Doanh nghiệp thờ ơ với sàn giao dịch công nghệ, vì sao?

author 07:05 25/11/2014

(VietQ.vn) - Các doanh nghiệp còn e ngại khi đầu tư hoặc tham gia vào sàn giao dịch công nghệ (SGDCN), dẫn đến dịch vụ này đến nay số lượng còn ít, quy mô nhỏ bé và chưa hấp dẫn.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), hiện thị trường KH&CN ở nước ta đang trong giai đoạn mới hình thành và phát triển nên vai trò của tổ chức trung gian như các SGDCN rất quan trọng. Sàn giao dịch công nghệ thực hiện vai trò, vị trí làm đầu mối thu hút, tập trung các nguồn lực KH&CN trong nước và quốc tế đồng thời là trung tâm của đổi mới và sáng tạo, là chỗ dựa kỹ thuật tin cậy và uy tín của doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong tiến trình đổi mới công nghệ, tiếp nhận áp dụng công nghệ.

Các hoạt động ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ vẫn còn ít

Các hoạt động ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ vẫn còn ít. Ảnh minh họa

Đến nay, cả nước có khoảng 8 SGDCN đang hoạt động. Trong đó có SGDCN và thiết bị Thái Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Hải Phòng và sàn giao dịch thiết bị và công nghệ Đà Nẵng, sàn giao dịch và công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, SGDCN Bắc Giang, SGDCN - Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Các sàn nói trên có xu hướng triển khai theo cả phương thức sàn thực và phương thức sàn ảo. Các sàn thực hiện chủ yếu tập trung vào trưng bày, giới thiệu các thiết bị công nghệ, sản phẩm công nghệ của cả các công ty trong và ngoài nước. Sàn ảo chủ yếu giới thiệu các thiết bị công nghệ qua mạng trực tuyến. Hoạt động giao dịch công nghệ là tài sản trí tuệ qua các sàn như quy trình, giải pháp kỹ thuật, bí quyết công nghệ còn hạn chế.

Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho rằng, thị trường công nghệ vẫn chưa thực sự hình thành tại các địa phương bởi lượng giao dịch còn hạn chế (chủ yếu là chào bán), tốc độ phát triển còn chậm và thị trường công nghệ còn nhỏ bé. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý điều hành và vận hành của đa số các SGDCN còn chưa thống nhất và chuẩn hóa.

Đội ngũ cán bộ tham gia quản lý vận hành các SGDCN còn nhiều hạn chế, các DN Việt Nam nói chung chưa có thói quen tìm kiếm chuyên gia tư vấn trong quá trình chuyển giao công nghệ. Đội ngũ thực hiện tư vấn, môi giới, chuyển giao công nghệ chưa được đào tạo chuyên nghiệp, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn chưa cao.

Không những thế, các sàn còn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận và giới thiệu các công nghệ mới phù hợp với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nói chung chưa có thói quen tìm kiếm chhuyên gia tư vấn trong các khâu của quy trình chuyển giao công nghệ. Các kênh thông tin hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm KH&CN ở địa phương còn nhiều hạn chế. Mức đột hương mại hóa sản phẩm công nghệ của các nhà khoa học khi nghiên cứu thành công còn thấp. Hoạt động đổi mới chuyển giao công nghệ diễn ra tại một số doanh nghiệp nhưng còn mang tính tự phát, thiếu sự quản lý đồng bộ từ các ciơ quan chức năng cũng như thiếu tư vấn đội ngũ chuyên gia. Bên cạnh đó còn do thiếu nguồn nhân lực cũng như vốn đầu tư nên các doanh nghiệp còn e dè đầu tư phát triển KH&CN trong sản xuất.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thờ ơ trong đầu tư phát triển công nghệ

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thờ ơ trong đầu tư phát triển công nghệ. Ảnh minh họa

Qua khảo sát thực tế các kết quả hoạt động tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ của các SGDCN năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014 cho thấy, nhưSGDCN Quảng Ninh năm 2013 kết nối 5 cuộc cho các tổ chức, doanh nghiệp gặp gỡ, thương thảo ký kết hợp đồng. 9 tháng năm nay mới kết nối được 3 cuộc. Hay tại SGDCN Hải Phòng, năm 2013 kết nối được 55 cuộc cho các tổ chức, doanh nghiệp gặp gỡ, thương thảo ký kết hợp đồng. Hỗ trợ 10 đơn vị trong việc tiếp cận nguồn vốn phát triển KH&CN. Tư vấn cho 3 doanh nghiệp đăng ký thành doanh nghiệp KH&CN. Nhưng 9 tháng năm nay mới tổ chức kết nối được 38 cuộc cho các doanh nghiệp gặp gỡ để đàm phán, thương thảo hợp đồng.

Hay như SGDCN Nghệ An, năm 2013 chưa có kết quả gì, 9 tháng năm nay mới tư vấn cho hơn 10 doanh nghiệp về chuyển giao dây truyền công nghệ...

Đánh giá về những kết quả này, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho rằng, các hoạt động đó diễn ra tại một số sàn còn rất sơ khai, chưa hình thành mạng lưới, hệ thống mà chủ yếu chỉ đang tập trung vào công tác tư vấn đơn lẻ.

Theo lãnh đạo Sở K&HCN Phú Thọ, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ trình độ công nghệ thấp, quá trình đổi mới công nghệ chậm và rất khó khăn do nhiều yếu tố, trong đó có khó khăn về tìm kiếm, trao đổi thông tin, tư vấn xúc tiến giao dịch mua - bán công nghệ trong khi đây chính là nhu cầu đòi hỏi, là tiềm năng phát triển thị trường công nghệ.

Bên cạnh việc đội ngũ cán bộ tại các SGDCN hiện vẫn chưa quen với cơ chế cạnh tranh để thích ứng với môi trường kinh doanh, thiếu cán bộ chuyên sâu trong lĩnh vực môi giới chuyển giao công nghệ, marketing, phát triển thị trường…

Gỡ khó cho các vấn đề này, theo ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Nhà nước và Chính phủ cùng các bộ, ban ngành liên quan có cơ chế cho các doanh nghiệp và tổ chức KH&CN về giao dịch, đặt hàng công nghệ. Cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu, trao đổi và tổng kết mô hình hoạt động. Theo đó, là sự kết nối liên kết giữa các SGDCN trong nước, để tạo thành một hệ thống trên toàn quốc, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về SGDCN trong và ngoài nước.

Theo bà Lê Thị Khánh Vân - Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, cần sớm có các hỗ trợ doanh nghiệp về kinh phí đầu tư mua các tài liệu công nghệ thiết bị tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng nguồn thông tin đầu vào.

Nguyễn Nam


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang