Đà Nẵng thưởng nóng cho người dân báo tin về thực phẩm bẩn

author 17:11 25/09/2017

(VietQ.vn) - Đà Nẵng thưởng nóng cho công dân báo tin về các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường.

UBND phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng vừa triển khai kế hoạch thưởng nóng cho công dân báo tin về an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Theo đó, phường sẽ thưởng nóng 2 triệu đồng cho người dân phát hiện, nhanh chóng báo tin chính xác để phường kịp thời xử lý các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn.

Thưởng nóng cho người cung cấp thông tin để ngăn chặn nạn đổ bậy phế thải xây dựng vào ban ngày (500.000 đồng) và ban đêm (1 triệu đồng). Ông Đặng Công Tâm, Chủ tịch UBND phường cũng công khai số điện thoại cá nhân 0916.860.889 làm đường dây nóng nhận tin nhắn.

Ngoài ra, UBND phường cũng sẽ khen thưởng 500.000 đồng cho Tổ trật tự đô thị - vệ sinh môi trường khi kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi vứt, tập kết rác, chất thải trái phép.

Đà Nẵng thưởng nóng cho người dân tố giác vi phạm về an toàn thực phẩm. Ảnh: VTV 

Theo ông Đặng Công Tâm, Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng cho biết, sở dĩ phường phát động kế hoạch này, bởi vì các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm bẩn thường nằm ở trong hẻm, giấu kín nên cơ quan chức năng rất khó kiểm soát; riêng nạn đổ bậy phế thải xây dựng cũng xảy ra một cách bí mật, do đó, UBND phường muốn khích lệ người dân nếu phát hiện thì sẽ báo với cơ quan chức năng và hy vọng đây sẽ là cách làm có hiệu quả cao.

Trước đó, thông qua các hoạt động kiểm tra, Đà Nẵng cũng phát hiện nhiều vụ việc các cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cụ thể, vào ngày 31/8, thực hiện Kế hoạch 396/KH-CATP của Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng về phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu trên lĩnh vực an toàn thực phẩm, qua trinh sát nắm tình hình, ngày 21/8, Phòng Cảnh sát Môi trường Đà Nẵng phát hiện tại quận Cẩm Lệ có một cơ sở đang sử dụng hóa chất không có nhãn mác để đưa vào sản xuất giá đỗ.

Lực lượng chức năng lập biên bản tạm giữ toàn bộ tang vật có tại hiện trường gồm 300 kg giá đỗ, 106 ống hóa chất cấm, thu mẫu giá đỗ gửi cơ quan chức năng kiểm định, kết quả mẫu giá đỗ có chứa chất cấm 6-Benzyl Aminopurin. Được biết, số hóa chất này có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, được các đối tượng là tài xế xe tải chở hàng từ phía bắc mang vào bán cho cơ sở này. Đây là loại hóa chất kích thích tăng trưởng, giúp giá đỗ phát triển nhanh, tăng sản lượng và trắng đẹp hơn.

Trước đó, vào ngày 17/8, Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (PC49), Công an TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa phát hiện 8 cơ sở sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để tẩy trắng nông sản tại Chợ Đầu mối Hòa Cường (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Cụ thể, vào hôm 16/8, PC49 Công an TP Đà Nẵng bất ngờ kiểm tra và phát hiện một hộ kinh doanh, chế biến bắp chuối do bà Trần Thị Thùy Liên (tiểu thương tại Chợ Đầu mối Hòa Cường) làm chủ thì phát hiện cơ sở dử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để tẩy trắng bắp chuối.

Tiếp tục kiểm tra đột xuất các hộ kinh doanh còn lại tại Chợ Đầu mối Hòa Cường, lực lượng chức năng phát hiện thêm 7 trường hợp khác cũng sử dụng chất bột trắng nghi là chất tẩy trắng công nghiệp. Hiện PC49 đã lập biên bản, lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm làm cơ sở để xứ lý các bước tiếp theo.

Nhiều vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm đã bị cơ quan chức năng Đà Nẵng phát hiện. Ảnh: Viettimes 

Cũng trong tháng 8/2017, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đà Nẵng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 94 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và phát hiện hơn 13% số cơ sở được kiểm tra vi phạm các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm không đảm bảo quy chuẩn, nhiễm vi sinh vật vượt ngưỡng giới hạn cho phép.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã tạm đình chỉ hoạt động của các cơ sở có sai phạm.

"Các lỗi vi phạm chủ yếu của các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai là sản xuất sản phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, trong đó nhiễm vi sinh vật vượt quá mức giới hạn cho phép. Chúng tôi phạt và tạm đình chỉ để khắc phục hậu quả, vệ sinh đường ống, vệ sinh vỏ bình, thay đổi màng lọc, sau đó phúc tra và lấy mẫu trở lại cho đến khi nào cơ sở đạt yêu cầu thì mới cho sản xuất trở lại", ông Hòa cho hay.

Hồi cuối tháng 8/2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng. Theo quyết định, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng là cơ quan thuộc UBND thành phố Đà Nẵng.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố thực hiện chức năng giúp UBND thành phố tổ chức thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ban Quản lý có Trưởng ban và không quá 03 Phó Trưởng ban. Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý gồm: 3 phòng chuyên môn; 5 Đội nghiệp vụ và 1 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc là Trung tâm Kiểm nghiệm thực phẩm. Thời gian thực hiện thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng 3 năm kể từ ngày 25/8/2017.

Theo thống kê của Sở Y tế TP. Đà  Nẵng, trong năm 2016 và quý I/2017, địa phương chỉ xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm với 5 người mắc. Đó là vụ việc 17 du khách đến từ 2 đoàn Hà Nội và Vũng Tàu phải nhập viện điều trị vì ngộ độc thực phẩm do ăn phải thực phẩm có chứa vi khuẩn E.coli vượt mức cho phép vào ngày 14/5, tại địa chỉ quán ăn 253 Hồ Nghinh, quận Sơn Trà (Đà Nẵng). Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm vẫn đang là vấn đề khó khăn và nhiều thách thức đối với địa phương.

Phong Lâm (T/h)

Phát hiện gần 100kg thực phẩm bẩn được đưa vào trường họcGần 100kg thực phẩm hư hỏng được chuyển vào trường tiểu học Lý Nhân, tỉnh Vĩnh Phúc, vừa bị các phụ huynh phát hiện.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang