Tác dụng phụ khó ngờ của dầu cá cần thận trọng khi dùng

authorNgọc Nga 11:28 17/10/2020

(VietQ.vn) - Dầu cá được coi là loại thuốc bổ vì chứa nhiều dưỡng chất quý giá, tuy nhiên theo các bác sĩ, khi sử dụng sản phẩm này cũng gây ra nhiều tác dụng phụ nếu dùng sai cách.

Dầu cá thường được chiết xuất từ cá thu, cá hồi, cá trích, cá ngừ, cá tuyết v.v… Các chế phẩm dầu cá thường chứa một lượng lớn a xít béo omega-3. Ngoài ra chúng còn có thể có vitamin E, can xi, sắt, các vitamin A, B1, B2, B3, C, hoặc D. 

Dầu cá được sử dụng cho rất nhiều bệnh. Phổ biến nhất là những bệnh liên quan tới tim mạch. Một số người sử dụng dầu cá để giảm huyết áp hoặc triglyceride (mỡ máu). Dầu cá cũng được dùng để phòng ngừa bệnh tim và đột quỵ. Bằng chứng khoa học cho thấy dầu cá thực sự làm giảm nồng độ triglyceride và có vẻ giúp phòng ngừa bệnh tim và đột quỵ khi sử dụng đúng liều khuyến nghị. Tuy nhiên, uống quá nhiều dầu cá có thể thực sự làm tăng nguy cơ đột quỵ. Mặc dù vậy, cũng giống như bất kỳ loại dưỡng chất nào, việc sử dụng dầu cá nhiều không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích. Việc dùng dầu cá quá liều có thể gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Uống quá nhiều làm tăng nguy cơ chảy máu

Uống hơn 3g dầu cá mỗi ngày có thể khiến máu khó đông và làm tăng nguy cơ chảy máu. Dầu cá liều cao cũng làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, giảm khả năng chống nhiễm trùng. Điều này đặc biệt đáng lo ngại với những người đang phải sử dụng các thuốc để giảm miễn dịch (như bệnh nhân ghép tạng) và người già.

Dầu cá rất tốt cho sức khỏe nhưng cần thận trọng khi dùng vì dễ gây ra tác dụng phụ khó lường. Ảnh minh họa 

Tăng đường huyết

Các nghiên cứu cho thấy nếu bổ sung quá nhiều axit béo omega-3 có nguy cơ làm tăng lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Thêm một nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc dùng 8g axit béo omega-3 mỗi ngày có thể dẫn đến tăng 22% lượng đường trong máu ở những bệnh nhân đái tháo đường týp 2 trong khoảng 8 tuần.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, các nhà khoa học cho rằng, tiêu thụ omega-3 liều cao có thể tăng kích thích sản xuất glucose, góp phần làm tăng hàm lượng đường huyết dài hạn. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại chứng minh chỉ khi sử dụng một liều rất cao omega-3 mới tác động đến lượng đường trong máu. Trên thực tế, tổng hợp của hơn 20 nghiên cứu cho thấy liều hàng ngày ở mức 3,9g EPA và 3,7g DHA (hai dạng chính của axit béo omega-3) không làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của những người bị đái tháo đường týp 2.

Nguy hiểm với người huyết áp thấp

Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống dầu cá có thể làm giảm huyết áp một cách hiệu quả, đặc biệt đối với những người huyết áp cao hoặc có nồng độ cholesterol cao. Công dụng này của dầu cá có lợi đối với những người có huyết áp cao nhưng sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho người vốn có huyết áp thấp.

Đã có nhiều tài liệu ghi nhận lại khả năng gây hạ huyết áp của dầu cá. Một nghiên cứu được thực hiện trên 90 người đang chạy thận cho thấy sử dụng 3g axit béo omega-3 mỗi ngày có thể làm giảm đáng kể huyết áp tâm trương lẫn huyết áp tâm thu của những người này so với nhóm sử dụng giả dược (placebo).

Dầu cá cũng có khả năng tương tác với một vài loại thuốc hạ huyết áp. Do đó, việc đầu tiên cần làm là thảo luận với bác sĩ trước khi muốn sử dụng các thực phẩm chức năng trong khi đang điều trị bệnh tăng huyết áp.

Lý do không nên sử dụng xoong, chảo chống dính đã quá cũ(VietQ.vn) - Chảo chống dính là vật dụng phổ biến trong gian bếp của nhiều gia đình tuy nhiên sau thời gian sử dụng sản phẩm này cũng có thể gây độc hại khôn lường, nhất là sản phẩm kém chất lượng.

Tiêu chảy

Tiêu chảy cũng là một trong những tác dụng phụ của dầu cá thường gặp nhất, bên cạnh các triệu chứng tiêu hóa khác như đầy hơi, đặc biệt khi dùng liều cao. Ngoài dầu cá, một vài thực phẩm bổ sung omega-3 khác cũng có lúc gây tiêu chảy. Dầu hạt lanh, một sản phẩm thay thế dầu cá phổ biến dành cho người ăn chay, cũng được chứng minh có tác dụng nhuận tràng và làm tăng tần suất đi đại tiện.

Trào ngược axit

Tuy loại thực phẩm chức năng này nổi tiếng với những công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe tim mạch nhưng lại gây ra tác dụng phụ là ợ nóng ở nhiều người dùng. Các triệu chứng trào ngược axit khác bao gồm ợ hơi, buồn nôn và cảm thấy khó chịu ở dạ dày là những tác dụng phụ thường gặp của dầu cá, phần lớn là do nồng độ chất béo quá cao. Trong một vài nghiên cứu, chất béo đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra chứng khó tiêu.

Tăng nguy cơ gây đột quỵ

Một số nghiên cứu trên động vật đã phát hiện rằng việc hấp thu liều cao axit béo omega-3 có thể làm giảm khả năng đông máu và tăng nguy cơ gây đột quỵ do xuất huyết. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại đưa ra những kết luận ngược lại. Nhiều nhà khoa học cho rằng không có mối liên quan giữa lượng cá hay dầu cá sử dụng với nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não. Do đó, cần tiến hành thêm những nghiên cứu sâu rộng trên người để xác định axit béo omega-3 có ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não.

Dùng nhiều có nguy cơ gây ngộ độc vitamin A

Một số loại thực phẩm bổ sung axit béo omega-3 có chứa nhiều vitamin A và khi dùng với lượng lớn có thể dẫn đến ngộ độc. Một muỗng canh (khoảng 14g) dầu gan cá tuyết đã đáp ứng tới 270% nhu cầu vitamin A hàng ngày trong một khẩu phần ăn.

Ngộ độc vitamin A sẽ gây ra tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, đau khớp và kích ứng da. Về lâu dài, nó cũng có thể dẫn đến tổn thương gan, thậm chí suy gan trong một vài trường hợp nghiêm trọng. Do vậy, tốt hơn hết nên chú ý đến hàm lượng vitamin A có trong sản phẩm bổ sung omega-3 và tính toán liều dùng vừa phải.

Gây mất ngủ

Có những nghiên cứu phát hiện ra rằng sử dụng dầu cá với liều lượng vừa đủ có khả năng cải thiện chất lượng giấc ngủ. Một nghiên cứu trên 395 trẻ em được uống 600mg omega-3 mỗi ngày trong vòng 16 tuần đã cho thấy chất lượng giấc ngủ của chúng tăng lên. Tuy nhiên, một vài trường hợp uống quá nhiều dầu cá lại gây cản trở giấc ngủ và góp phần gây ra bệnh mất ngủ. Việc sử dụng một liều cao dầu cá đã làm trầm trọng hơn các triệu chứng mất ngủ và lo âu ở người bệnh có tiền sử trầm cảm.

Các nghiên cứu hiện tại chỉ mới dừng lại ở từng trường hợp cụ thể và báo cáo không có chứng cứ rõ ràng theo cách khảo cứu khách quan. Trong tương lai, cần phải có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ được cơ chế mà omega-3 có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ nói chung.

Ngọc Nga (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang