Quà vặt nhãn mác không chuẩn “bủa vây” trường học

author 23:49 02/03/2014

(VietQ.vn) – Từ bim bim, ô mai đến kẹo sáo, kẹo dẻo, kẹo mút, kẹo kem… nhãn mác, nguồn gốc không rõ ràng đang “bủa vây” các trường tiểu học và trung học cơ sở.

Giá cực rẻ và mua dễ dàng

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh có con em học các trường Thành Công, Khương Thượng, Định Công, Tam Khương, Khương Mai, Nghĩa Đô,… ở địa bàn Hà Nội, gần đây xuất hiện gần khu vực trường và cổng trường nhiều người bán đủ loại từ bim bim, đến các loại kẹo bánh mầu sắc sặc sỡ, nhãn mác không đầy đủ, chất lượng không rõ ràng và giá cực rẻ.

Quà vặt không an toàn bán tràn lan

Bim bim "ống ma thuật" - một sản phẩm không đầy đủ nhãn mác bán tràn lan. Ảnh: N. N

Chỉ cần bỏ ra từ 2.000 – 3.000 đồng là các em học sinh có thể mua được một gói kẹo kem, bim bim ống ma thuật, bim bim vị cá nướng. Hoặc rẻ hơn nữa là chỉ cần 1.000 đồng, các em có thể mua được một gói popping chua chua, cay cay hương vị hoa quả hoặc kẹo sáo – cola.

Qua khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, tại khu vực cổng trường Thành Công, người bán gọi kẹo popping là “kẹo 3D”, khi trẻ nhai loại kẹo này sẽ phát ra tiếng nổ lép bép. Hay như “ống ma thuật” thực tế chỉ là một loại bim bim rẻ tiền.

Theo những người bán hàng, những loại quà vặt nói trên rất được các em học sinh ưa dùng. Vì số tiền nhỏ nên gần như các em lại càng dễ mua hơn. Trước đây, nhiều điểm bán ngoài cổng trường mọc lên nhưng sau đợt cơ quan chức năng “càn quét”, các điểm bán đó cũng thưa dần. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường có căng tin phục vụ các em học sinh, những món quà vặt không rõ nguồn gốc, chất lượng như trên bán ngay trong phạm vi trường.

Quà vặt không an toàn bán tràn lan

Quà vặt cho trẻ em nhưng hạn dùng không rõ ràng. Ảnh: N. N

Em Th. Hà – học sinh trường Định Công cho biết, thường giờ ra chơi, các em khó ra khỏi cổng trường nên mỗi khi tan trường, thường được bố mẹ mua cho hoặc xin bố mẹ mua. “Cả lớp em ai cũng thích ăn “ống ma thuật”. Có một gói mà cả chục đứa ăn cùng”, em Thúy Hà cho biết.

Còn tại khu vực trường tiểu học Khương Thượng, theo phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh, quà vặt được bán trong phạm vi sân trường và các em học sinh rất dễ mua được. Hay như đối diện với trường Trung học Cơ sở Khương Thượng, có cả khu hàng lưu nhiệm và quà bánh xuất xứ từ Trung Quốc chào mời các em.

Toàn quà vặt chất lượng không đảm bảo

Cầm trên tay một gói mầu sặc sỡ, PV không khỏi giật mình với tên gọi của sản phẩm bim bim này – “ống ma thuật”. Sản phẩm này có tên thương hiệu là “ba anh em”, do Công ty CP thực phẩm sạch HTT Hà Nội có địa chỉ ở Đắc Sở, Hoài Đức (Hà Nội) sản xuất. Trên bao bì của sản phẩm có đề hẳn cụm từ: Ngày sản xuất: (xem trên bao bì); Hạn sử dụng: 6 tháng. Tuy nhiên, “căng mắt” mà cả người bán và PV đều không biết ngày sản xuất ở chỗ nào. Điều lạ là, phần đề NSX – tạm dịch là “ngày sản xuất” của loại bim bim – “ống ma thuật” ghi cả hàng số từ số 1 đến số 31 và không biết ngày sản xuất là ngày nào. Còn một bên diềm túi đề từ tháng 1 đến tháng 12 và năm 2014, 2015. Khi ăn thử loại “ống ma thuật” đó, thấy một hiện tượng ròn đều nhưng vị rất lợm.

Mầu sắc lòe loẹt, quảng cáo "thái quá" là những đặc trưng của quà vặt cho trẻ nhỏ. Ảnh: N. N

Cũng giống như sản phẩm bim bim – “ống ma thuật”, một sản phẩm chẳng biết nên gọi là gì của Công ty TNHH Kim Ngôn ở Hoài Đức (Hà Nội) sản xuất, đề bên ngoài túi là “tinh hoa snack món ngon” và chữ “Vị miếng cá nướng”. Sản phẩm này cũng quảng cáo bên ngoài là “hương vị mới nhất Việt Nam, sản phẩm mới nhất Việt Nam”. Khi ăn thử sản phẩm này, vị mặn, ngọt, cay lẫn lộn và hơi dai. Cũng như sản phẩm nói trên, sản phẩm này ngày sản xuất và hạn sử dụng không đầy đủ và không rõ ràng.

Với sản phẩm kẹo 3D popping của Công ty TNHH MTV thực phẩm Gia Thái địa chỉ tại Lạng Giang – Bắc Giang, ngày sản xuất chẳng có, hạn sử dụng 1 năm nhưng không biết là từ năm nào. Riêng sản phẩm được gọi là kẹo Sáo, các phần gói nhỏ gắn liền với nhau thành một dây, nhưng trên đó, không có nhãn phụ tiếng Việt. Nhãn phụ và các thông tin cơ bản về sản phẩm được đính kèm trên đầu của dây kẹo nhưng hạn sử dụng và ngày sản xuất cũng không rõ ràng.

Nhiều loại quà vặt không đảm bảo nhãn mác, chất lượng bán trong và ngoài trường học. Ảnh: N. N

Trao đổi với một lãnh đạo Công ty TNHH TM Đan Anh ở TP. Hồ Chí Minh, đơn vị nhập khẩu kẹo sáo – Cola cho biết, trên đầu mỗi dây kẹo có hạn dùng của sản phẩm. Tuy nhiên, qua thực tế tìm hiểu sản phẩm, một dây kẹo dài và có tới hàng chục cái khác nhau. Nếu chỉ để nhãn mác và hạn dùng ở đầu treo của dây kẹo, khi bán những chiếc kẹo lẻ, chắc chắn hạn dùng sẽ không biết như thế nào. Ngoài ra, sản phẩm dây kẹo sáo Cola do Công ty nói trên nhập khẩu cũng không có thông tin nào về công bố, chứng nhận chất lượng ở Việt Nam.

Từ thực tế những sản phẩm kể trên, các chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm cho rằng, các bậc phụ huynh cần hạn chế tuyệt đối con em mình dùng những sản phẩm nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Những sản phẩm không ghi nhãn đầy đủ, đặc biệt là địa chỉ nơi nhập khẩu, sản xuất hoặc thành phần, chất lượng và hạn dùng… là những sản phẩm không an toàn đối với sức khỏe khi sử dụng.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang