Đi bơi mùa hè: Làm gì để tránh tai nạn đuối nước thương tâm?

authorDương Phương Ngọc 05:29 21/05/2016

(VietQ.vn) - Để tránh rủi ro đuối nước trong mùa hè, trẻ em không nên chơi đùa gần ao, hồ, cần học cách bơi đứng nước, nín thở khi bị sặc hay tránh vật cản khi bơi…

Do tác động của hiện tượng El Nino, nắng nóng ở khu vực Hà Nội trong mùa hè năm 2016 được nhận định là sẽ có tần suất cao hơn, gay gắt hơn và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm.

Với tình trạng nắng nóng như hiện nay, theo dự đoán, số lượng người dân đi tắm biển hay đi bơi ở các hồ bơi, sông hồ sẽ tăng lên đột biến.

Bởi thời tiết khắc nghiệt, ai cũng muốn được ngụp lặn dưới làn nước mát để xua tan đi cái nóng nực, oi bức của mùa hè. Tuy nhiên, đã có không ít các vụ chết đuối thương tâm đã xảy ra nhất là khi các em học sinh khi nghỉ hè rủ nhau đi bơi tại sông, biển,... mà không có sự giám sát của người lớn.

Mới đây nhất, vào ngày 8/5/2016, 3 học sinh Trường THPT Tô Hiến Thành, H. Hải Hậu (Nam Đinh) đã bị chết đuối khi rủ nhau xuống tắm biển tại khu vực Nhà thờ đổ, thuộc xã Hải Lý, H. Hải Hậu, sóng lớn, nước biển dâng cao đã cuốn các em đi xa mãi mãi.

Tại khu vực Nhà thờ đổ, xã Hải Lý, nơi xảy ra vụ đuối nước, do biển động, sóng to đã làm sạt một số vị trí bờ kè và tạo nên những hố sâu hoắm sát bờ biển. Chính quyền địa phương đã cắm biển cấm tắm biển nhưng vẫn có một số học sinh, du khách vẫn bất chấp cảnh báo nguy hiểm xuống biển tắm.

Các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định khuyến cáo, trong những ngày gần đây, biển động mạnh, sóng to nên người dân tại các huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng và du khách gần xa cần nâng cao cảnh giác đề phòng tai nạn xảy ra. Trẻ em, học sinh không nên tự ý xuống tắm khi không có người lớn đi cùng.

 Mỗi ngày, cả nước có khoảng 10 trẻ em bị chết đuối. Ảnh: Khởi Nguyên.

Có thể nói, mỗi năm, nước có ta có khoảng 6.400 người bị đuối nước, trong đó hơn 50% là trẻ em và trẻ vị thành niên. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ ở lứa tuổi 5-14. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, nước ta có tỷ lệ trẻ tử vong vì đuối nước cao gấp 8-10 lần các nước phát triển.

Trong 5 năm qua, trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 10 trẻ em bị chết đuối. Đuối nước chủ yếu xảy ra ở cộng đồng (69%), tại nhà chiếm 30% và trường học (1%).

Tại Hà Nội, với hơn 50 bể bơi đang hoạt động hết công suất, số lượng bể này vẫn không thể đáp ứng được hết nhu cầu đi bơi hàng ngày của các gia đình tại thành phố lớn. Do vậy, tình trạng quá tải tại các bể là điều không tránh khỏi.

Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, một bể bơi cao cấp tại Hà Nội có diện tích khoảng 100 m2, trong những ngày cuối tuần có thể đón tiếp khoảng 300 – 500 lượt khách/ngày.

Để tránh được tình trạng đuối nước có thể xảy ra, theo ông Trần Văn Thành, cán bộ cứu hộ của Bể bơi ở Trung tâm phụ nữ & phát triển, Sense Aqua & Spa (20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội): Các bể bơi đông khách cần có nhân viên cứu hộ túc trực thường xuyên để xử lý các trường hợp đuối nước bất ngờ xảy đến.

Đặc biệt, những người đi bơi cần chú ý: Nếu không biết bơi, khách phải ra “vầy nước” ở khu dành riêng cho những người không biết bơi. Nhất là, những người chưa biết bơi tuyệt đối không được bơi ra chỗ nước sâu.

Đối với trẻ em, phải dẫn các bé đến tắm ở bể dành riêng cho trẻ em, bởi những bể này thường nằm trong độ sâu được khuyến nghị là từ 0,3 -1,2 mét.

Để tránh tai nạn đuối nước thương tâm, người bơi cần học cách bơi đứng nước. Ảnh minh họa: Internet.

“Đối với các cháu đã biết bơi rồi, các huấn luận viên cũng nên dạy các cháu cách xử lý với trường hợp đuối nước như thế nào, dạy các cháu cách bơi đứng nước (tức là cách đứng được thăng bằng trong nước, chứ không cần chân phải chạm đáy bể bơi)” – ông Thành nói.

Còn đối với những người đã biết bơi, cũng cần chú ý những “sự cố” trong quá trình bơi như bị chuột rút, đuối sức hoặc đang bơi thì gặp vật cản. Cả 3 trường hợp này đều rất nguy hiểm vì có thể là nguyên nhân chính gây đuối nước.

“Nếu chẳng may bạn bị chuột rút chân, bạn hãy cố gắng bơi một cách chuyên nghiệp như bơi bằng tay hoặc bơi bằng thân người, trong điều kiện bơi bằng người và bằng tay đều không được thì bạn hãy học cách nằm nổi trên mặt nước.

Còn khi bạn bị đuối sức do sặc nước chẳng hạn, bạn cần nhịn thở, tập trung bơi thật đúng động tác, không được sai để tránh tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Ngoài ra, nếu đang bơi mà gặp vật cản, bạn cần bơi đứng để dừng lại, cho vật cản đi qua mới tiếp tục bơi tiếp” – ông Thành nhấn mạnh các phương pháp để không bị đuối nước.

Mới đây, để tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Chỉ thị yêu cầu Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch; Bộ Lao động,Thương binh & Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trước hết là các trường phổ thông rà soát nội dung chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường, đặc biệt chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi lội, kỹ năng phòng, tránh, ứng phó các trường hợp tai nạn, gây thương tích.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ chỉ đạo việc rà soát cơ sở vật chất, điều kiện rèn luyện sức khỏe, thể chất cho học sinh, trẻ em, đặc biệt về điều kiện hướng dẫn tập luyện kỹ năng bơi lội phù hợp với điều kiện của địa phương. Chỉ đạo chính quyền cấp huyện, cấp xã tiến hành rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo và có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời bảo đảm an toàn cho học sinh, trẻ em trong dịp hè, mùa mưa bão, mùa nước nổi.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Bộ Giáo dục & Đào tạo; Bộ Lao động,Thương binh & Xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh theo chức năng quản lý cần tăng cường chỉ đạo việc quản lý, tổ chức hoạt động hè cho học sinh, trẻ em bảo đảm an toàn.

Việt Nam là một quốc gia có đường bờ biển dài, số lượng ao hồ, sông suối, kênh rạch khá nhiều, trong đó chủ yếu tập trung khu vực đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ, với trên 2.300 con sông và kênh rạch với chiều dài khoảng 198.000 km (mật độ 0,6 km/km) và gần 3.300 km chiều dài bờ biển.

Do nhiều sông ngòi, ao hồ cho nên trong những năm qua đã xảy ra khá nhiều vụ chìm phương tiện vận tải thủy, đuối nước đau lòng, làm cho nhiều người chết và thiệt hại lớn đến tài sản, trong đó đặc biệt là những bạn trong lứa tuổi học sinh sinh viên.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 5 năm gần đây, ba tỉnh, thành có số trẻ chết đuối cao nhất nước là Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nội. Trong đó, cao nhất là Thanh Hoá (180 em), Nghệ An (152 em). Sau đó là khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long cũng có từ 75-100 nạn nhân/năm.

Như vậy, hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam đều có người chết đuối, bất kể thành thị hay nông thôn.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang