Phát hiện kim loại độc hại trong nhiều thực phẩm trẻ em, làm gì để giảm nguy cơ?

author 16:34 08/02/2021

(VietQ.vn) - Ủy ban Giám sát thuộc Quốc hội Mỹ cho biết đã phát hiện "hàm lượng nguy hiểm của các kim loại nặng độc hại" trong một số thực phẩm phổ biến dành cho trẻ em.

Đài CNN mới đây đưa tin, trong báo cáo vừa được công bố của Ủy ban Giám sát thuộc Quốc hội Mỹ cho thấy, đơn vị này vừa phát hiện "hàm lượng nguy hiểm của các kim loại nặng độc hại" trong một số thực phẩm phổ biến dành cho trẻ em do các công ty: Nurture Inc, Hain Celestial Group Inc, Beech-Nut Nutrition và Gerber sản xuất.

Theo Hạ nghị sĩ Raja Krishnamoorthi, Chủ tịch Tiểu ban Kinh tế và Tiêu dùng thuộc Hạ viện Mỹ: "Mức độ nguy hiểm của các kim loại độc hại như asen, chì, cadmium và thủy ngân tồn tại trong các loại thực phẩm này đã vượt mức cho phép của các chuyên gia và cơ quan quản lý".

 Nhiều thực phẩm dành cho trẻ em chứa kim loại độc hại. Ảnh: Thanh Niên

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, asen, chì, cadmium và thủy ngân nằm trong số 10 hóa chất đáng lưu tâm nhất trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ em. Tất cả kim loại nặng này đều có liên quan đến các bệnh ung thư, mãn tính, nhiễm độc và tổn thương hệ thần kinh.

Theo Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), các yếu tố độc hại này có sẵn trong môi trường và đi vào nguồn cung thực phẩm của trẻ thông qua đất, nước, không khí.

Báo cáo cũng kêu gọi giới chức Mỹ cần đưa ra mức cho phép tối đa cụ thể hơn đối với hàm lượng các kim loại nặng độc hại trong thực phẩm trẻ em, đồng thời yêu cầu các nhà sản xuất kiểm tra sản phẩm để đánh giá mức độ kim loại nặng trong thành phẩm, chứ không chỉ đơn thuần dựa trên thành phần nguyên liệu.

Cần cẩn trọng với những vật liệu thay thế nhựa (VietQ.vn) - Hiện nay, nhiều loại bao bì gắn mác nhựa sinh học, vật liệu tự phân hủy, phân hủy sinh học bày bán rộng rãi trên thị trường. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, cần cẩn trọng với những vật liệu thay thế nhựa này.

Lo ngại trước tình trạng thực phẩm nhiễm kim loại nặng độc hại, hãng tin CNN dẫn lời các chuyên gia sức khỏe đưa ra một số hướng dẫn giảm nguy cơ phơi nhiễm kim loại từ bữa ăn hàng ngày, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.

Đa dạng hóa thực phẩm

Theo Tiến sĩ Tanya Altmann, ngoài tránh mật ong, sữa động vật và những thực phẩm gây nghẹn, cha mẹ nên sớm cho trẻ ăn nhiều thực phẩm lành mạnh khác nhau, kể cả những loại gây dị ứng phổ biến (sữa, trứng, đậu phộng...).

Theo nghiên cứu của Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, nguy cơ dị ứng đậu phộng có thể giảm hơn 80% nếu trẻ được tập ăn từ 4-6 tháng tuổi.

Khuyến cáo dinh dưỡng cũng khuyên phụ huynh chỉ nên cho trẻ uống sữa tươi sau 1 tuổi, bổ sung thêm khoai tây nghiền cùng các thực phẩm dinh dưỡng khác. Ngoài giảm nguy cơ dị ứng và phơi nhiễm kim loại độc hại, đa dạng khẩu phần ăn từ sớm còn giúp trẻ khỏi "kén ăn" khi lớn lên.

Tránh nguồn chứa kim loại nặng

Đứng đầu danh sách là gạo, với nồng độ asen vô cơ cao gấp 6 lần so với các ngũ cốc như yến mạch, lúa mì. Asen là nguyên tố tự nhiên có trong đất, nước và không khí. Vì trồng ở ruộng ngập nước, cây lúa đặc biệt hấp thụ dạng độc hại nhất là asen vô cơ nhiều hơn những ngũ cốc khác. Tuy vậy, gạo trắng sau quá trình xay xát chứa ít asen hơn gạo lứt và gạo từ cây lúa hoang. Đối với bữa ăn có cơm là món chính, một mẹo nhỏ giảm 60% nồng độ asen đó là thêm nước khi đang nấu, sau đó chắt hết nước.

Chọn đồ ăn dặm dinh dưỡng

Thay vì thức ăn từ gạo, Tiến sĩ Altmann khuyên cho trẻ ăn dặm với bột yến mạch hoặc những loại ngũ cốc nguyên hạt khác như hạt kê, bo bo (lúa miến), các loại đậu... Ngoài ra, các mẹ có thể xay nhuyễn trái bơ với nhiều loại rau, đậu, cá hồi, thịt gà để tăng chất lượng bữa ăn. Khi đến tuổi mọc răng, để giúp bé giảm đau/ngứa nướu, cha mẹ nên cho bé ăn chuối đông đặc, táo, nho, dưa hấu để lạnh hay dưa leo gọt vỏ (xắt nhỏ hoặc đựng trong túi ăn dặm để tránh mắc nghẹn). Đây là cách làm giảm lượng asen, chì hoặc cadmium tồn dư trong thực phẩm.

Hạn chế nước ép trái cây

Nước ép đóng chai cũng là nguồn phơi nhiễm kim loại nặng đáng kể. Thay thế nước ép trái cây bằng nước lọc có thể giảm 68% mức độ tiếp xúc của trẻ với kim loại độc hại, theo Giám đốc HBBF Jane Houlihan. Cùng với nước ép sẵn trên thị trường, Học viện Nhi khoa Mỹ cho biết nước ép trái cây 100% cũng không có lợi cho trẻ nhỏ bởi thành phần đường tự nhiên có thể gây sâu răng. Tốt nhất, bé dưới 6 tháng chỉ nên uống sữa mẹ và sữa công thức. Trẻ lên 2 ngoài nước lọc có thể uống thêm sữa nguyên chất và một ít nước trái cây.

Lựa chọn rau củ cẩn thận

Cà rốt, khoai lang vốn là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất quan trọng nhưng cũng nằm trong danh sách thực phẩm bị ô nhiễm nhất. Lời khuyên là nên gọt vỏ cẩn thận, hạn chế cho trẻ ăn thường xuyên hai thực phẩm này. Nên thay thế bằng nhiều loại rau, vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa giảm 73% nguy cơ nhiễm kim loại nặng.

Hiện nay, nhiều người tin rằng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ là cách hiệu quả giảm nguy cơ phơi nhiễm hóa chất. Quan điểm này đúng với dư lượng thuốc trừ sâu nhưng không phải với kim loại nặng. Để kiểm soát tốt bữa ăn của trẻ nhỏ nên xay thực phẩm với khẩu phần đa dạng. Nếu trữ lạnh, chú ý để nguội và dùng hũ thủy tinh thay vì đồ nhựa.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang