Phải diệt muỗi, tiêm chủng để phòng chống bệnh truyền nhiễm

author 17:50 28/09/2016

(VietQ.vn) - “Thời điểm giao mùa khiến nhiều loại bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp; diệt muỗi, tiêm chủng là nhiệm vụ hàng đầu để phòng chống dịch bệnh,…”.

“Triệt phá đường sống của muỗi để ngăn chặn các dịch bệnh truyền nhiễm đang lây lan trên thế giới là điều mà tôi đã nhấn mạnh rất nhiều tại các diễn đàn và hôm nay, đó cũng là điều quan trọng nhất chúng ta cần quan tâm, phối hợp, để phòng ngừa các bệnh do muỗi đem lại như Zika, sốt xuất huyết, sốt rét. Trong đó, dịch Zika đã lây lan mạnh trên phạm vi 72 quốc gia và vùng lãnh thổ - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định tại Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, do Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) vừa tổ chức.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Việt Nam đang là quốc gia có số ca mắc tay chân miệng tương đối cao, chủ yếu là bệnh bạch hầu, cúm mùa, cúm gia cầm, sốt rét... Đặc biệt là các bệnh cúm như A/H1N1; H3N2, các loại cúm gia cầm như H5N1 bang đe dọa bùng phát dịch cao vào thời điểm cuối năm và có nguy cơ lây sang người.

Bộ trưởng nhấn mạnh, phun thuốc diệt muỗi chỉ là thứ yếu. Quan trọng là phải làm kiệt cạn các nguồn nước có loăng quăng, bọ gậy sinh sôi, nảy nở. Bằng mọi cách phải phổ cập tiêm chủng trên toàn quốc đối với các bệnh có vắc xin dự phòng, làm sao đạt mục tiêu đề ra trên 95%.

 Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thời điểm giao mùa khiến nhiều loại bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp. Ảnh ST

PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, Cục Y tế Dự phòng đã triển khai tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân để chủ động phòng chống dịch, chủ động tiêm vắc xin cho những loại bệnh đã có thuốc dự phòng. Đặc biệt là tăng cường giám sát phát hiện các điểm nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhân sự và trang thiết bị đã sẵn sàng để phục vụ công tác phòng dịch.

Theo đó, ông Nguyễn Trọng Khoa – Cục phó Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, mặc dù Cục đã cập nhật phác đồ mới điều trị sốt rét, trong đó có danh mục thuốc bổ sung, chỉ đạo các địa phương tăng cường báo cáo dịch bệnh, phối hợp giữa dự phòng và điều trị để khống chế, dập dịch,… nhưng một số tỉnh vẫn còn lúng túng khi gặp các ca bệnh, công tác hồi sức cấp cứu khó khăn về thuốc, dịch truyền, tiểu cầu...

Thời gian tới, Cục tiếp tục đề nghị các bệnh viện tuyến cuối hỗ trợ chuyên môn cho tuyến cơ sở qua hệ thống hội chẩn trực tuyến để kịp thời cứu chữa những ca bệnh nặng; tiếp tục mở các lớp đào tạo liên tục hồi sức cấp cứu nhiễm khuẩn, bệnh truyền nhiễm, cập nhật những chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh dịch khác.

Đối với các Sở Y tế có biên giới, những nước có dịch bạch hầu đang lưu hành cần tổ chức tập huấn lại phương pháp phát hiện sớm những loại bệnh ít gặp.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh, mặc dù kinh phí phòng chống dịch bị cắt giảm, nhưng thời gian qua, Chính phủ đã ưu tiên cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Những nỗ lực đàm phán với các nước của Bộ Y tế đã giúp giải quyết được tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Trần Hoàng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang