Phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu người dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn

author 06:52 16/10/2020

(VietQ.vn) - Theo ghi nhận của lực lượng quản lý thị trường, hiện nay phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu xuất hiện nhiều trên thị trường người tiêu dùng nên cảnh giác

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, mới đây Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH Cơ khí Thương mại Nam Thắng tại Cụm 7 Phúc Hòa, Phúc Thọ, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh trên đang hoạt động gia công sản xuất má phanh các loại gồm: 500 chiếc xương má phanh cũ có chữ YAMAHA; 120 chiếc xương má phanh cũ có chữ YAMAHA đã tẩy má phíp; 310 chiếc xương má phanh cũ có chữ YAMAHA đã dán má phíp; 110 bộ má phanh thành phẩm có chữ YAMAHA đã đóng hộp, bên ngoài vỏ hộp thể hiện: sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí và Thương mại Nam Thắng, địa chỉ: Phúc Hòa, Phúc Thọ, Hà Nội; 3.500 chiếc vỏ hộp dùng để đóng gói má phanh.

Toàn bộ số hàng hóa trên chủ cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu YAMAHA được bảo hộ tại Việt Nam. Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Lượng lớn phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu bị phát hiện tại một cơ sở. Ảnh: Cục QLTT Hà Nội 

Trước đó, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Hà Giang tiến hành kiểm tra đối Cửa hàng sửa chữa xe máy Trường Thủy, địa chỉ tổ 15, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang do ông Nguyễn Văn Trường làm chủ.

Qua kiểm tra phát hiện cửa hàng sửa chữa có 43 phụ tùng xe máy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda gồm: 13 biểu tượng mặt nạ nhãn hiệu Honda - Dream100; 11 ống xả nhãn hiệu Honda; 19 ốp dầu lọc gió (inox) nhãn hiệu Honda.

Làm việc với lực lượng chức năng, ông Nguyễn Văn Trường - chủ cửa hàng không xuất trình được bất cứ hóa đơn chứng từ nào liên quan đến số hàng hóa nêu trên. Đội QLTT số 1 đã tiến hành tạm giữ để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Tổng Cục QLTT, hiện nay, thị trường phụ tùng xe gắn máy có rất nhiều sản phẩm làm giả, làm nhái các nhãn hiệu lớn như Honda, yamaha, FMC… đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc trong nước sản xuất và được bày bán tại một số cửa hàng sửa chữa xe máy trên toàn quốc.

Do hàng nhái chủ yếu được sản xuất bằng công nghệ thủ công và chất liệu không đạt chuẩn, nhiều loại pha trộn hợp chất kém chất lượng nên độ chính xác và tuổi thọ đều kém, nhanh hỏng và không an toàn cho người sử dụng.

Nguy cơ lây nhiễm bệnh từ găng tay y tế đã qua sử dụng được 'phù phép' thành mới (VietQ.vn) - Găng tay y tế chỉ được phép dùng một lần và không được tái sử dụng bởi dễ lây nhiễm chéo cho các bệnh nhân khác vậy nhưng, trên thực tế, thời gian qua, hàng trăm triệu găng tay y tế đã qua sử dụng đã được thu gom và tái chế.

Điều đáng nói là hàng nhái được sản suất ngày càng tinh vi và rất giống với hàng thật, kể cả nhãn mác bao bì sản phẩm. Một lí do khác khiến các loại phụ tùng này rất hiếm khi bị phát giác là đa phần khách hàng đi sửa xe thường không có kiến thức chuyên môn nên hay phó mặc cho các thợ sửa xe trong việc lựa chọn phụ tùng, linh kiện nào để thay thế.

Khi mới sử dụng phụ tùng xe máy kém chất lượng, có thể người tiêu dùng sẽ chưa nhận biết được tác hại của nó. Nhưng sau một thời gian, các linh kiện giả sẽ nhanh chóng hư hại, kéo theo độ bền của xe ngày càng giảm, hoặc ảnh hưởng các bộ phận liên quan.

Một trong số những sản phẩm được làm nhái nhiều nhất của xe máy là bộ chế hòa khí (bình xăng con). Ngoài ra, má phanh cũng là phụ tùng thường xuyên bị làm giả. Đây là chi tiết chỉ sử dụng nguyên liệu amiăng, một loại nguyên liệu có thể gây ung thư phổi. Với nhà sản xuất có uy tín, lượng amiăng luôn được điều tiết cùng với các nguyên vật liệu khác để đảm bảo đúng chỉ số an toàn khi sử dụng. Còn với má phanh giả, mỗi lần bóp phanh lượng amiăng sẽ được giải phóng đi vào không khí, khiến người sử dụng nhiễm độc amiăng từ má phanh.

Do đó, người tiêu dùng nên đến các đại lý bảo hành sửa chữa chính hãng hoặc cửa hàng uy tín khi có nhu cầu. Khi đem xe đi sửa, nên chú ý đến các thao tác của người thợ sửa xe, không nên phó mặc cho thợ sửa xe hoặc các cửa hàng mà cần phải tự kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của phụ tùng, linh kiện. Cần yêu cầu phiếu bảo hành để có cơ sở khiếu kiện khi có vấn đề.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang