:43 07/10/2013

(VIetQ.vn) - Tại Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, TS Lê Văn Bảnh cho biết, hiện đang có 16 người học tiến sĩ và 23 người học thạc sĩ ở nước ngoài. Lực lượng khoa học trẻ này, “cố bám” ở nước ngoài, hay sau này xin nghỉ ở viện cũng không loại trừ.

Lương tư nhân trả gấp 10 lần lương viện nghiên cứu

TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (NNNT) nhận định: “Tình trạng nông dân bỏ ruộng là bất thường, nhưng tình trạng nhà khoa học bỏ viện nghiên cứu còn tệ hơn”. Trong 5 năm qua, tình trạng “chảy máu chất xám” tiếp tục diễn ra tại các viện nghiên cứu, nhất là các viện cách xa thành phố. Hằng năm, nước ta chi khoảng 1.000 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học nông nghiệp, với đội ngũ nhà nghiên cứu tới 5.000-6.000 người, ở trên 10 viện nghiên cứu. Đến 1/3 số tiền trên bỏ vào hoạt động bộ máy, nhưng lương vẫn rất thấp.

 

Ông Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Cây lương thực và cây thực phẩm (Bộ NN&PTNT) cho biết, vài năm lại đây, ở viện có 3-4 người, trình độ thạc sĩ đào tạo ở nước ngoài xin nghỉ, và chuyển sang làm cho một số công ty nước ngoài ở Việt Nam. “Ở ngoài họ trả 20-30 triệu đồng/tháng, ở viện chỉ được 3-4 triệu. Chịu thôi. Tình trạng một số anh em đi học nước ngoài ở lại làm tiếp, có người chả muốn về thì nhiều... Lớp trẻ bây giờ thực tế lắm, sống ở thành phố khó khăn như thế mà lương thấp, chỉ được mấy triệu mỗi tháng nên họ ra đi. Lúc đầu mình thấy ngạc nhiên, nhưng dần dần mình thấy đó là tất yếu cuộc sống”. Theo ông, thực ra, đội ngũ cán bộ khoa học “khó sống”. So với ngành nghề khác còn có tiền nọ, tiền kia, phần trăm này khác, chứ khoa học có gì đâu. Tại Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, TS Lê Văn Bảnh cho biết, hiện đang có 16 người học tiến sĩ và 23 người học thạc sĩ ở nước ngoài. Lực lượng khoa học trẻ này, “cố bám” ở nước ngoài, hay sau này xin nghỉ ở viện cũng không loại trừ.

Nông nghiệp gặp khó

Theo nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, khoa học nông lâm nghiệp nước ta có tỷ suất cống hiến đạt khoảng 30% giá trị gia tăng trong sản xuất. Trong khi, tỷ suất này ở Trung Quốc, như Quảng Tây là 40%, Quảng Đông 60%, Thượng Hải tới 70%; còn các nước tiên tiến là 80-90%. “Đây là sự yếu kém khó chấp nhận. Với đà phát triển này, nếu tỷ lệ cống hiến của khoa học nông lâm nghiệp chỉ tăng 1%/năm, phải 50 năm nữa, Việt Nam mới đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới”- ông Tạn nói.

Ông Tạn dẫn chứng, đến nay, ngành chăn nuôi nước ta chưa tạo ra được con giống gọi là thành quả khoa học công nghệ tự thân của Việt Nam. Sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, phần lớn phải nhập nguyên liệu (từ ngô, đậu tương, đến thức ăn bổ sung, phụ gia). Còn ngành lâm nghiệp, đến nay vẫn chưa trả lời được câu hỏi muôn thuở của dân: Ở vùng đồi núi trồng cây gì sớm được khai thác, đạt doanh thu 20 triệu đồng/ha/năm...

Trong khi đó, tình trạng tổn thất sau thu hoạch còn lớn. Hệ thống máy móc phục vụ nông nghiệp phải nhập từ nước ngoài. TS Chu Văn Thiện, Viện trưởng Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện 90% máy gặt đập liên hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long nhập từ nước ngoài.

Nhiều loại máy trôi nổi, không kiểm soát được chất lượng. “Còn phần cơ giới hóa nông nghiệp, đến nay loại máy kéo 2 bánh trong nước sản xuất đã lỗi thời. Loại 4 bánh, tới 99% nhập nước ngoài. Trong nước cũng có một cơ sở của Hà Tây (cũ) nghiên cứu được loại này, nhưng mãi chưa chuyển giao vào sản xuất được”- ông Thiện nói.

Nguyên Cục trưởng Trồng trọt- ông Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, kết quả nghiên cứu của các viện, trường còn chưa tương xứng so với mức độ đầu tư của Nhà nước. Về nghiên cứu khoa học, ông Ngọc cho hay: “Thực chất ông nào khéo vẽ thì tiêu được tiền. Chứ không phải ông nào khéo làm, làm giỏi và làm có kết quả mới được tiêu tiền”.

Cái chúng ta cần là những đơn vị làm ra sản phẩm được nông dân và xã hội công nhận. “Những sản phẩm khoa học phục vụ sản xuất còn khiêm tốn quá. Những báo cáo khoa học nhiều quá. Báo cáo khoa học nhiều làm gì, bà con có thời gian đọc đâu. Mà có đọc cũng không thể hiểu hết được”- ông Ngọc nói.

Tại Hội nghị toàn quốc đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Ðảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn tổ chức tại Hà Nội tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phân tích: Nền sản xuất của chúng ta còn manh mún, hiệu quả sản xuất chưa cao, đời sống của những người làm nông nghiệp còn rất thấp. Chúng ta xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nhưng nhiều người viết đơn trả ruộng, không tha thiết với ruộng nữa...Nông dân là lực lượng chiến lược, là chủ thể xây dựng đất nước từ trước đến nay và về sau. Tất cả đều từ nông dân ra, nhưng nông dân chúng ta vẫn còn rất khổ. KH-CN phải chuyển hóa người nông dân, có vai trò then chốt đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trách nhiệm của các nhà khoa học là tích cực nghiên cứu, tổng kết, khắc phục và cải thiện chất lượng của hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.

Chỉ có KHCN mới nâng cao được năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tiềm năng ngành nông nghiệp nước ta khá lớn. Phát triển nông nghiệp, nông thôn trong những năm tới vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực, giữ nền tảng cơ bản của sự ổn định nền kinh tế trong nước trước tác động của tình hình khủng hoảng của kinh tế thế giới. Trong tiến trình phát triển nông nghiệp cần có tầm nhìn toàn diện để có hướng phát triển hiệu quả, trong đó chú ý công tác quy hoạch đất, ngành, vùng, sản phẩm gắn với khoa học và chính sách phát triển, chất lượng và hiệu quả, nâng cao đời sống của các đối tượng tham gia lĩnh vực nông nghiệp của bà con nông dân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, qua sơ kết việc thực hiện Nghị quyết, các cấp, các ngành, địa phương cần đánh giá đúng mức, nhiều chiều, cả về chất và lượng, vai trò quan trọng, tác động của KHCN, của đội ngũ nhà khoa học nói riêng, mối quan hệ và sự liên kết "bốn nhà" đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong 5 năm qua. Từ đó tìm ra các giải pháp và hướng đi phù hợp với điều kiện, phát huy cao nhất tiềm năng và lợi thế từng địa phương trong những năm tiếp theo.

“Cần phải đổi mới công tác quản lý và hoạt động KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp. Phân tích, đánh giá sâu sắc sự tiếp nhận khoa học, tiến bộ công nghệ của người nông dân, theo đó, cần lấy hiệu quả, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh, thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp trong xu thế cạnh tranh thị trường, trong quá trình hội nhập làm tiêu chí đánh giá xác thực. Việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sẽ tạo ra cán cân, lợi thế trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới của đất nước.”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Phạm Anh - Như Hùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang