Lợi ích kép từ Chương trình 712

author 06:42 01/01/2019

(VietQ.vn) - Theo ông Khương Ngọc Khải, Chương trình 712 không chỉ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho chính doanh nghiệp mà còn đem đến hiệu quả trong bảo vệ môi trường.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo ông Khương Ngọc Khải, Giám đốc Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ, năm 2017, song song với việc tiếp cận chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712), công ty cũng đã tiến hành áp dụng bộ tiêu chuẩn Vietgap vào sản xuất, chăn nuôi và được cấp chứng nhận sản phẩm chứng gà sản xuất phù hợp với quy trình thực hành chăn nuôi tốt – Vietgap tháng 10/2017.

Dù được nhận chuyển giao một quy trình chăn nuôi khép kín, bài bản nhưng khi áp dụng vào thực tế cho các cán bộ công nhân viên còn nhiều bỡ ngỡ và bất cập. Những khó khăn cũng đến từ việc các nhà xưởng, khu sản xuất chưa được ngăn nắp, chưa sắp xếp hợp lý.

“Trong khi đang loay hoay để giải quyết những sự bất cập đó, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình 712. Thông qua đơn vị tư vấn là Trung tâm Chứng nhận sự phù hợp - Quacert (Tổng cục TCĐLCL) đã hỗ trợ chúng tôi bộ tiêu chuẩn Vietgap và cách thức triển khai, thực hiện tiêu chuẩn này một cách khoa học. Từ đó, các quy trình chăn nuôi của chúng tôi đã được hệ thống hóa, thay đổi, điều chỉnh lại để phù hợp hơn với các điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Cụ thể, chúng tôi đã được các chuyên gia giúp cập nhật về các quy định, quy chuẩn của pháp luật Việt Nam trong chăn nuôi vào các quy trình, quy định của công ty. Chúng tôi đã tuân thủ và thực hiện tốt các yêu cầu có liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm như : Đánh giá rủi ro về an toàn thực phẩm và có các hành động tương ứng; Lập sổ theo dõi người ra vào nhà máy để kiểm soát an toàn vệ sinh; Xây dựng bản Tiêu chuẩn vệ sinh nhà máy sản xuất; Người lao động ký cam kết tuân thủ Tiêu chuẩn vệ sinh nhà máy sản xuất; Định kỳ phân tích chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm (kim loại nặng, kháng sinh,..) đối với trứng gà; Ghi chép đầy đủ hồ sơ điều trị gà nhiễm bệnh (loại thuốc, liều lượng, thời gian ngưng thuốc, phương pháp xử lý); Ghi nhật ký từng nhà gà và thực hiện xem xét, đánh giá kết quả chăn nuôi từng nhà sau khi bán phá đàn.

Quy định và thực hiện chế độ giao ban định kỳ và định kỳ thực hiện đánh giá nội bộ và xem xét của lãnh đạo. Hoạt động này giúp cho công ty phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đánh giá được hiện trạng, mức độ duy trì và tuân thủ tiêu chuẩn cũng như đưa ra được những khắc phục, cải tiến”, ông Khải cho hay.

 Ông Khương Ngọc Khải, Giám đốc Công ty TNHH ĐTK (Phú Thọ). Ảnh: Hán Hiển

Cũng theo ông Khải, công ty cũng đã có các biện pháp quản lý kiểm soát về xuất nhập tồn dư và sử dụng cám, hóa chất, chế phẩm: Phân khu riêng biệt và dán nhãn trên giá để hóa chất, thuốc và thức ăn; Lưu trữ và dán nhãn hóa chất thừa riêng; Ghi chép theo dõi xuất nhập tồn dư về sử dụng hóa chất; Định kỳ kiểm kê, loại bỏ hóa chất, thuốc, chế phẩm quá hạn hoặc không đảm bảo chất lượng; Lập sổ theo dõi cám xuất-nhập-tồn dư và định kỳ kiểm kê; Lưu mẫu thức ăn đã sử dụng và lưu hồ sơ liên quan.

Đồng thời, triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động tới môi trường: Thực hiện lập và xem xét đánh giá tác động môi trường; Cập nhật công nghệ xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường; Định kỳ gửi mẫu nước thải để phân tích; Lập danh mục, phân biệt chất thải nguy hại và chất thải thông thường, quy định nơi lưu giữ và định kỳ chuyển chất thải nguy hại cho đơn vị có chức năng.

Nói về lợi ích khi tham gia chương trình 712, ông Khải cho rằng bản thân doanh nghiệp đã có sự thay đổi lớn, việc áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến,… không chỉ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho chính doanh nghiệp mà còn đem đến hiệu quả trong bảo vệ môi trường và công nghệ xanh hóa cho nền nông nghiệp Việt Nam.

“Về đào tạo nhận thức, bản thân công ty đóng ở địa bàn vùng sâu vùng xa, xa trung tâm, nhân lực trong công ty chủ yếu là nguồn nhân lực xung quanh địa bàn do vậy việc đào tạo cần thời gian và công sức do nguồn nhân lực có trình độ không cao, tư duy theo lối  mòn. Khi đội ngũ quản lý đào tạo hướng dẫn nhiều lần nảy sinh tình trạng người lao động cảm thấy bị ép buộc và mang tâm lý phải làm theo.

Tuy nhiên, khi có các chuyên gia thuộc Chương trình 712 xuống đào tạo thì ý thức của người lao động thay đổi, họ nhận thức được rằng các quy định đó là đúng, không chỉ các quản lý trong công ty yêu cầu tuân thủ mà đó còn là các quy định, yêu cầu từ các cơ quan chức năng để có thể cho ra được các sản phẩm có chất lượng và họ cởi bỏ được áp lực phải làm theo.

Từ việc thay đổi về nhận thức này của người lao động, các quy định mới, kiến thức mới, phương pháp chăn nuôi mới được người lao động dễ tiếp thu hơn và do đó năng suất, chất lượng được nâng lên rõ rệt”, ông Khương Ngọc Khải chia sẻ.

Giám đốc Công ty TNHH ĐKT Phú Thọ nói thêm, các chuyên gia của chương trình và những quản lý của công ty luôn trao đổi cởi mở trên tinh thần xây dựng và do vậy nhiều kiến thức mới, quy chuẩn mới được thảo luận và ghi nhận, từ đó trình độ đội ngũ quản lý được nâng cao giúp việc đưa ra các quyết định nhanh chóng, chính xác.

Với việc hệ thống hóa và theo dõi việc xuất nhập tồn các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất: cám, vaccine, hóa chất… đã giúp công ty chủ động được các nguồn cung và giảm thiểu được các lãng phí: Chi phí lưu kho-đảm bảo tồn kho tối thiểu và khớp với các kế hoạch đặt hàng đã giúp giảm chi phí cho nhà máy; Quản lý xuất nhập tồn kho và lưu kho tối thiểu giúp tránh được các lãng phí do hết hạn hóa chất, thuốc, vaccine; Dự đoán và tránh được các thiếu hụt khi nguồn cung không ổn định.

“Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục được tham gia và nhận được hỗ trợ từ Chương trình 712 trong việc xây dựng, áp dụng Hệ thống Quản lý An toàn thực phẩm ISO 22000 cho khu vực phân loại và đóng gói trứng cũng như tiêu chuẩn Vietgap. Đồng thời, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của chương trình khi nhà máy áp dụng thêm tiêu chuẩn Global Gap –tiến tới xuất khẩu các sản phẩm của nhà máy ra thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn chương trình đi sâu hơn nữa vào các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để có thêm các sản phẩm nông nghiệp sạch đến tay người tiêu dùng”, ông Khải bày tỏ kỳ vọng.

Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ là một trong những mô hình doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao điển hình, có nhiều thành công từ khi tiếp cận Chương trình 712.

Việc ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến trong chăn nuôi gà đẻ trứng từ Nhật Bản, Mỹ, Israel cùng với áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất đã giúp công ty đã cho ra thị trường những sản phẩm trứng gà sạch mang thương hiệu Việt Nam có chất lượng cao, đảm bảo uy tín trên thị trường. Quy trình sản xuất của nhà máy được kiểm soát chặt chẽ, khép kín, tự động hóa từ khâu cung cấp thức ăn, nước uống, điều chỉnh khí hậu trong chuồng nuôi, …đến đóng gói sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

 

Hán Hiển

Từ Chương trình 712, nhiều doanh nghiệp 'vươn mình' mạnh mẽ (VietQ.vn) - Nhờ có sự hỗ trợ từ Chương trình 712, nhiều doanh nghiệp đã có giải pháp tối ưu để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang