Thủ khoa nhà nghèo đỗ đại học: “Không đậu cũng lo, đậu rồi còn lo hơn”

author 15:51 04/08/2014

(VietQ.vn) - Kết quả mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay có rất nhiều thủ khoa có gia cảnh khó khăn. Liệu những khó khăn về vật chất, sức khỏe có đóng lại cánh cửa khám phá tri thức nhân loại của những chàng trai, cô gái giàu nghị lực?

Chàng trai nghèo đậu thủ khoa Học viện Quân Y

Là con trai thứ 2 trong 1 gia đình nghèo, ngay từ nhỏ, Lê Nhất Linh, học sinh lớp 12 chuyên hóa, Trường THPT chuyên Lê Khiết: Lê Nhất Linh- ở thôn Kim Thạch, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) đã thể hiện là học trò chăm ngoan, học giỏi. Đam mê những môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là môn hóa học.

thủ khoa nghèo đỗ đại học

Chân dung thủ khoa nghèo Học Viện Quân Y. Ảnh minh họa

Bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014- 2015, với kết quả giải nhì quốc gia môn hóa học, Linh lần lượt cầm trên tay thư mời học và quyết định tuyển thẳng của các trường đại học nổi tiếng của cả nước  gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Y dược TP.HCM và Đại học Y dược Hà Nội. 

Thế nhưng, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nếu đi học xa thì gánh nặng sinh hoạt, học phí cha mẹ không kham nổi, nên Linh quyết định chọn thi khối A Trường Đại học Phạm Văn Đồng để tiết kiệm chi phí. Kết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học đợt 1, thấy kết quả làm bài khả quan, em đã dự định không tham gia thi Học viện Quân y bởi lý do để gia đình đỡ tốn kém. Tuy nhiên, được sự động viên, thuyết phục của gia đình, người thân, Linh lại khăn gói lên đường. Và kết quả Linh lọt vào top các thí sinh đậu Trường Đại học Phạm Văn Đồng với số điểm cao nhất 24,25 điểm (lý 6,5 điểm; toán 8 điểm, hóa 9,75 điểm- làm tròn thành 24,5 điểm). Tại Học viện Quân y Hà Nội, Linh đạt 27 điểm (toán 8, hóa 9,25 và sinh 9,75 điểm). Linh là một trong 2 thí sinh đậu thủ khoa của Học viện ở hệ quân sự miền Nam.

Linh cho biết, sắp tới em sẽ học ở Học viện Quân y Hà Nội, vì cha mẹ  sẽ khỏi phải lo đóng học phí cho em; đồng thời học ở đây sẽ giúp em thực hiện được ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người.     

Nghị lực của cô thủ khoa nghèo ĐH Luật Hà Nội

Từ khi biết tin em Lê Thị Thoa (học sinh lớp chuyên Sử Địa, Trường THPT Chuyên Biên Hòa, Hà Nam) đậu thủ khoa khối C Trường ĐH Luật Hà Nội, người dân ở xóm 2 (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) cũng vui lây với cô học trò nhà nghèo chăm ngoan, học giỏi và giàu nghị lực vượt khó. Thoa đạt tổng 26,5 điểm (làm tròn) trong đó Văn và Địa đều 9 điểm; Sử 8,25 điểm.

thủ khoa nghèo đỗ đại học

Tâm sự thủ khoa đỗ đại học Luật: "Con không đậu cũng lo, đậu rồi càng lo hơn". Ảnh tienphong

Trong những năm học cấp 3, cứ cuối tuần Thoa lại đạp xe hơn 20km về nhà, vào ngày mùa thì giúp bố mẹ thu hoạch ngô, sắn. Cũng trong 3 năm học mỗi tuần Thoa chỉ xin bố mẹ đúng 50 nghìn tiền ăn uống, bữa cơm của cô học trò nghèo chủ yếu chỉ là ít rau với ít lạc mang từ nhà đi. Khó khăn đủ đường, nhưng chưa bao giờ em nghĩ sẽ chùn bước trên con đường học tập. 

Sau 12 năm đèn sách, giấc mơ tiến đến giảng đường đại học của Thoa đã thành hiện thực. Nhưng với hoàn cảnh gia đình khó khăn không biết rồi đây cô thủ khoa khối C Đại học Luật Hà Nội có đủ sức bước tiếp trên con đường đã chọn...

Ông bà nghèo nuôi anh em song sinh thành thủ khoa đại học

Căn nhà của hai thủ khoa nằm nép mình trong ngõ nhỏ, tường rêu phong cũ kỹ ở thôn Lưu Đông, xã Phú Túc. Hơn 30 năm qua, chỗ ở vỏn vẹn 20 m2 này chẳng thay đổi gì ngoài đôi cánh cửa sổ thay năm 2008 vì quá mục nát. Bao nhiêu của cải, tâm sức, ông Nguyễn Ngọc Giao và bà Tạ Thị Tân dồn hết vào nuôi các cháu ăn học.

thủ khoa nghèo đỗ đại học Căn nhà nghèo nuôi dưỡng hai thủ khoa song sinh. Ảnh Hoàng Phương

Cha mất sớm, mẹ bươn chải làm ăn xa, hai anh em song sinh đã không phụ tình yêu thương của ông bà nội khi Nguyễn Ngọc Hòa trở thành thủ khoa Đại học Kiến trúc Hà Nội với 26 điểm (Toán: 8,75; Lý 8; Hóa: 9) và Nguyễn Phương Nam đạt 27,5 điểm (Toán: 9; Lý: 9; Hóa: 9,5) đạt thủ khoa Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Ông Giao cho biết, hai anh em biết được điểm thi là do bạn học cùng lớp báo chứ nhà cũng không có máy tính để xem. Biết các cháu học khá nhưng ông chỉ mong Hòa và Nam đỗ đại học, không ngờ hai anh em lại giành ngôi vị thủ khoa.

Từ khi nghỉ hưu ở nhà chăm cháu, vợ chồng ông Giao thường đan giỏ tôm mang đi bán để kiếm thêm thu nhập. Mấy năm nay sức yếu nên ông bà nghỉ hẳn. Tiền cho các cháu đi học chủ yếu dựa vào số lương hưu và tiền con dâu đi làm xa gửi về cùng các con gái phụ giúp một ít. "Anh em nó đi học thêm, các thầy cô giáo ở trường cũng không lấy tiền", ông Giao cho hay. Trong xóm, hai đứa trẻ nổi tiếng ngoan ngoãn, được xóm giềng thương yêu.

"Em có hai ước mơ cùng song hành. Nếu đi học Kiến trúc thì sẽ trở thành một kiến trúc sư thật giỏi, thiết kế cho ông bà một ngôi nhà nhỏ thôi nhưng đẹp hơn nhà bây giờ. Nếu đậu cả hai trường thì em chọn học ngành y vì gia đình nên có một bác sĩ", Hòa rụt rè nói.

Sâu thẳm trong chàng trai 18 tuổi là mong ước được chăm lo sức khỏe cho cả nhà. Bố em mất vì ung thư lúc hai anh em học lớp 9. Mẹ em từ đó mà càng phải bươn chải, lao lực để kiếm tiền nuôi con.

Chị Trần Thị Cốm, mẹ của hai thủ khoa, tâm sự cũng muốn gần gũi, chăm sóc, dõi theo từng bước con lớn lên, nhưng vì mưu sinh nên đành phải xa cách. Kỳ thi đại học, chị tranh thủ về xong lại đi ngay. Biết tin hai con đậu thủ khoa đại học, lòng người mẹ nửa mừng nửa lo. Mừng vì hai anh em không phụ công giáo dưỡng của ông bà, không phụ kỳ vọng của mẹ cha. Lo vì sắp tới đi học, gánh trên vai sẽ còn đè nặng hơn.

Nữ thủ khoa “bé hạt tiêu” của ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội

thủ khoa nghèo đỗ đại học

Thủ khoa "hạt tiêu" thi đại học đạt điểm khủng. Ảnh NVCC

Với số điểm Toán 9; Lý 8,75 và Hóa 8,5, Hồng Thị Hương, học sinh THPT Thanh Chương 3 (Nghệ An) trở thành tân thủ khoa, Khoa y dược Đại học Quốc gia Hà Nội. Xen lẫn niềm vui từ lời chúc của hàng xóm, bạn bè, Hươngtỏ ra lo lắng về chặng đường phía trước. “Lo nhất là bố mẹ không đủ sức trang trải cho 5 năm học tập của mình, thứ nữa là sức khỏe bản thân không đáp ứng được áp lực học tập...”, nữ thủ khoa có cân nặng 35 kg tâm sự.

Chia sẻ về bí quyết học tập đạt kết quả cao, nữ thủ khoa nhỏ thó này cho rằng mọi kết quả học tập đều là sự cố gắng của bản thân. Kinh tế gia đình khó khăn, Hương cũng không có điều kiện mua nhiều sách nâng cao mà phần lớn tranh thủ mượn thầy cô và bạn bè và lên mạng tìm tài liệu.

Hương cho hay em chỉ mong hoàn thành chặng đường đại học để khỏi phụ công sức bố mẹ và ra trường có việc làm ổn định. “Em ước khi học xong sẽ được làm việc tại thành phố Đà Nẵng vì qua tìm hiểu và thông tin thì em thấy Đà Nẵng là thành phố phát triển về mọi mặt, con người thân thiện”, tân thủ khoa khoa y dược Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Nguyễn Huyền (tổng hợp)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang