Tiết lộ sự thật ngỡ ngàng: Nhiều đàn ông to khỏe nhưng tinh trùng... 'về mo'.

author 08:42 05/05/2016

(VietQ.vn) - Bác sỹ nói: Nhiều cánh mày râu tin tưởng mình có sức khỏe hoàn hảo, số lượng tinh trùng rất tốt nhưng... lại lâu có con, phải "bắt" tinh trùng "tạo" con

Kết quả nghiên cứu do Bệnh viện Phụ sản TW và Đại học Y Hà Nội tiến hành cho thấy, tỷ lệ vô sinh tại Việt Nam đang gia tăng. Đáng báo động là có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30.

Cụ thể, trong số 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái ở nước ta đã xác định tỉ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%, nghĩa là có từ 700.000 đến 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. 

Hiện nay, nhiều gia đình đã “cầu cứu” vào khoa học kỹ thuật hiện đại bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Cả nước hiện có 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản được Bộ Y tế cấp phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Xung quanh những băn khoăn của nhiều cặp vợ chồng về thụ tinh ống nghiệm, PV Chất lượng Việt Nam đã có buổi trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Khang Sơn, Phó trưởng bộ môn Mô – Phôi, bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Không ít “cánh mày râu” té ngửa vì tinh dùng… không có gì

- Thưa ông, tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam đang tăng cao, theo ông, nguyên nhân từ đâu?

PGS.TS. Nguyễn Khang Sơn: Tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam theo thống kê năm 2012 là 7,7 %. Con số này là khá nhiều và tỉ lệ vô sinh khác nhau tùy từng vùng miền, tùy từng đối tượng và cũng tùy từng thời điểm.

Theo xu hướng bây giờ, chúng tôi nhận thấy, tỉ lệ vô sinh có chiều hướng tăng lên. Nguyên nhân do nhiều yếu tố nhưng đặc biệt có một yếu tố rất quan trọng có lẽ là do sức ép của công việc như stress, môi trường hay do chế độ ăn uống.

Nhiều người đàn ông cao to, khi kiểm tra mới biết... không có tinh trùng. Ảnh minh họa.

Đơn cử như có nhiều trường hợp cánh mày râu tin tưởng mình có sức khỏe hoàn hảo, số lượng tinh trùng rất tốt, họ rất yên tâm về điều này, bởi họ đã từng có con. Tuy nhiên, mong muốn đẻ thêm đứa nữa lại chưa được. Khi đi kiểm tra lại, chất lượng tinh trùng giảm đến mức độ không tưởng tượng được và gần như không còn tinh trùng nữa.

Rõ ràng, các cụ ngày xưa dù nhiều tuổi nhưng họ vẫn sinh con bình thường. Còn bây giờ, tình trạng vô sinh thứ phát của nam tăng lên rất nhiều. Điều này, theo tôi nghĩ có thể căng thẳng về đầu óc, hoặc chế độ ăn, chế độ sinh hoạt chưa phù hợp dẫn đến tình trạng gia tăng trên.

- Theo một báo cáo mới đây của Bệnh viện Đại học Y, tỷ lệ vô sinh ở các gia đình chủ yếu do chồng. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

PGS.TS. Nguyễn Khang Sơn: Kể cả ở nữ, vô sinh thứ phát nhiều khi không tìm thấy nguyên nhân, nhưng tôi nghĩ là: “vô sinh không rõ nguyên nhân” là do chưa tìm được nguyên nhân, chứ cái gì cũng có ngọn nguồn hay mấu chốt vấn đề của nó. 

Như tôi đã nói, vô sinh tăng có thể có nguyên nhân từ từ stress, chế độ ăn uống, môi trường… Tuy nhiên, hiện tại, vẫn chưa có một thống kê đầy đủ để chúng ta khẳng định được điều này.

Bác sỹ rỉ tai chuyện bắt tinh trùng, “tạo” con

- Thụ tinh ống nghiệm (IVF) được coi là phương pháp điều trị hiếm muộn hiệu quả. Tuy vậy, nhiều cặp vợ chồng băn khoăn, phôi trữ lạnh có thể bảo quản được bao lâu và nếu thời gian trữ đông kéo dài, phôi có giảm chất lượng không, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Khang Sơn: Theo tôi khuyến cáo: Phôi trữ lạnh không nên để lâu quá 10 năm, các cặp vợ chồng nên sử dụng để thụ tinh trước thời hạn 10 năm, mặc dù có những tài liệu chứng minh sau 10 năm vẫn không ảnh hưởng gì.

PGS.TS. Nguyễn Khang Sơn, Phó trưởng bộ môn Mô – Phôi, bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh:P.N

- Những người phụ nữ làm IVF thường truyền tai nhau cách để dễ “đậu thai” như: nằm yên bất động trên giường sau khi chuyển phôi. Thực hư hiệu quả của cách làm này thế nào, xin ông cho biết?

PGS.TS. Nguyễn Khang Sơn: Điều này đúng nhưng không hẳn chính xác, bởi những hoạt động nhẹ nhàng là vận động sinh lý của cơ thể. Đừng làm cho cơ thể không quen với việc vận động. Tất nhiên, khi phụ nữ có thai bao giờ cũng phải giữ gìn cẩn thận, đi lại nhẹ nhàng, tránh làm việc quá sức, không vận động mạnh nhưng không có nghĩa là nằm bất động một chỗ, như vậy, sẽ không phù hợp. Do đó, hãy tuân theo sự chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc. Thay vì chúng ta nghe thấy từ những nguồn tin không chính thống.

- Để thụ tinh ống nghiệm đạt được kết quả cao nhất, ông có lời khuyên nào dành cho các ông bố, bà mẹ đang từng ngày mong mỏi đợi tin con yêu?

PGS.TS. Nguyễn Khang Sơn:  Đối với bệnh nhân, đầu tiên phải hết sức tin tưởng vào bác sĩ, đội ngũ thầy thuốc về mặt chuyên môn.

Thứ hai, phải tôn trọng và tuân theo sự chỉ định của bác sĩ, bởi có rất nhiều trường hợp đã thành công nhưng sau đó không tuân theo những chỉ định của dẫn đến bị hỏng thai hay gặp những điều đáng tiếc xảy ra. Bởi người ta cứ tưởng là “được” rồi là xong. Nhưng ở những trường hợp phải nhờ vào phương pháp hỗ trợ sinh sản, việc giữ được thành quả của mình là điều cực kì quan trọng.

Bệnh nhân không tự ý điều trị cũng không tự ý thay đổi bác sĩ này sang bác sĩ khác, người mới sẽ không nắm được hết tình trạng bệnh tình của bệnh nhân.

- Có ý kiến cho rằng, ngoài năng lực của bác sỹ, IVF thành công hay không phần nhiều dựa vào may rủi bởi có nhiều người đưa 3 phôi tốt vào tử cung của phụ nữ nhưng vẫn không đậu thai trong khi có người đưa phôi không đạt chất lượng tốt vào nhưng vẫn có tin vui. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS.TS. Nguyễn Khang Sơn: Tôi không dám nói là: Có may rủi hay không có may rủi nhưng niềm tin của bệnh nhân giúp con người ta thành công hơn.

Trường hợp phụ nữ chuyển 3 phôi không đẹp nhưng vẫn đậu thai tốt hơn những người có phôi tốt, điều này khoa học cũng chưa lý giải được hết. Vì vậy, các bác sĩ sẽ phải tăng số lượng phôi thai, thậm chí đến cả 4 phôi với hi vọng không đạt phôi này thì cũng còn phôi khác, nhưng nhiều trường hợp người ta lại được cả 4 phôi.

Để tránh phải giảm thiểu thai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từ lâu rồi không chuyển nhiều phôi nữa, chỉ tối đa 3 phôi. Chúng tôi không khuyến khích sức ép là “phải bằng mọi giá nào để có thai”, thay vì, chúng tôi chuyển phôi ít mà vẫn hi vọng được!

- Nhưng xin ông cho biết thêm: Nếu chuyển phôi ít thì tỷ lệ đậu thai sẽ ít hơn so với chuyển nhiều phôi, điều này đúng không, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Khang Sơn: Hiện tại, sau 1 năm thực hiện công việc chuyển phôi, theo báo cáo, tỷ lệ thành công tương đối tốt (73%). Tuy nhiên, chúng tôi không dám khẳng định đây là con số tuyệt đối vì hoàn toàn có thay đổi trong thời gian tới. Tuy nhiên, bước đầu như vậy đã khẳng định chuyên môn của bệnh viện tương đối chắc chắn.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Cảnh tượng kinh hoàng của ‘Thiên đường sung sướng’ Quất Lâm sau ngày nghỉ lễ

Dương Phương Ngọc


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang