Đội mũ nhái mũ bảo hiểm, kém chất lượng không bảo vệ được tính mạng

author 07:44 20/12/2014

(VietQ.vn) - Sau khi có thông tin cảnh sát giao thông sẽ không phạt người đội mũ không phải là mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông, trên thị trường bùng phát mũ không qua thử nghiệm chất lượng và người dùng sử dụng thoải mái vì ham rẻ.

Việc đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông khi đi phương tiện là xe máy, mô tô, xe gắn máy đã được coi là bắt buộc và được kiểm soát chặt chẽ thời gian qua. Thậm chí, khi trao đại diện Quỹ thương vong châu Á ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ  còn nói rằng, Việt Nam là một điển hình của việc tuân thủ giao thông. Trong đó, quy định về đội mũ bảo hiểm cho người tham gia giao thông là một ví dụ đẹp cho các nước trong khu vực Đông Nam Á học tập.

Ông Chan Borin - Cục trưởng Cục Tiêu chuẩn Campuchia cho rằng, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông ở Việt Nam là một bài học quý đối với các nước, trong đó có Campuchia. Cơ quan chức năng của Campuchia, đặc biệt là Cục Tiêu chuẩn Campuchia rất quan tâm và mong muốn tăng cường hợp tác với cơ quan chức năng Việt Nam để làm tốt hơn công tác xây dựng tiêu chuẩn mũ bảo hiểm và vận hành phòng thí nghiệm.

Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn

Điểm đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn

Thực tế, quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông khi đi phương tiện là mô tô, xe máy, xe gắn máy đã được đẩy mạnh triển khai từ khoảng năm 2008. Đến nay, gần như trong ý thức người dân khi tham gia giao thông là mang theo mũ bảo hiểm để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình. Đặc biệt hơn, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn đang thành ý thức, văn hóa phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng.

Theo nhận định của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2013, đã có hơn 100 ngàn mũ giả mũ bảo hiểm hoặc mũ bảo hiểm kém chất lượng được đổi trả và thu hồi. Năm 2014, công tác đổi mũ bảo hiểm vẫn được thực hiện nhưng không rầm rộ như năm 2013. 

Một đại diện của Cục Quản lý Thị trường - Bộ Công Thương cho biết, chỉ  1 tháng triển khai chiến dịch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về kinh doanh MBH trên thị trường, hưởng ứng chương trình đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho người tiêu dùng, kết quả đạt được bằng cả 3 năm cộng lại. Cụ thể, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra hơn 1.000 vụ việc, thu giữ hơn 60.000 MBH không đạt chuẩn chỉ trong một tháng.

Theo nhận định của lãnh đạo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn góp phần rất lớn vào bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người tham gia giao thông. Khi không may gặp tai nạn giao thông, đội mũ bảo hiểm sẽ bảo vệ được phần đầu - cơ quan đặc biệt quan trọng trên cơ thể người.

Theo các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai, cơ quan nào trên cơ thể cũng quan trọng. Nếu tham gia giao thông không có ý thức và đi đúng cách cũng dễ gặp nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, nếu có cơ hội bảo vệ khỏi bị thương, người tiêu dùng nên làm. Ý thức bảo vệ sức khỏe là do mỗi người và đội mũ bảo hiểm để bảo vệ sức khỏe, an toàn là điều người dân nên tự giác.

Tuy nhiên, theo một đánh giá mới đây của Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm hàng hóa - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, 6 tháng đầu năm 2014, khi có thông tin từ ngày 01/7/2014 sẽ xử phạt người đội mũ không phải mũ bảo hiểm, tỷ lệ mẫu không đạt qua thử nghiệm chỉ là 8,3 %. Ngay sau đó lại có thông tin không xử phạt người đội mũ không phải    mũ bảo hiểm, tình trạng mũ bảo hiểm kém chất lượng lại bùng phát và tỷ lệ MBH không đạt qua thử nghiệm cả năm 2014 tăng vọt lên tới 56,8 %.

Các chuyên gia cho rằng, vì người tiêu dùng đội mũ không phải mũ bảo hiểm hoặc mũ kém chất lượng không bị xử lý nên họ "xài vô tư". Hơn nữa, việc kiểm soát mũ kém chất lượng trên thị trường gặp không ít khó khăn nên mũ kém chất lượng vẫn được bán tràn lan.

Cũng theo Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm hàng hóa, trong thời gian qua, Cục nàyđã chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan kiểm tra tại 408 cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm, kiểm tra nhãn và CR tại hiện trường 3.412 mẫu mũ bảo hiểm, trong đó đạt yêu cầu về nhãn và CR  2933 mẫu = 85,9%, vi phạm về nhãn và CR là 479 mẫu  = 14,1% số mẫu được kiểm tra. Lấy 155 mẫu thử nghiệm, trong đó đạt yêu cầu 63 mẫu, chiếm 40,6 %, không đạt 92 mẫu, chiếm 59,4 % số mẫu thử nghiệm. Phát hiện 124 cơ sở vi phạm chất lượng và nhãn (30,4 % số cơ sở được kiểm tra).

Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm hàng hóa  thực hiện xử lý tạm dừng lưu thông, yêu cầu thu hồi và tiêu hủy trên 5.000 mũ bảo hiểm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Qua tăng cường kiểm tra, cho thấy tình hình chất lượng mũ bảo hiểm có chuyển biến tích cực nhưng còn rất phức tạp. Tỷ lệ mẫu mũ bảo hiểm không đạt chất lượng qua kiểm tra các năm có giảm qua các năm 2012, 2013 nhưng năm 2014 lại có dấu hiệu tăng lên.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang