GLTT: Vai trò của chuyên gia tư vấn NSCL trong hoạt động doanh nghiệp

authorThanh Uyên 07:00 31/08/2016

(VietQ.vn) - Từ 9h - 11h 30 ngày (31/8), Chất lượng Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến “Vai trò của chuyên gia tư vấn năng suất chất lượng trong hoạt động doanh nghiệp".

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

 
Năng suất và chất lượng là một trong các yếu tố đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng nền kinh tế.

Vậy doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tăng năng suất chất lượng trong doanh nghiệp của mình? Và để gia tăng năng suất chất lượng, ngoài đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp cần phải áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến nào để gia tăng năng suất, đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn, đảm bảo sự hài lòng của khách hàng và duy trì được thị phần của mình? Các chuyên gia tư vấn sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được các vấn đề để nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất liên quan đến việc thu thập, phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định hiệu quả.

Nhằm làm rõ tầm quan trọng của các chuyên gia tư vấn về năng suất, chất lượng trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời có những định hướng các tổ chức, doanh nghiệp phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên sâu về năng suất, chất lượng như đo lường được thực trạng của hệ thống quản trị chất lượng của doanh nghiệp, duy trì và cải tiến hệ thống quản trị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp và năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Chất lượng Việt Nam sẽ tổ chức giao lưu trực tuyến “Vai trò của chuyên gia tư vấn năng suất chất lượng trong hoạt động doanh nghiệp" với sự tham gia của các khách mời:

- Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

- Bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam

- Ông Nguyễn Trọng Lợi – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ

- Ông Phạm Lê Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2

- Chuyên gia kinh tế - TS.Nguyễn Minh Phong

Xin mời quý độc giả, doanh nghiệp quan tâm xin gửi câu hỏi về hòm thư: [email protected] để tham gia giao lưu cùng với khách mời.

BBT

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

- Trong giai đoạn 2012-2015, việc phổ biến, tư vấn hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng được đội ngũ chuyên gia năng suất thực hiện như thế nào và kết quả ra sao? ( Ngọc Thảo - [email protected] )

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Trong khuôn khổ của Chương trình năng suất chất lượng quốc gia, giai đoạn 2012- 2015, nhóm nhiệm vụ phổ biến áp dụng các HTQL, mô hình, công cụ cải tiến NSCL vào doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ then chốt, quyết định sự thành công của Chương trình.

Nhiệm vụ này được thực hiện theo hướng: nghiên cứu, đưa ra bài bản, phương pháp áp dụng các HTQL, mô hình, công cụ cải tiến NSCL mới, tiên tiến phù hợp với đặc thù doanh nghiệp Việt Nam. Thực hiện áp dụng thử nghiệm HTQL, mô hình, công cụ cải tiến NSCL vào một số doanh nghiệp, rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh mô hình và nhân rộng. Nhằm giúp các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đóng vai trò đầu tầu của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế nâng cao một bước về năng suất chất lượng, Dự án 2 đang tiến hành nghiên cứu, xác định mô hình quản lý thích hợp cho tập đoàn, tổng công ty, tạo tiền đề phát triển và làm mô hình cho các tập đoàn, tổng công ty khác.

Trong giai đoạn từ 2012-2015, hàng nghìn doanh nghiệp được lựa chọn, tư vấn, hướng dẫn áp dụng các HTQL, mô hình, công cụ cải tiến NSCL. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL. Đồng thời với quá trình tư vấn hướng dẫn, hơn 500 khóa đào tạo cho khoảng 7.500 lượt cán bộ đã được thực hiện trực tiếp tại doanh nghiệp.

Có thể kể đến các doanh nghiệp đã áp dụng rất có hiệu quả các HTQL, công cụ cải tiến năng suất, trở thành điển hình như: 

- Lĩnh vực dịch vụ: Tập đoàn Bảo Việt, Ngân hàng HD Bank, Ngân hàng phát triển TP Hồ Chí Minh, Bảo hiểm PVI, Văn phòng khu vực miền Bắc – Vietnam Airlines; Bệnh viện Việt Pháp, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện quận Thủ Đức...

- Lĩnh vực sản xuất: Công ty Nhựa Thiếu niên tiền phòng, Tổng công ty Đức Giang và 5 đơn vị thành viên, Công ty Đường Quảng Ngãi, Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI), Công ty cổ phần Thiên Sinh, Công ty may Đông Bình, Công ty CP công nghệ và công nghệ cao Việt Nam (CNC-VINA), Công ty CP Tập đoàn Hương Sen, Công ty Cổ phần LISEMCO, Công ty CP Xây lắp dầu khí miền Nam, Công ty cổ phần IMECO, Công ty cổ phần thép Quatron, Công ty Dệt Kim Đông Xuân, Công ty Nam Dược, Công ty Công nghiệp chính xác Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Tổng công ty khoáng sản, Tổng công ty công nghiệp Tàu thủy...

- Là đơn vị thực hiện chức năng hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động tư vấn được Smedec1 được thực hiện và có kết quả như thế nào trong thời gian qua? ( Vũ Đình Hiếu - [email protected] )

Ông Nguyễn Trọng Lợi - Giám đốc trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp phát triển vừa và nhỏ 1 (SMEDEC1):

Với vai trò là một đơn vị trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, với chức năng hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cả nước về lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Trong thời gian qua, hoạt động tư vấn của trung tâm SMEDEC1 đã thực hiện hỗ trợ, tư vấn rất nhiều nội dung cho các doanh nghiệp, cụ thể như sau:

(1) Tư vấn cho các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như: ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, ISO 17025, ISO/TS 16949…, hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM…

(2) Tư vấn cho các doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến chất lượng như: công cụ thực hành tốt KAIZEN, 5S, 7 Tools, Mô hình sản xuất tinh gọn (LEAN), quản lý chi phí dòng nguyên liệu (MFCA), đánh giá năng lực và hiệu quả của nhân viện (KPI, KPIs);

(3) Tư vấn cho các doanh nghiệp áp dụng các mô hình tích hợp các hệ thống quản lý (ISO 9001, ISO 14001, ISO 17025, ISO 22000) với các công cụ cải tiến năng suất (5S, 7 Tools);

(4) Tư vấn cho các doanh nghiệp để chứng nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp, Tiêu chuẩn, Quy chuẩn quốc gia và Tiêu chuẩn quốc tế;

(5) Ngoài ra, Trung tâm SMEDEC1 cũng đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, quy chuẩn kỹ thuật,... phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam nhằm nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.

Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ được xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ nâng cao năng suất chất lượng tiên tiến đạt kết quả tốt. 

- Lợi ích của doanh nghiệp sau hoạt động tư vấn là gì? ( Nam Khánh - [email protected] )

Ông Phạm Lê Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2:

Điều đầu tiên đó là có thể nâng cao được nhận thức về năng suất chất lượng cho cán bộ lãnh đạo và công nhân viên, tiết kiệm được thời gian,giảm chi phí sản xuất, cải tiến năng suất lao động, duy trì tính ổn định của chất lượng sản phẩm, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng được phong cách làm việc khoa học mang tính hệ thống.

Giá trị đem lại có thể là định lượng hoặc định tính: Định tính thường ở các công cụ mang tính hệ thống như ISO 9000, ISO 22000, 5S…giúp cho đạt hiệu quả cao về công tác quản lý. Định lượng thường là những công cụ năng suất như MFCA, GP, TS, WS, 7 Công cụ… giá trị đem lại có thể tính được bằng tiền.

Mội vài kết quả điển hình tại một số doanh nghiệp đã tham gia Chương trình NS quốc gia:

Công ty TNHH Thanh An - chế biến thủy hải sản, áp dụng hệ thống QLATTP ISO 22000, việc quản lí sau đó được xiết chặt và nâng cao theo đúng quy trình sản xuất. Sau đó công ty đã ký được 1 số hợp đồng với thị trường Châu Âu mà trước giờ điều kiện nhập khẩu tương đối khó khăn.

Ba nhà máy trực thuộc công ty cổ phần đường Quảng Ngãi, áp dụng công cụ năng suất MFCA, một trong những công cụ cải tiến chuyên về quản lý chi phí dòng nguyên liệu, có tổng chi phí sản xuất đã tiết giảm được hơn 2 tỉ/năm. Từ những kết quả đạt được như trên, công ty đã tiến hành nhân rộng và tiếp tục mời đơn vị tư vấn MFCA cho 05 đơn vị khác trực thuộc công ty.

- Nếu ông là một chuyên gia tư vấn về năng suất chất lượng, điều đầu tiên ông muốndoanh nghiệp thay đổi là gì? ( Nguyễn Hải Nam - [email protected] )

Chuyên gia kinh tế - TS.Nguyễn Minh Phong:

Trước hết, cần xem xét lại các quy trình công nghệ, mức độ trang thiết bị và công tác tổ chức đào tạo, bố trí lao động và kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Nếu quy trình công nghệ là truyền thống thì vẫn có thể xem xét để áp dụng máy móc, đổi mới quy trình ở một số công đoạn. Ví dụ, trong nghề mộc, có thể áp dụng máy móc trong các khâu, công đoạn cưa, bào, đục mộng,... Chỉ cần giữ công nghệ truyền thống về chạm khắc và thiết kế mẫu mã.

Công tác tổ chức bộ máy cần xem xét giảm thiếu tất cả các lao động dôi dư, những công đoạn thừa và khuyến khích các lao động theo hướng chuyên môn hóa cao trong lĩnh vực sản xuất trực tiếp, đồng thời tăng sự kiêm nhiễm ở một số bộ phận quản lý gián tiếp. Coi trọng đào tạo tay nghề, đạo đức nghề nghiệp và xây dựng văn hóa kinh doanh phù hợp trong doanh nghiệp. Xây dựng các chính sách khuyến khích những người tài, năng động, phát huy sáng kiến, dám nghĩ, dám làm và biết hoạt động nhóm.

Đồng thời, cập nhật và so sánh các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ năng suất tiên tiến nhất trên thị trường để đảm bảo sự cập nhật và ngang bằng, từng bước vượt trội, chiến thắng trong cạnh tranh.

- Doanh nghiệp tôi quan tâm đến công cụ Quản lý chi phí dòng nguyên liệu MFCA, xin bà cho biết lợi ích của việc áp dụng công cụ này như thế nào, xin cho biết số liệu cụ thể? ( Hoài Anh - [email protected] )

Bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam:

MFCA viết tắt của từ Material flow cost accounting có nguồn gốc từ nước Đức sau đó được phát triển và áp dụng rộng rãi tại Nhật Bản. Đây là một công cụ cải tiến được xem như phương pháp hữu hiệu nhằm “giảm tác động môi trường” và “cải tiến hiệu quả công việc”. Hiện tại MFCA đã được tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế đưa thành tiêu chuẩn ISO 14051 vào năm 2011 và đã thu hút nhiều sự quan tâm trong những năm gần đây.

MFCA giúp tổ chức thiết lập chính sách phát triển một cách bền vững dựa trên việc xem xét và đặt lợi ích kinh tế trong lợi ích môi trường. Điều này giúp tổ chức thỏa mãn yêu cầu khách hàng tốt hơn mà sử dụng ít nguồn lực (nguyên liệu, năng lượng...) đồng thời giảm lãng phí.

Hiện tại Việt Nam đã có hơn 50 doanh nghiệp triển khai áp dụng MFCA trong khuôn khổ hỗ trợ của chương trình 712, kết quả áp dụng đã mang lại các kết quả cải tiến năng suất đáng kể.

- Tôi là doanh nghiệp tại Quảng Nam, tôi muốn tham gia một khóa đào tạo về năng suất chất lượng cho nhân viên, xin hỏi chúng tôi có thể liên hệ ở đâu để thuận tiện nhất? ( Bảo Trân - [email protected] )

Ông Phạm Lê Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2:

Trong khuôn khổ các nhiệm vụ được phê duyệt thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao Năng suất và Chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, các đơn vị trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã nghiên cứu và tổ chức rất nhiều các khóa đào tạo dành cho chuyên gia tư vấn và CBNV doanh nghiệp về các hệ thống quản lý, công cụ năng suất chất lượng tiên tiến; và chương trình đào tạo thường thay đổi mỗi năm.

Do vậy, doanh nghiệp tại Quảng Nam có thể liên hệ trực tiếp hoặc theo dõi thông tin tại các website của các đơn vị thuộc Tổng cục để nhận thông tin về chương trình đào tạo tổ chức riêng từng năm. Các khóa đào tạo này được cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp. Tại khu vực miền Trung bạn có thể liên hệ với Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 2 để đăng ký tham gia.

- Một chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn diễn ra trong thời gian bao lâu, có hạn chế số lượng học viên hay không? Và điều kiện để tham gia các khóa học này như thế nào? ( Tuấn Anh - [email protected] )

Bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam:

Hiện nay các khóa đào tạo cung cấp kiến thức và kỹ năng cho chuyên gia tư vấn có thể trong 1-2 tuần, có một số khóa chuyên sâu cho chuyên gia (khóa cơ bản gồm lý thuyết và thực hành) có thể kéo dài 1 tháng. Trong năm 2016, Viện Năng suất Việt Nam đang thực hiện triển khai thí điểm đào tạo chuyên gia thực hành về năng suất tại doanh nghiệp trong khuôn khổ chương trình “Hỗ trợ Đào tạo chuyên gia năng suất nhằm cải thiện môi trường làm việc và nâng cao mức độ thỏa mãn của người lao động” với sự hỗ trợ của JICA và các chuyên gia từ Trung tâm Năng suất Nhật Bản. Chương trình kép dài 11 tháng.

Tuy nhiên khóa đào tạo chỉ hạn chế số lượng 20-25 học viên để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Về điều kiện tham gia các khóa đào tạo, tùy từng nội dung, thời lượng và mục tiêu của khóa học sẽ có các hướng dẫn cụ thể cho học viên nắm bắt để tự xác định và lựa chọn để đăng ký. Tuy nhiên yêu cầu chung đối với các học viên là cam kết về đầu tư thời gian, hoàn thành các yêu cầu về tham dự trên lớp, thực hành và tích cực tham gia để có thể đạt hiệu quả cao nhất.

- Tại sao năng suất lao động cũng như năng suất chất lượng sản phẩm của người dân một số nước láng giềng (có nền kinh tế phát triển tương đương Việt Nam) lại cao hơn nước ta? Theo ông, những hạn chế của các Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc nâng cao năng suất chất lượng là gì? ( Hoàng Diệu Linh - [email protected] )

Chuyên gia kinh tế - TS.Nguyễn Minh Phong:

Năng suất lao động nói chung, năng suất chất lượng sản phẩm nói riêng tùy thuộc vào nhiều yếu tố: Trang bị máy bóc, thiết bị hiện đại; sử dụng công nghệ tiên tiến; trình độ lao động và số lượng lao động tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh; môi trường đầu tư kinh doanh; đặc điểm và tính chất, độ rủi ro của các đối tượng, sản phẩm, ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; khả năng tổ chức; quản lý, quản trị doanh nghiệp và nhiều yếu tố đặc thù khác. 

Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt đều thua kém các doanh nghiệp ở nhiều nước khu vực trong hầu hết các tiêu chí trên, đặc biệt là trong vấn đề cấu tạo hữu cơ, trình độ trang bị máy móc công nghệ và sản phẩm kinh doanh. Cần khẳng định rằng, năng suất lao động và trình độ cá nhân của lao động Việt Nam sẽ không hề thua kém với bất kỳ lao động của bất kỳ các nước nào trên thế giới, nếu trong cùng một điều kiện môi trường lao động, trình độ trang thiết bị, sản phẩm và lĩnh vực cùng các nguyên tắc tổ chức sản xuất kinh doanh.

Một trong những yếu tố khiến năng suất lao động Việt Nam thua thiệt so với nhiều nước khu vực là do lao động Việt Nam được tuyển dụng và bố trí chưa hợp lý, lao động chân tay, gia công là chủ yếu. 

Những hạn chế trên đều có và thậm chí đậm hơn ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tới việc đáp ứng các quy chuẩn về chất lượng sản phẩm và hạn chế trong đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, dẫn đến năng suất chất lương thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung.

- Ở những tập đoàn lớn có giám đốc chuyên trách phụ trách cả về năng suất và chất lượng và có đội ngũ chuyên gia tư vấn riêng. Vậy, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa có cần thiết xây dựng đội ngũ này trong doanh nghiệp của mình không? ( Thu Sinh - [email protected] )

Ông Nguyễn Trọng Lợi – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ:

Do điều kiện về mô hình hoạt động, điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất, năng lực, trình độ con người… của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, vì vậy, để xây dựng một giám đốc chuyên trách phụ trách cả về năng suất và chất lượng và đội ngũ chuyên gia tư vấn riêng về năng suất là một điều khó khăn, không cần thiết.

Phần lớn các cán bộ tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu làm việc với vai trò kiêm nhiệm nhiều công việc, vị trí. Tuy nhiên, trong quá trình tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần áp dụng các mô hình, phương pháp nhằm tăng năng suất và chất lượng cho sản phẩm, dịch vụ của mình.

Do vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ cần xây dựng một bộ phận hoặc cá nhân phụ trách về năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp mình là đủ. Để nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp, cần có sự vào cuộc, quyết tâm của lãnh đạo cao nhất cùng với toàn thể các cán bộ trong doanh nghiệp thì mới đạt được hiệu quả tốt. 

- Ông có thể chia sẻ những khó khăn của chuyên gia trong hoạt động tư vấn năng suất chất lượng trong doanh nghiệp hay không? ( Phương Linh - [email protected] )

Ông Phạm Lê Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2:

Trong hoạt động tư vấn năng suất chất lượng cho doanh nghiệp, những khó khăn mà chuyên gia tư vấn thường gặp phải gồm có:

Thứ nhất: Sự cam kết của lãnh đạo DN, nếu không có sự cam kết của lãnh đạo ngay từ đầu thì khó lòng có thể triển khai nhiệm vụ một cách tốt nhất.

Thứ hai: Sự thay đổi nhân sự chủ chốt, chẳng hạn như đại diện chất lượng, quản đốc hoặc trưởng phòng ban, điều này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, sẽ ảnh hưởng và mất nhiều thời gian cho chuyên gia tư vấn.

Thứ ba: Sự hợp tác của các vị trí chủ chốt như đại diện chất lượng, quản đốc hoặc trưởng phòng ban, nếu không có sự hợp tác và chia sẽ từ những đối tượng này thì chuyên gia sẽ rất khó lòng hoàn thành nhiệm vụ như mục đích ban đầu dự kiến của nó (ví dụ như DN không cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của chuyên gia cũng hoặc có như cung cấp dữ liệu ma, không phối hợp thực hiện các nội dung công việc theo tiến độ của từng giai đoạn, xúi giục các phòng ban/bộ phận khác bất hợp tác………….)

Thứ tư: DN tạm dừng giữa chừng vì lý do này hay lý do khác, như vậy, nội dung triển khai bị đứt quản, không liên tục, số liệu cũng không liên tục, nếu thời gian tạm hoãn quá dài sẽ ảnh hưởng đến thời gian chung của nhiệm vụ cũng như tính hiệu quả là khó có thể cao được.

Thứ năm: Trình độ của cán bộ CNV của doanh nghiệp, nếu trình độ của cán bộ CNV của doanh nghiệp quá thấp sẽ rất khó khăn trong việc thu phập và phân tích dữ liệu, việc này, sẽ kéo dài thời gian của TV và đôi lúc số liệu cũng không chính xác sẽ gây nhiều khó khăn cho chuyên gia khi phải mất thời gian để phân tích lại,…….

Thứ sáu: Vị trí địa lý của DN nằm ở quá xa và rải rác, vì vậy, sẽ mất rất nhiều thời gian vận chuyển cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của chuyên gia trong quá trình thực hiện tư vấn.

- Việc áp dụng đúng, có hiệu quả các công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào chuyên gia tư vấn. Bà có ý kiến như thế nào về điều này? ( Thu Hà - [email protected] )

Bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam:

Chuyên gia tư vấn sẽ thực hiện bước đầu tiên là khảo sát thực trạng doanh nghiệp để tìm hiểu vấn đề doanh nghiệp đang đối mặt. Tiếp theo chuyên gia tư vấn sẽ thảo luận, định hướng cho tổ chức nên áp dụng công cụ nào phù hợp nhất trong từng giai đoạn cụ thể. Doanh nghiệp chỉ áp dụng hiệu quả các công cụ khi doanh nghiệp có sẵn các nguồn lực thích hợp.

Chuyên gia tư vấn có vai trò quan trọng trong việc đào tạo, hướng dẫn phương pháp triển khai áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến trong doanh nghiệp, nhưng để đạt được kết quả tốt thì chỉ mình chuyên gia là không đủ, quyết định phải là cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp và sự đồng lòng tham gia của các cấp trong doanh nghiệp.

- Ông đánh giá như thế nào về hoạt động tư vấn hiện nay? Xin cho biết hiện nay có bao nhiêu chuyên gia về năng suất, chất lượng năng lực của đội ngũ này được đánh giá ở mức độ nào? ( Kim Phương - [email protected] )

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

- Hoạt động tư vấn được phát triển mạnh mẽ kể từ khi Bộ KH&CN (Tổng cục TCĐLCL) triển khai Chương trình quốc gia NSCL. Đội ngũ chuyên gia tư vấn về NSCL được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Các đơn vị trong Tổng cục TCĐLCL đều có chức năng và đủ năng lực để thực hiện hoạt động tư vấn/đánh giá chứng nhận.

- Để có bức tranh toàn diện về đội ngũ chuyên gia NSCL, Tổng cục đang thực hiện điều tra tổng thể về đội ngũ này về trình độ, lĩnh vực chuyên môn, sự phân bố giữa các ngành, các địa phương... Trên cơ sở kết quả điều tra sẽ đánh giá được sâu hơn thực trạng đội ngũ chuyên gia NSCL, có biện pháp quản lý, sử dụng và xây dựng được CSDL chuyên gia NSCL công bố rộng rãi để các tổ chức, doanh nghiệp biết và liên hệ.

- Được biết ở Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thường có các lớp đào tạo chuyên gia năng suất chất lượng hoặc cán bộ năng suất cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể liên hệ với đơn vị nào? ( Bình An - [email protected] )

Ông Phạm Lê Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2:

Trong khuôn khổ các nhiệm vụ được phê duyệt thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao Năng suất và Chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, các đơn vị trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã nghiên cứu và tổ chức rất nhiều các khóa đào tạo dành cho chuyên gia tư vấn và CBNV doanh nghiệp về các hệ thống quản lý, công cụ năng suất chất lượng tiên tiến; và chương trình đào tạo thường thay đổi mỗi năm. Do vậy, doanh nghiệp nào quan tâm muốn tham gia vào các khóa đào tạo này thì có thể liên hệ trực tiếp các đơn vị thuộc Tổng cục để nhận thông tin về chương trình đào tạo tổ chức riêng từng năm.

Tại khu vực miền Bắc, bạn có thể liên hệ với Viện Năng suất Việt Nam (VNPI); Trung tâm Đào tạo; Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 1; SMEDEC 1

Tại khu vực miền Trung, bạn có thể liên hệ Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 2.

Tại khu vực miền Nam, bạn có thể liên hệ SMEDEC 2; Trung tâm Đào tạo Năng suất Chất lượng thuộc Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 3.

- Là đơn vị tư vấn nhiều cho doanh nghiệp vậy khó khăn mà chuyên gia tư vấn gặp phải khi tư vấn cho các áp dụng các công cụ cải tiến nâng cao năng suất là gì? Theo bà đánh giá vai trò của chuyên gia tư vấn chiếm bao nhiêu % thành công của doanh nghiệp khi áp dụng các công cụ cải tiến? ( Thái Linh - [email protected] )

Bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam:

Dự án thành công phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có năng lực chuyên gia tư vấn và sự đáp ứng các nguồn lực của tổ chức. Chuyên gia tư vấn dự án sẽ đóng vai trò định hướng, phổ biến hướng dẫn cho doanh nghiệp các hoạt động cải tiến nâng cao năng suất. Tuy nhiên chuyên gia dự án có nỗ lực đến mấy mà không có sự hợp tác của doanh nghiệp thì dự án cũng rất khó thành công. 

- Thưa ông, các quy trình áp dụng các công cụ NSCL bao gồm những vấn đề gì? ( Thái Luân - [email protected] )

Ông Phạm Lê Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2:

Một doanh nghiệp muốn triển khai thành công chương trình năng suất chất lượng cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Lập kế hoạch triển khai áp dụng các công cụ năng suất chất lượng, gồm có các nội dung:

a. Phải có cam kết của lãnh đạo cao nhất.

b. Thành lập Ban Điều hành tổ chức triển khai và thực hiện các công cụ năng suất chất lượng.

c. Phổ biến kiến thức chung về đề án và công cụ năng suất chất lượng cho tất cả cán bộ, nhân viên tại doanh nghiệp.

d. Đánh giá thực trạng, đây là một bước rất quan trọng nhằm xác định các quá trình chính của doanh nghiệp để trên cơ sở đó chọn lựa phạm vi áp dụng và thực hiện áp dụng các công cụ năng suất chất lượng đồng thời dánh giá tình hình liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các yếu tố chi phí, năng suất, chất lượng, lợi nhuận để có con số chính xác ban đầu phục vụ cho việc cải tiến sau này.

e. Lập kế hoạch thực hiện, bao gồm: Mục tiêu dự kiến phải đạt được sau khi áp dụng các công cụ năng suất chất lượng (phải đo lường được cụ thể); Xác định phạm vi áp dụng của các công cụ; Phương pháp tính toán năng suất yếu tố tổng hợp (TFP – Total Factor Productivity); Các phương án, những tài liệu cần thiết phải xây dựng.

Bước 2: Áp dụng các công cụ năng suất chất lượng

Bước 3: Đánh giá hiệu quả: Đánh giá các kết quả đã thực hiện sau quá trình áp dụng các công cụ năng suất chất lượng, từ đó đánh giá hiệu quả (phải đo lường được cụ thể) và so sánh với mục tiêu dự kiến ban đầu đặt ra. Kết quả tính toán dựa trên năng suất yếu tố tổng hợp (TFP – Total Factor Productivity)

Bước 4: Hành động khắc phục, cải tiến: Thực hiện hành động khắc phục, cải tiến để có thể đem lại hiệu quả cao hơn (đo lường được cụ thể)

- Năng suất lao động phụ thuộc vào nhân viên rất nhiều, vậy tôi muốn đánh giá năng lực và hiệu quả công việc của nhân viên thì áp dụng công cụ nào, xin được tư vấn? ( Minh Quyết - [email protected] )

Bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam:

Muốn đánh giá năng lực và hiệu quả công việc của nhân viên thì có thể sử dụng KPIs để theo dõi và đo lường kết quả hoạt động ở các cấp trong đó có vị trí công việc.

Yếu tố lao động đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp. Các công cụ cải tiến áp dụng cũng hầu hết hướng vào việc tăng năng suất lao động cho nguồn nhân lực như mô hình tinh gọn giảm thiếu lãng phí Lean, KPIs… Để đánh giá năng lực và hiệu quả công việc nhân viên đơn vị có thể áp dụng KPIs để xây dựng các chỉ số đo lường và đánh giá.

- Thưa ông, các giải pháp Quản lý năng suất chất lượng bao gồm những vấn đề gì? ( Khánh Ngân - [email protected] )

Ông Phạm Lê Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2:

Giải pháp Quản lý năng suất chất lượng bao gồm 2 giải pháp.

Thứ nhất đó là giải pháp về nguồn nhân lực:

Cần phải có sự cam kết và tham gia của lãnh đạo cao nhất: Các công cụ NSCL không chỉ là vấn đề tìm ra các giải pháp kỹ thuật mà còn liên quan rất nhiều các yếu tố khác ảnh hưởng đến việc xác định và thực hiện các giải pháp NSCL trực tiếp và gián tiếp. Chính vì vậy, sự cam kết và tham gia của ban lãnh đạo cao nhất là rất cần thiết – chỉ có thể bắt đầu thực hiện các công cụ NSCL sau khi ban lãnh đạo công ty đã quyết định hành động.

Ngoài ra cần có sự tham gia của nhân viên: Thành công của triển khai các công cụ NSCL phụ thuộc nhiều vào sự tham gia của nhân viên công nhân doanh nghiệp. Có một điểm lưu ý rằng NSCL được thực hiện thành công hay không phụ thuộc chính vào nhân viên với sự giúp đỡ khi cần thiết từ bên ngoài công ty mà không phải người ngoài công ty sẽ làm nên thành công đó. Nhân viên ở đây là toàn bộ cán bộ công nhân viên trong công ty từ ban lãnh đạo cấp cao đến công nhân.

Bên cạnh đó việc thành lập nhóm/ban cải tiến - nhóm chuyên trách là một trong những yếu tố quan trọng để khởi động, điều phối và giám sát việc thực hiện NSCL mới tại Công ty. Nhóm/ban NSCL được tập hợp từ nhiều đơn vị, bao gồm cả đại diện ban lãnh đạo doanh nghiệp, với sự điều phối của trưởng nhóm/ban để điều phối toàn bộ chương trình đánh giá và các hoạt động cần thiết khác.

Tiếp đến đó là giải pháp về kỹ thuật: Tùy theo đặc thù của mỗi công cụ mà doanh nghiệp sẽ đưa ra các giải pháp về kỹ thuật phù hợp. Các giải pháp kỹ thuật NSCL phải được đo lường, minh họa bằng các số liệu, hình ảnh cụ thể.

- Thưa ông, ông có nhận định như thế nào về những khó khăn, thuận lợi của doanh nghiệp vừa và nhỏ khi TPP vào Việt Nam? ( Nguyễn Nhật Ánh - [email protected] )

Chuyên gia kinh tế - TS.Nguyễn Minh Phong:

TPP là một hiệp định thương mại tự do đa phương thế hệ ba với những tiêu chuẩn rất cao, lĩnh vực bao quát rất rộng và những cam kết tự do hóa rất mạnh. Đồng thời, TPP cũng đã cân nhắc tới những điều kiện cần thiết mang lại lợi ích cho các bên và các doanh nghiệp tham gia,... Điều này cũng có nghĩa là TPP mang lại cả những khó khăn, cũng như những thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Những khó khăn có thể liệt kê: Những yêu cầu cao về mặt tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và dịch vụ; yêu cầu xuất xứ nội khối nghiêm ngặt đối với sản phẩm hàng hóa; yêu cầu về bảo vệ môi trường; yêu cầu về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; cải thiện môi trường lao động và quyền lợi của người lao động. Đặc biệt là sự cạnh tranh ngày càng tự do ngay trên thị trường nội địa từ những dòng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đến từ các nước có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cao hơn, có thể tạo nguy cơ thu hẹp thị phần, giảm lợi nhuận và gia tăng áp lực phá sản đối với doanh nghiệp,...

Những thuận lợi cơ bản gắn với việc giảm thiểu nhanh, mạnh hầu hết các dòng thuế đang cản trở các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các nước thành viên TPP; cơ hội mở rộng đầu tư và thị trường sang các nước thành viên; khả năng tìm kiếm các vị trí thích hợp và cải thiện vị thế tham gia của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nội khối TPP; khả năng giảm bớt các chi phí nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu từ các nước thành viên; đặc biệt, cơ hội sẽ rất mới và lớn lao cho việc phát triển thương mại điện tử và các hoạt động xúc tiến thương mại khác trên các trang mạng xã hội. 

Một doanh nghiệp nhỏ, trẻ ở Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng các dịch vụ quốc tế để xuất khẩu hàng từ Việt Nam hoặc từ nước thành viên khác vào Mỹ, Nhật và những thị trường lớn với chi phí thấp nhất, thậm chí không cần phải thành lập doanh nghiệp tại các nước này.

- Xin phân biệt giúp vai trò của cán bộ năng suất chất lượng và chuyên gia năng suất chất lượng đối với doanh nghiệp. ( Tuấn Dũng - [email protected] )

Ông Nguyễn Trọng Lợi – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ:

Cán bộ năng suất chất lượng (NSCL) là đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện việc quản lý năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp. Là bộ phận thực hiện các yêu cầu, trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả áp dụng và chủ động nghiên cứu, đề xuất các ý kiến, phương án cải tiến các hệ thống quản lý và các công cụ cải tiến NSCL đang được áp dụng tại doanh nghiệp.

Chuyên gia năng suất chất lượng là đội ngũ cán bộ nghiên cứu, lựa chọn và tổ chức hướng dẫn, đào tạo việc xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại doanh nghiệp. Đào tạo kiến thức về các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến NSCL cho các cán bộ năng suất chất lượng và các cá nhân bộ phận khác trong doanh nghiệp.

- Để trở thành một chuyên gia năng suất chất lượng giỏi, theo ông đâu là nhân tố quyết định nhất? ( Thảo Phương - [email protected] )

Ông Phạm Lê Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2:

Để trở thành một chuyên gia năng suất chất lượng giỏi có rất nhiều yếu tố đó là:

Có kiến thức sâu rộng và cặn kẽ về những hệ thống, công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng; Luôn cập nhật những thay đổi, tiến bộ về năng suất trên thế giới; Có khả năng quan sát phán đoán, nhận biết, chuẩn đoán đúng được “bệnh” của doanh nghiệp để có thể áp dụng những hệ thống công cụ cho phù hợp cũng như khả năng truyền đạt, làm việc nhóm tốt.

Bên cạnh đó, chuyên gia phải có khả năng tư duy hệ thống, tính logic cao, hoạch định thiết lập mục tiêu công việc. Đồng thời, tính cẩn thận, tỉ mỉ và trung thực cũng rất cần thiết bởi vì nếu như không cân nhắc cẩn thận, đưa ra những quyết định vội vàng hoặc không trung thực sẽ dẫn đến kết quả áp dụng để cải tiến sẽ không hiệu quả.

Khi đánh giá thực trạng doanh nghiệp cũng như áp dụng cải tiến năng suất chất lượng không thể làm ngày một ngày hai cũng như không thể làm một người mà phải cùng một tập thể cùng làm trong một thời gian nhất định, trải qua nhiều giai đoạn mới có được kết quả tốt vì thế một yếu tố làm nên sự thành công của chuyên gia năng suất đó là tính nhẫn nại trong công việc.

Trong tất cả yếu tố trên cái nào cũng là nhân tố quyết định cả nhưng quan trong nhất vẫn là SỰ ĐAM MÊ VÀ TÂM HUYẾT với lĩnh vực năng suất chất lượng, đam mê với việc cải tiến thay đổi để ngày càng tốt hơn vì nếu có yêu thích và đam mê thì mọi yếu tố còn lại đều có thể học tập từ từ được.

- Xin cho biết hiện nay tại Việt Nam có bao nhiêu công cụ cải tiến được các doanh nghiệp quan tâm áp dụng nhiều nhất và hiệu quả nhất? ( Trần Đức - [email protected] )

Bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam:

Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt vấn đề giảm thiểu lãng phí, nâng cao nội lực đáp ứng nhu cầu cạnh tranh. Một số công cụ cải tiến các doanh nghiệp đang quan tâm và áp dụng có hiệu quả là Mô hình tinh gọn sản xuất Lean, Lean 6 sigma, Duy trì hiệu suất máy móc tổng thể TPM, Chỉ số hiệu quả chính KPIs, Mô hình đào tạo huấn luyện viên (Trainning within Industry TWI), Hạch toán cho phí dòng nguyên liệu MFCA…

- Với ngân sách hạn chế, doanh nghiệp nhỏ và vừa làm thế nào để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp khác trong cuộc chiến toàn cầu khi gần đây, làn sóng các doanh nghiệp ngoại đang ồ ạt đổ vào đầu tư tại Việt Nam? ( Đỗ Duy Tùng - [email protected] )

Chuyên gia kinh tế - TS.Nguyễn Minh Phong:

Các doanh nghiệp Việt Nam có hai hạn chế trong vấn đề vốn: Thứ nhất, vốn tự có ít; thứ hai là uy tín để huy động vốn trên thị trường cũng rất thấp. Để khắc phục hạn chế về vốn, các doanh nghiệp cần chú ý tới những giải pháp tập trung vốn hoặc khai thác những nguồn vốn ngoài doanh nghiệp; trong đó, cần coi trọng các hoạt đông M&A (mua bán - sát nhập doanh nghiệp), xây dựng những doanh nghiệp lớn từ những doanh nghiệp nhỏ để tích tụ vốn từ những nguồn vốn nhỏ; sử dụng những hình thức "mượn vốn" một cách khôn ngoan và hợp pháp, như mua hàng trả chậm, cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, kéo dài thời gian thanh toán nợ có thể, nhận tín dụng thương mại xuất khẩu, cổ phần hóa doanh nghiệp, phấn đấu niêm yết trên sàn chứng khoán và các công cụ vay nợ giá rẻ khác. 

Sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các doanh nghiệp nội với các doanh nghiệp ngoại chỉ thành công khi các doanh nghiệp nội không chỉ mạnh về tài chính, mà còn làm chủ được thông tin thị trường, làm chủ thị trường ngách, làm chủ được những công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của mình, đặc biệt, cần tuân thủ những quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng để vượt qua các hàng rào kỹ thuật và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong các vấn đề về vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

- Hiện các chuyên gia tư vấn năng suất chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn trong khi nhiều doanh nghiệp địa phương lại có nhu cầu tư vấn rất nhiều. Theo ông giải pháp nào giải quyết hạn chế này? ( Văn Anh Tú - [email protected] )

Ông Nguyễn Trọng Lợi – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ:

Các giải pháp để giải quyết các hạn chế trên chủ yếu tập chung vào những nội dung sau:

(1) Đào tạo cho các chuyên gia về năng suất chất lượng tại các Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng các tỉnh, thành phố nhằm giúp cho các doanh nghiệp trong việc tư vấn về năng suất chất lượng.

(2) Đào tạo nâng cao kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cho đội ngũ cán bộ năng suất chất lượng và chuyên gia năng suất chất lượng tại các địa phương;

(3) Tạo các cơ chế thu hút chuyên gia tư vấn năng suất chất lượng từ các thành phố lớn về các địa phương làm việc như:

- Tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp địa phương để từ đó thu hút người lao động có trình độ chuyên môn cao nói chung và các chuyên gia tư vấn năng suất nói riêng;

- Các doanh nghiệp tại địa phương cần chú trọng hơn nữa vào việc tiếp cận và áp dụng các hệ thống quản lý cũng như các công cụ cải tiến năng suất chất lượng nhằm tạo ra phong trào nâng cao năng suất chất lượng trong doanh nghiệp.

- Các doanh nghiệp địa phương cần quan tâm, đẩy mạnh đến hoạt động đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn cho người lao động và đội ngũ chuyên gia năng suất.

- Nâng cao thu nhập, tạo các cơ chế ưu đãi để thu hút người lao động và đội ngũ chuyên gia năng suất đến làm việc.

(4) Tạo ra các kênh kết nối thông tin giữa các doanh nghiệp địa phương và các chuyên gia năng suất để phối hợp cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề năng suất trong doanh nghiệp.

(5) Các chuyên gia tư vấn năng suất cần tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp địa phương để nắm bắt và đáp ứng các nhu cầu của các doanh nghiệp. 

- Doanh nghiệp tôi áp dụng đồng thời cả hệ thống quản lý ISO 9001 và các công cụ cải tiến như Lean, 5s, MFCA… hay không? Hiện có quy định nào áp dụng các công cụ này cho từng mô hình doanh nghiệp không? ( Mạnh Phúc - [email protected] )

Bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam:

Doanh nghiệp của anh/chị có thể áp dụng đồng thời ISO 9000 và các công cụ cải tiến nâng cao năng suất như 5S. Lean…Khi doanh nghiệp đã có nền tảng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn, việc áp dụng các công cụ nâng cao năng suất giúp cho doanh nghiệp tăng hiệu quả quản lý, giảm lãng phí. Doanh nghiệp cũng nên có kế hoạch áp dụng các hệ thống, mô hình theo lộ trình thích hợp để đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả.

Không có quy định cụ thể nào về áp dụng công cụ nào cho mô hình nào. Việc lựa chọn hệ thống quản lý hay công cụ là do nhu cầu thực tế tại mỗi doanh nghiệp.
Đối với các mô hình hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, trong mục phạm vi áp dụng tiêu chuẩn nêu rõ tiêu chuẩn áp dụng với đối tượng doanh nghiệp nào. Việc áp dụng các công cụ cải tiến thì tùy theo từng loại hình doanh nghiệp có thể chọn áp dụng cho phù hợp với nhu cầu cải tiến.

- Thưa Phó Tổng cục trưởng, xin ông cho biết công tác phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động năng suất chất lượng được Tổng cục triển khai trong những năm qua như thế nào? ( Thùy Dương - [email protected] )

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

 Ngay từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 712/QĐ-TTG ngày 21/5/2010 phê duyệt Chương trình quốc gia Năng suất Chất lượng với mục tiêu tạo bước chuyển biến rõ rệt về NSCL của các sản phẩm hàng hóa chủ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Để đạt được mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình là “Xây dựng mạng lưới tổ chức,cá nhân hoạt động chuyên nghiệp về NSCL; Đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ tư vấn về NSCL tại các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức NSCL cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp, đưa nội dung năng suất và chất lượng vào chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng nghề...

 Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia Năng suất Chất lượng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện:

 - Biên soạn hoàn thành 15 chương trình và 30 bộ giáo trình đào tạo các kiến thức cơ bản về NSCL; các kiến thức chuyên sâu về các hệ thống, công cụ cải tiến.

- Tổ chức hơn 150 khóa đào tạo tập trung cho khoảng 10.000 học viên đến từ các Bộ, tỉnh, thành phố và doanh nghiệp trong cả nước;

- Tổ chức 15 khóa đào tạo giảng viên về Năng suất chất lượng cho 450 lượt người;

 - Tổ chức đào tạo 20 chuyên gia 6 Sigma Đai đen trình độ quốc tế, 20 chuyên gia năng suất trình độ quốc tế;

 - Tổ chức đào tạo khoảng 50 khóa chuyên gia tư vấn, chuyên gia đánh giá hệ thống, mô hình, công cụ NSCL.

 - Tổ chức đào tạo theo hình thức Web-based training cho hơn 600 học viên.

 Việc đào tạo chuyên gia NSCL còn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và nước ngoài (tổ chức Năng suất Châu Á, Cơ quan Năng suất Nhật Bản, Hàn Quốc...).

Thông qua các khóa đào tạo tập trung, các học viên được đào tạo làm giảng viên có thể tham gia đào tạo, phổ biến rộng rãi kiến thức về lĩnh vực NSCL cho các đơn vị khác trong

Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Các học viên được đào tạo trở thành cán bộ, chuyên gia tư vấn về năng suất chất lượng có thể lập kế hoạch và triển khai các hoạt động về năng suất chất lượng tại cơ quan, đơn vị mình. Kết quả đào tạo đã bước đầu xây dựng được đội ngũ cán bộ, chuyên gia về năng suất chất lượng tại Bộ, ngành, địa phương và cơ sở, tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động năng suất chất lượng của đất nước.

Để đáp ứng mục tiêu hình thành được đội ngũ chuyên gia làm lực lượng nòng cốt thực hiện dự án NSCL tại Bộ, địa phương thì hoạt động đào tạo cần được tăng cường nhiều hơn nữa trong những năm tiếp theo.

- Ông đã từng nghe tâm tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, nỗi niềm nào của doanh nghiệp khiến ông trăn trở nhất? Theo ông, Nhà nước cần làm gì để đưa ra lời giải cho những vướng mắc, tâm tư đó của các doanh nghiệp? ( Mai Loan - [email protected] )

Chuyên gia kinh tế - TS.Nguyễn Minh Phong:

Sự nhũng nhiễu và vô cảm của các quan chức trực tiếp quản lý doanh nghiệp ở các địa phương đã làm khó thêm cho những khó khăn của doanh nghiệp, làm giảm bớt những lợi thế cạnh tranh của họ; đồng thời, những giới hạn về năng lực nghiên cứu, phát triển thương hiệu và thị trường là hai trăn trở lớn nhất của doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Để giảm thiểu sự nhũng nhiễu và vô cảm của các quan chức đối với doanh nghiệp, nhà nước, một mặt, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống những quy định liên quan tới quản lý các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các quy trình, thủ tục quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đơn giản hóa tối đa và minh bạch hóa ở mức cao nhất, công khai rộng rãi và có chế tài cụ thể, nghiêm khắc cho những vi phạm các quy định này; mặt khác, cần có cơ chế tuyển dụng, thanh loại các cán bộ, bảo đảm chất lượng ngày càng cao của các cán bộ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Đồng thời, duy trì và đa dạng hóa những kênh tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là các đường dây điện thoại nóng, các trang web tương tác thuận lợi và thân thiện cùng những hình thức tiếp xúc đối thoại giữa doanh nghiệp với đại diện cơ quan quản lý nhà nước để thường xuyên cập nhật, tiếp nhận và xử lý những bức xúc, nguyện vọng, phản ánh và đề xuất của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, trong quản lý nhà nước nói riêng đối với doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý và công khai hóa kết quả xử lý những cán bộ vi phạm các quy định đã được xác lập trên.

Đối với vấn đề xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường cho các doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ của hiệp hội cũng như của các cơ quan quản lý ngành, địa phương. Việc xây dựng những trung tâm bày mẫu hàng, những hội chợ, những sàn giao dịch hàng hóa và dịch vụ với các cấp độ quy mô phù hợp ở địa phương và chung cho các vùng, miền và cả nước là cần thiết. Bên cạnh đó, cần khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp trong thiết kế mẫu mã, logo, thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan tới xây dựng, đăng ký và xử lý các tranh chấp liên quan đến thương hiệu. 

Việc quảng bá thương hiệu với chí phí thấp trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, cũng như quốc gia là cần thiết. Cần cho phép xuất bản các loại hình báo chí, truyền hình tư nhân hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý, kiểm soát phù hợp của nhà nước nhằm trực tiếp hỗ trợ các hoạt động này cho doanh nghiệp.

- Theo chuyên gia, hiện nay doanh nghiệp ở quy mô vừa và nhỏ có những điểm yếu gì cần cải thiện trong lĩnh vực năng suất, chất lượng? Một doanh nghiệp có quy mô nhỏ thì có cần phải có người chuyên trách về mảng này hay không? ( Khánh Hiền - [email protected] )

Bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam:

Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm hơn 90% số doanh nghiệp trên cả nước, qua thực tế triển khai chúng tôi nhận thấy mức độ áp dụng các giải pháp quản lý để nâng cao năng suất chất lượng ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 người). Ở các doanh nghiệp này phần lớn là thành phần kinh tế tư nhân, vốn ít, máy móc thiết bị không đồng bộ, biến động nhân sự lớn, thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn… và năng suất thấp, sản phẩm chủ yếu phục vụ trong nước, năng lực R&D còn nhiều hạn chế, gia công là chính. Chưa đủ năng lực xuất khẩu.

Doanh nghiệp ở quy mô vừa và nhỏ là đối tượng chính có nhu cầu lớn nhằm cải thiện năng suất chất lượng. Một số công cụ cải tiến cần có cơ sở dữ liệu để phân tích, tuy nhiên công tác thống kê, thu thập dữ liệu lại thiếu vắng. Công tác duy trì, cải tiến là vấn đề mà doanh nghiệp cần quan tâm. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông thường có bộ máy nhân sự tinh gọn nên thường thiếu người chuyên trách. Việc chuyên trách hay kiêm nhiệm là do nhu cầu của doanh nghiệp nhưng cần phân công rõ nhiệm vụ và chức năng này để có đầu mối triển khai và duy trì hoạt động này trong doanh nghiệp

- Doanh nghiệp tôi phối hợp với một đơn vị tư vấn để thực hiện áp dụng một số công cụ cải tiến trong sản xuất. Vậy vai trò của chuyên gia tư vấn sẽ bắt đầu từ đâu và khi nào kết thúc? ( Nguyễn Thị Thu Hà - [email protected] )

Ông Nguyễn Trọng Lợi – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ:

Để thực hiện một dự án tư vấn, hướng dẫn áp dụng các công cụ cải tiến tại doanh nghiệp sản xuất thì vai trò của đơn vị tư vấn sẽ tham gia hướng dẫn, đào tạo cho doanh nghiệp về nhận thức và các bước để tiến hành xây dựng và áp dụng đối với từng công cụ cải tiến năng suất cụ thể. Chuyên gia tư vấn sẽ cùng với doanh nghiệp từ khi bắt đầu dự án, với các công việc như: kết hợp cùng doanh nghiệp tiến hành khảo sát thực trạng của doanh nghiệp, để từ đó tư vấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp xác định phạm vi, xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức thực hiện áp dụng các công cụ cải tiến theo từng công cụ cải tiến cụ thể. Thông thường việc xây dựng và áp dụng các công cụ cải tiến được hoàn thiện trong thời gian từ 4 - 6 tháng tùy theo quy mô doanh nghiệp.

- Hiện nay hoạt động đào tạo các chuyên gia tư vấn năng suất được Viện Năng suất triển khai như thế nào? Đối tượng nào sẽ được tham gia các khóa đào tạo này? ( Quỳnh Vân - [email protected] )

Bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam:

Viện Năng suất Việt Nam đã thiết kế và cung cấp nhiều khóa đào tạo chuyên gia tư vấn cải tiến năng suất, trong đó có các khóa trang bị những kỹ năng cơ bản để trở thành một chuyên gia tư vấn, có những khóa được thiết kế chuyên sâu tập trung vào từng mô hình quản lý và công cụ cải tiến như: chuyên gia thực hành 5S, chuyên gia tư vấn về hệ thống quản lý, Lean, 6 Sigma…. Các học viên tham dự được đào tạo lý thuyết, kết hợp với thực hành tại doanh nghiệp và có kết quả cải tiến cụ thể. Trong khuôn khổ chương trình 712 được thực hiện 5 năm qua, chúng tôi đã triển khai hàng chục khóa đào tạo cho hàng trăm lượt chuyên gia trên cả nước.

Chuyên gia tư vấn năng suất được đào tạo sẽ là nguồn lực quan trọng để nhân rộng việc triển khai, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các mô hình, giải pháp nâng cao năng suất chất lượng. Viện Năng suất Việt Nam cũng chú trọng vào việc lựa chọn đối tượng tham gia để cung cấp các kiến thức kinh nghiệm triển khai. Đối tượng của các khóa đào tạo được ưu tiên là cán bộ thực hành năng suất chất lượng từ các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp đã có hiểu biết và một số kinh nghiệm trong quản trị sản xuất kinh doanh. Các khóa đào tạo ngoài cung cấp các kiến thức còn bổ sung các kỹ năng cần thiết khác hỗ trợ đối với chuyên gia như kỹ năng giảng dạy, kỹ năng quản lý dự án, kỹ năng thuyết trình…

- Là một chuyên gia kinh tế, ông đã đi công tác tại nhiều nước trên thế giới, ông có thể chia sẻ đôi chút: Ở nước ngoài, chính quyền các nước thường quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa như thế nào, thưa ông? ( Thiên Bảo Anh - [email protected] )

Chuyên gia kinh tế - TS.Nguyễn Minh Phong:

Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ là một trong những vấn đề ưu tiên trong quản lý doanh nghiệp của các nước, dù là các nước đang phát triển hoặc là những nước đã phát triển.

Ấn Độ đã có hẳn một Luật hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó sắc lọc những lĩnh vực ưu tiên chỉ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư; nhà nước tạo những điều kiện thuận lợi về tiếp cận nguồn vốn (điều kiện thế chấp, mức lãi suất và thời hạn cho vay,...) để doanh nghiệp giảm bớt những khó khăn về nguồn lực tài chính có hạn của mình.

Trung Quốc đã thực hiện việc dùng ngân sách nhà nước xây dựng một loạt các khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, trong đó thậm chí xây dựng cả những tòa nhà cao tầng, lắp đặt sẵn các cơ sở hạ tầng và cả máy móc, thiết bị cần thiết (ví dụ: lắp cả dây truyền máy khâu và các máy móc cần thiết cho sản xuất dệt may) để cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê với giá rẻ. Nhà đầu tư khi đó chỉ việc tuyển công nhân và ký hợp đồng thuê nhà máy đã có sẵn, là có thể bắt tay vào sản xuất kinh doanh mà họ có được. Thậm chí, Trung Quốc còn thực thiện việc hỗ trợ 30% lãi suất tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất kinh doanh để xuất khẩu hàng dệt may sang Việt Nam. Các thủ tục hải quan và quản lý nhà nước khác cũng được giảm thiểu,... tất cả các điều đó giúp giảm cắt gánh nặng về tài chính, đầu tư và thể chế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngay cả Hiệp định TPP đã được ký kết giữa 12 nước, trong đó có Việt Nam, cũng có những nội dung trực tiếp liên quan tới hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng; kiểm soát sự cạnh tranh thị trường lành mạnh; tạo lập các hiệp hội doanh nghiệp hỗ trợ thông tin và tư vấn cho doanh nghiệp; khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ và tham gia chuỗi cung ứng giữa các nước thành viên,...

Để hấp thụ và khai thác được các hỗ trợ của Chính phủ đối với mình, bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần có sự chủ động và nỗ lực, tránh hiện tượng ỷ lại, chờ đợi, thụ động và đòi hỏi những điều kiện hỗ trợ theo kiểu bao cấp. Đặc biệt tìm được các thị trường ngách và đề xuất khai thác các hỗ trợ cần thiết từ phía nhà nước nhằm làm chủ thị trường này là rất cần thiết cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Xin ông Lợi tư vấn quy trình để thực hiện áp dụng một hệ thống quản lý tại doanh nghiệp sản xuất giấy hiện nay như thế nào? Xin cho biết thời gian và kinh phí? ( Thu Huệ - [email protected] )

Ông Nguyễn Trọng Lợi – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ:

Để xây dựng hệ thống quản lý (VD là hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001) cho một doanh nghiệp sản xuất giấy thì quy trình tư vấn hướng dẫn xây dựng và thực hiện hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) như sau:

- Đầu tiên phải Khảo sát thực trạng hệ thống quản lý chất lượng hiện có, từ đó thống nhất với Ban lãnh đạo doanh nghiệp về phạm vi áp dụng và kế hoạch thực hiện.

- Hướng dẫn doanh nghiệp kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo xây dựng HTQLCL (gọi tắt là Ban ISO);

- Tổ chức Đào tạo nhận thức chung về HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO 9000;

- Hướng dẫn xây dựng, chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống tài liệu của HTQLCL;

- Hướng dẫn ban hành, áp dụng hệ thống tài liệu của HTQLCL;

- Tổ chức Đào tạo chuyên gia đánh giá nội bộ HTQLCL;

- Hướng dẫn Tiến hành đánh giá nội bộ và khắc phục, cải tiến các điểm không phù hợp sau khi đánh giá;

- Hướng dẫn tổ chức họp xem xét lãnh đạo đối với HTQLCL;

- Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đánh giá chứng nhận HTQLCL;

- Hướng dẫn duy trì và cải tiến HTQLCL sau khi được cấp giấy chứng nhận;

Về thời gian và kinh phí thực hiện: Để áp dụng HTQLCL có hiệu quả thì thời gian xây dựng và áp dụng tại các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất giấy nói riêng phải từ 6 tháng trở ra, khi đó HTQLCL mới thực sự đi vào chiều sâu của doanh nghiệp. Tuỳ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp mà mức chi phí dành cho việc xây dựng và áp dụng HTQLCL sẽ khác nhau.

- Thưa ông, hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất yếu thế trong vấn đề năng suất chất lượng. Trong thời gian vừa qua ông nhận thấy điều gì mà các doanh nghiệp này cần phải thay đổi trong bối cảnh cạnh tranh? ( Trần Hoàng - [email protected] )

Chuyên gia kinh tế - TS.Nguyễn Minh Phong:

Trong bối cảnh hiện nay và cả tương lai, cùng với xu hướng mở cửa, hội nhập và toàn cầu hóa, chắc chắn xu hướng cạnh tranh thị trường tự do và tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, thông lệ trong kinh doanh thế giới cũng sẽ ngày càng gia tăng. Để tồn tại, các doanh nghiệp cần tìm mọi cách để nâng cao năng suất, chất lượng nói riêng, sức cạnh tranh nói chung.

Từ thực tiễn đó, các doanh nghiệp Việt Nam nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hết sức quan tâm và tập trung đầu tư, tái cấu trúc cả về tổ chức, cơ chế quản lý và hợp lý hóa các yếu tố đầu vào, đầu ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Việc trước hết là cần xác định cho mình những lợi thế và triển vọng cạnh tranh, từ đó xây dựng chiến lược phát triển các sản phẩm và các hoạt động kinh doanh chủ yếu, lâu dài. Trong đó lưu ý tới triển vọng tham gia của mình vào chuỗi cung ứng thế giới với vị thế ngày càng cao hơn.

Khi đã xác định được định hướng chiến lược kinh doanh, cần tập trung các nguồn vốn, nhất là các nguồn vốn an toàn, giá rẻ vào đầu tư nâng cao năng lực công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất kinh doanh và tăng cường áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại. Cùng với đó, doanh nghiệp cần xác định và xây dựng một cơ cấu nhân sự hợp lý, với số lượng ít nhất, nhưng chất lượng cao nhất và có sự ổn định cần thiết. Tập trung những nhân lực trình độ cao nhất vào những bộ phận trọng yếu của doanh nghiệp, như bộ phận makerting - tiêu thụ hàng hóa và chăm sóc khách hàng; bộ phận nghiên cứu - đổi mới và thiết kế mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; bộ phận tài chính,...

Đặc biệt, với những doanh nghiệp chưa có các mối liên kết cả về chiều dọc, chiều ngang trong lĩnh vực kinh doanh cần chú ý có chiến lược phát triển mạng lưới đối tác và khách hàng liên kết; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp khác trong hiệp hội ngành nghề.

Vấn đề xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu và bảo vệ thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ cũng cần được quan tâm. Đối với doanh nghiệp quá nhỏ, có thể liên kết để xây dựng thương hiệu chung theo nhóm sản phẩm hoặc theo xuất xứ địa lý.

- Thưa bà, Viện Năng suất là đơn vị tư vấn năng suất chất lượng cho rất nhiều doanh nghiệp, bà đánh giá như thế nào về mức độ quan tâm của doanh nghiệp về vấn đề năng suất chất lượng? ( Vân Anh - [email protected] )

- Bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam:

Với 20 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, Viện Năng suất Việt Nam đã tư vấn cho gần 1000 doanh nghiệp của Việt Nam, qua thực tế triển khai chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm tới việc áp dụng các giải pháp quản lý, mô hình và công cụ để nâng cao năng suất và chất lượng, thông qua đó để nâng cao khả năng cạnh tranh. Đặc biệt là trong những năm gần đây do sức ép của toàn cầu hóa và hội nhập thì sự quan tâm này trở thành một nhu cầu cấp bách hơn bao giờ hết.

Từ khi chương trình quốc gia “Nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam đến năm 2020” được triển khai, nhận thức và mức độ quan tâm của doanh nghiệp tăng lên đáng kể, hầu hết các doanh nghiệp được mời tham gia mô hình điểm, nhân rộng đều nhận thấy việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng là yêu cầu tất yếu để nâng cao khả năng cạnh tranh và đáp ứng xu thế thay đổi hiện nay đặc biệt khi Việt Nam tham gia vào thị trường khu vực và toàn cầu.

- Ông đánh giá như thế nào về năng lực của đội ngũ chuyên gia và đâu là khó khăn của họ trong hoạt động tư vấn thời gian vừa qua? ( Hoàng Mai - [email protected] )

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng::

Thứ nhất, về năng lực của đội ngũ chuyên gia:

6 năm trước đây năng lực đội ngũ chuyên gia tại Việt Nam tập chung chủ yếu vào các hệ thống quản lý phổ biến trước đây cũng như một số công cụ NSCL tương đối phổ biến trên thế giới, số lương chuyên gia về NSCL là không nhiều... Do vậy, một trong những mục tiêu của chương trình NSCL là xây dựng, đào tạo một đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp về NSCL, am hiểu không chỉ các hệ thống quản lý công cụ năng suất phổ biến mà còn am hiểu, cập nhật các công cụ NSCL mới, các hệ thống quản lý mới để tư vấn giúp doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng quản lý, đưa các công cụ NSCL trong hoạt động của doanh nghiệp, vượt qua các rào cản kỹ thuật của nước ngoài mà doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải. 

Trong gần 5 năm triển khai Chương trình, đội ngũ chuyên gia đã nỗ lực nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ việc triển khai áp dụng các mô hình/hệ thống quản lý và công cụ cải tiến NSCL của Nhật Bản, Malaysia, Singapore và tranh thủ hướng dẫn từ chuyên gia APO; năng lực và kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn được nâng lên đáng kể. Bằng chứng là nhiều dự án triển khai tại doanh nghiệp được doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, đem lại những hiệu quả đáng kể cho doanh nghiệp.

Thứ hai, về khó khăn của đội ngũ chuyên gia trong hoạt động tư vấn trong thời gian qua, có thể khái quát chung thành 3 khó khăn chính như sau:

Một là, nhận thức của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp về vai trò của “năng suất chất lượng” - yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp còn chưa đầy đủ. Để làm thay đổi nhận thức của người lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp đòi hỏi người chuyên gia cần có các kỹ năng nhất định để thuyết phục người lãnh đạo doanh nghiệp tin tưởng vào sự thành công khi áp dụng các công cụ NSCL.

Hai là, đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, trang thiết bị cũ, trình độ quản lý sản xuất còn yếu nên chưa đủ điều kiện, chưa đủ quyết tâm hoặc quyết tâm chưa cao trong việc thực hiện các dự án cải tiến NSCL tại doanh nghiệp.

Ba là, nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen ghi chép số liệu hoặc có rất ít số liệu, thậm chí số liệu không tin cậy dẫn đến khó khăn cho chuyên gia tư vấn trong khâu thu thập thông tin,phân tích dữ liệu để xác định các dự án cải tiến hiệu quả.

Gửi câu hỏi
captcha
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang