Bác sỹ BV Bạch Mai kể về số lần nhân viên y tế phải rửa tay mỗi ngày

author 15:03 30/09/2016

(VietQ.vn) - Vệ sinh tay trong môi trường bệnh viện là biện pháp hữu hiệu trong việc phòng ngừa, kiểm soát nhiễm khuẩn, làm hạn chế nguồn lây nhiễm bệnh tật.

Đó là chia sẻ của TS Trương Thị Anh Thư - Phó Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh (Bệnh viện Bạch Mai). Bởi bàn tay nhân viên y tế là phương tiện liên kết giữa cơ thể người bệnh với môi trường bên ngoài. Bàn tay khi tiếp xúc với bất kỳ bề mặt môi trường, thiết bị hoặc vị trí nào trên cơ thể người bệnh đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật.

Do vậy, bàn tay ô nhiễm là nơi lan truyền nhiễm khuẩn bệnh viện nên vệ sinh tay sẽ loại bỏ hầu hết các vi sinh vật có mặt ở bàn tay, đồng thời làm ngăn ngừa lan truyền mầm bệnh từ người bệnh này sang người bệnh khác, từ người bệnh ra môi trường và từ người bệnh sang nhân viên y tế hoặc ngược lại. 

Vậy nhân viên y tế cần phải có cách vệ sinh ra sao để kiểm soát các nguồn lây lan bệnh tật? TS Trương Thị Anh Thư nhấn mạnh, vệ sinh tay rất quan trọng trong môi trường bệnh viện, nhân viên y tế phải tuân thủ đúng 5 thời điểm vệ sinh tay của Tổ chức Y tế thế giới, để cắt đứt đường lan truyền của vi sinh vật có trên tay.

Vệ sinh tay trong môi trường bệnh viện là biện pháp hữu hiệu trong việc phòng ngừa nhiễm khuẩn, làm hạn chế nguồn lây nhiễm bệnh tật. Ảnh minh hoạ. 

Ngoài ra, vệ sinh tay chỉ đạt được hiệu quả loại bỏ tối đa vi sinh vật khi thực hiện đúng kỹ thuật để giúp hóa chất làm sạch dàn đều trên bàn tay, kể cả những vị trí hóa chất khó ngấm tới nhất như đầu, kẽ và mu của các ngón tay. Kể cả nhân viên y tế khi mang phương tiện phòng hộ cá nhân, đặc biệt là găng tay không thay thế được vệ sinh tay.  

Theo TS Trương Thị Anh Thư, vệ sinh tay cũng cần có những nguyên tắc cụ thể: Vệ sinh tay phải được thực hiện ngay tại vị trí đang chăm sóc, điều trị người bệnh. Hoặc sau khi có nguy cơ tiếp xúc với máu/dịch cơ thể; sau mỗi khi tiếp xúc với người bệnh; sau khi tiếp xúc với bề mặt xung quanh người bệnh.

Tuân thủ đúng 5 chỉ định vệ sinh tay trong chăm sóc, điều trị người bệnh.

Tăng cường tuân thủ vệ sinh tay bằng cồn để tiết kiệm thời gian vệ sinh tay, có thể thực hiện ngay tại vị trí chăm sóc, điều trị và giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biểu hiện không mong muốn gây ra bởi hóa chất vệ sinh tay.

Rửa tay bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn khi bàn tay bị ô nhiễm vết bẩn nhìn thấy được. Khử khuẩn tay bằng dung dịch cồn khi tay không trông rõ vết bẩn, sau khi tháo găng hoặc khi thăm khám giữa các bệnh nhân. 

Để làm đúng quy trình vệ sinh tay ở nhân viên y tế phải phù hợp với từng bệnh viện, phải đúng kỹ thuật rửa tay (6 bước rửa tay Bộ Y tế đã ban hành:

Bước 1- Chà hai lòng bàn tay vào nhau;

Bước 2 - Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại;

Bước 3 - Chà hai lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào kẽ ngón;

Bước 4 - Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại;

Bước 5 - Chà ngón cái của bàn tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại;

Bước 6 - Chà đầu các ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại.

Trần Hoàng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang