Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc đối với ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản

author 06:49 08/04/2021

(VietQ.vn) - Các thị trường lớn ngày càng quan tâm đến yêu cầu về bảo đảm chất lượng, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, chống gian lận thương mại, từ đó, áp dụng các biện pháp thuế quan và thương mại khác vẫn luôn đặt ra yêu cầu phía trước.

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, trong đó, đặc biệt phải kể đến khó khăn của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản. Tuy nhiên, vượt qua mọi thách thức, quý I/2021, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn đạt con số 13,23 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm trước.

Đây có thể nói là nỗ lực vô cùng lớn, trước hết là của các doanh nghiệp, hiệp hội, sự đồng hành của Chính phủ trong việc khắc phục, thích nghi với những biến đổi mới của thị trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong việc duy trì thị trường, bán sản phẩm thông qua các mạng, không chỉ ở các mạng internet kết nối trong nước mà còn kết nối quốc tế.

Quý I/2021, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn đạt con số 13,23 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm trước. Ảnh minh họa.

Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, khó khăn của đại dịch Covid-19 cũng như vấn đề của thị trường vẫn còn nguyên vẹn. Các thị trường lớn ngày càng quan tâm đến yêu cầu về bảo đảm chất lượng, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, chống gian lận thương mại, từ đó, áp dụng các biện pháp thuế quan và biện pháp thương mại khác vẫn luôn đặt ra yêu cầu ở phía trước.

“Nhận thức rõ vấn đề này, cùng với kinh nghiệm, bản lĩnh mà chúng ta đã vượt qua năm 2020, sự đánh giá sâu sát, nhạy bén hơn với tình hình trong năm 2021, và quyết tâm của các doanh nghiệp, các hiệp hội, chúng tôi vẫn đặt mục đạt kim ngạch xuất khẩu của ngành này không thấp hơn 15 tỷ USD”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu đề ra, ông Tuấn cho rằng chúng ta phải giải quyết tốt vấn đề nguồn nguyên liệu. Cụ thể, vấn đề nhập khẩu nguồn gốc gỗ phải được tuân thủ nghiêm ngặt và kiểm soát rất chặt chẽ để bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp. Cùng với đó, nâng cao chứng chỉ rừng bền vững trong nước.

Về phía doanh nghiệp phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên diện rộng hơn. Thiết lập các chương trình thị trường số, chỉ có như vậy chúng ta mới kết nối được với thế giới và kết nối ngay với các doanh nghiệp trong nước. Tiếp tục ứng dụng công nghệ số trong việc quản trị, theo dõi cả chuỗi chu trình sản xuất cũng như ứng dụng các thành quả mới về công nghệ tự động trong điều hành và sản xuất trực tiếp.

Ngoài cơ chế chung, Nhà nước cần có cơ chế rất cụ thể. Hiện, năng lực đầu tư của các doanh nghiệp ngành gỗ về tài chính, nguồn nhân lực có thể mở rộng rất nhanh, nhưng họ cần quỹ đất tạo thành các khu công nghiệp, gắn với logistics. Logistics hiện nay chúng ta cũng đang rất vướng mắc.

Cùng với đó là các vấn đề về giao thông, điện gắn với cảng biển. Phải có những ưu đãi về tiền thuê đất. Các doanh nghiệp không thể thuê đất để làm ngành chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản với giá ngang với ngành công nghệ kỹ thuật cao. Phải có cơ chế ưu đãi từng bước.

Doanh nghiệp ngành gỗ chủ động trang bị kiến thức về phòng vệ thương mại(VietQ.vn) - Từ đầu năm đến nay, ngành gỗ liên tiếp đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, cụ thể đối với mặt hàng gỗ dán có liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang