Tọa đàm trực tuyến: Giải pháp thúc đẩy năng suất chất lượng hàng hóa chủ lực địa phương

author 09:06 17/01/2019

(VietQ.vn) - Vào lúc 9h 30phút sáng (17/1), Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề "Giải pháp thúc đẩy năng suất chất lượng đối với hàng hóa chủ lực địa phương".

Sự kiện: Giao lưu trực tuyến

Ông Trần Văn Dư - Tổng Biên tập tặng hoa cho ông Chu Thúc Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương – Bộ KH&CN tham gia chương trình Tọa đàm trực tuyến

Phát triển hàng hóa chủ lực là một trong những chiến lược trọng điểm của các địa phương để phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong môi trường kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng. Trên thực tế, rất nhiều địa phương đã và đang thành công trong việc định hướng chiến lược cho sản phẩm, hàng hóa chủ lực và đã gặt hái được những kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, việc việc định hướng chiến lược, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng cùng với chiến lược phát triển thị trường đối với sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương vẫn đang là vấn đề cần nhiều giải pháp để thúc đẩy.

Chất lượng Việt Nam online tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến: “Giải pháp thúc đẩy năng suất chất lượng đối với hàng hóa chủ lực địa phương”.

Tham dự chương trình có sự tham gia của những khách mời:

- Ông Chu Thúc Đạt– Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương – Bộ KH&CN

- Ông Nguyễn Phúc Thương – Phó Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang

- Ông Đoàn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần May Nam Hà

 Ông Trần Văn Dư - Tổng Biên tập tặng hoa cho ông Đoàn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần May Nam Hà tham gia chương trình Tọa đàm trực tuyến

Chương trình định hướng xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn cơ sở cho các nhóm sản phẩm, hàng hóa chủ lực, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng tại các doanh nghiệp ở địa phương. Đồng thời, tuyên truyền các chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp về nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá chủ lực. Đề xuất giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Chia sẻ các bài học kinh nghiệm thành công của doanh nghiệp sản xuất hàng hoá chủ lực trong việc xây dựng hình ảnh và tạo niềm tin với người tiêu dùng.

MC: Việt Hà dẫn chương trình

MC: Thưa ông Chu Thúc Đạt, qua clip vừa rồi ông đánh giá như thế nào về tác động của Chương trình 712 đến sản phẩm hàng hóa chủ lực tại các địa phương?

Trong các ngành sản xuất hiện hiện nay, có những ngành đã được Việt Nam xác định là ngành trọng yếu với những sản phẩm chủ lực, có lợi thế phát triển với nhiều tiềm năng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, việc tập trung các giải pháp để nâng cao năng suất chất lượng các ngành, các sản phẩm chủ lực của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung hết sức quan trọng.

Đặc biệt, đối với những sản phẩm chủ lực thuộc top đầu như nông sản, hàng thực phẩm thì việc chuẩn hóa, đầu tư các quy trình kỹ thuật, các ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm là điều cần phải chú ý và là ưu tiên của các cơ quan liên quan, trong đó có Bộ KH&CN với các đơn vị chức năng.

Theo tôi, bên cạnh việc nâng cao năng suất, hiện nay vấn đề nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm phải là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Bởi vì trong thời điểm hiện nay thị trường có yêu cầu càng cao về chất lượng, số lượng hàng hóa chưa hẳn đã cần nhiều nhưng nếu có những đầu tư đúng hướng thì giá trị có thể mang lại gấp nhiều lần. Với một số lượng dù sản phẩm ít hơn một chút nhưng chất lượng cao hơn thì giá cả sẽ cao hơn, giá trị thu lại nhiều hơn.

Như đã nói ở trên, có hai việc cần làm trong phát triển sản phẩm chủ lực là nâng cao năng suất và chất lượng, giá trị của các sản phẩm này. Về yêu cầu này, tôi đánh giá Chương trình 712 do Bộ KH&CN chủ trì triển khai là chương trình đáp ứng được song song cả hai yếu tố đã nêu.

Trải qua 8 năm triển khai, Chương trình 712 cũng đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp tiếp cận với các giải pháp nâng cao năng suất, ứng dụng, chuyển giao vận hành các công nghệ mới vào sản xuất. Việc này đã đóng vai trò tích cực trong việc phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, thay đổi nhận thức của những người làm sản xuất, doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng sản phẩm, đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao từ thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

MC: Thưa ông Đoàn Tiến Dũng, được xem là mặt hàng chủ lực của tỉnh Nam Định, Công ty May Nam Hà đã có chiến lược như thế nào trong việc thúc đẩy năng lực để đóng góp cho kinh tế địa phương?

Tỉnh Nam định được biết đến trước đây là phát triển ngành dệt, những năm gần đây, khi mở cửa, đặc biệt khi Việt Nam tham gia WTO, ngành may được xác định là ngành mũi nhọn, chiếm tỉ trọng hơn 80% xuất khẩu của tỉnh. Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, ngành may chiếm vị trí quan trọn với tỉnh Nam Định.

Công ty May Nam Hà là công ty dệt may của tỉnh, chiến lược phát triển của doanh nghiệp (DN) là có thể sản xuất các mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao. Mặc dù trong dệt may có nhiều dòng sản phẩm nhưng mỗi DN phải chọn được chiến lược phát triển hợp lý và phát huy thế mạnh của DN cũng như những giá rị cốt lõi Công ty May Nam Hà phát triển sản phẩm quần áo bơi và tập trung vào thị trường Mỹ với khả năng cạnh tranh ngày càng cao. Mỗi năm chúng tôi xuất vào thị trường khoảng 4 triệu sản phẩm. Nếu tính thị phần của xuất khẩu quần áo bơi trên phạm vi toàn quốc, Công ty may Nam Hà chiếm khoảng 10% thị phần Việt Nam sang Mỹ.

Chỉ chuyên nghiệp mới tạo khả năng cao, chuyên sâu mới có chiến lược và khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường. Trong tổng thể ngành dệt may Nam Định có hàng nghìn DN nhưng mỗi DN có một thế mạnh, mỗi DN có một hướng đi riêng. Điều đó tạo thế mạnh riêng của DN cũng như địa phương.

MC: Thưa ông Chu Thúc Đạt, với vai trò làm đầu mối hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ở địa phương xây dựng các đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN đáp ứng nhu cầu cấp thiết của địa phương. Bộ KH&CN có những kế hoạch gì để công tác này đạt hiệu quả?

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, thời gian qua, Bộ KH&CN đã có nhiều chương trình hành động hướng tới mục tiêu đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giúp các doanh nghiệp, địa phương nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Ngoài Chương trình 712, Bộ KH&CN còn đang triển khai hàng loạt các chương trình hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ cho các địa phương, doanh nghiệp đặc biệt là Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (gọi tắt là Chương trình 68), Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025…

 Ông Chu Thúc Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương – Bộ KH&CN

Đối với các chương trình kể trên, Bộ KH&CN đều có các kế hoạch triển khai, hướng dẫn cụ thể cho từng các địa phương với những điều kiện và sản phẩm chủ lực riêng biệt. Và để các chương trình được triển khai có hiệu quả, Bộ KH&CN cũng dựa trên những đề xuất từ phía nội tại doanh nghiệp địa phương để xem họ cần hỗ trợ những gì. Tiếp đến, Bộ sẽ báo cáo lên Trung ương, phối hợp cùng các Bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan để triển khai. Cũng từ đó, hình thành các công việc cụ thể, xác định các ưu tiên chuyển giao, hỗ trợ phát triển công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế của địa phương.

MC: Thưa ông Đoàn Tiến Dũng, việc nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm hàng hóa đã được các ngành và địa phương rất quan tâm thực hiện. Vậy ông có thể cho biết một số giải pháp trong việc nâng cao NSCL các sản phẩm chủ lực của tỉnh Nam Định được thực hiện như thế nào? Doanh nghiệp May Nam Hà đã đạt được những lợi ích gì từ những giải pháp này?

Với tỉnh Nam Định nói chung, Công ty may Nam Hà nói riêng, khi thực hiện Chương trình 712 có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh của DN. Tùy đặc thù của từng địa phương và DN sẽ có những cách lựa chọn để tiến hành chương trình thích hợp.

Công ty May Nam Hà tham gia Chương trình 712 ngay từ đầu, đến đã được 8 năm chúng tôi tham gia. 8 năm, đó là quá trình làm thay đổi trước hết nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, sau nữa là toàn thể cán bộ nhân viên của Công ty. Mỗi sự thay đổi trong quốc gia, địa phương, DN bao giờ cũng bắt đầu từ sự thay đổi đó, sau đó là sự thay đổi trong hành động và cuối cùng là kết quả.

Chương trình 712 đã mang lại tác động tích cực với tỉnh Nam Định nói chung, Công ty May Nam Hà nói riêng. Kết quả ấn tượng đó được thể hiện ở việc năng suất lao động tăng bình quân 15% trong 8 năm. Theo tôi, đó là một con số ấn tượng. Đặc biệt những năm đầu tiên khi thực hiện các dự án về 5S, Xây dựng hệ thống chất lượng ISO theo tiêu chuẩn quốc tế… làm cho quá trình sản xuất mang tính chất thủ công có sự thay đổi tích cực. Đời sống của con người ở Việt Nam cũng như trên thế giới ngày càng nâng lên, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang, nhất là khi chúng ta tham gia sâu thị trường tế giới, cung cấp sản phẩm cho các nước phát triển.

Tham gia Chương trình 712, năng suất chất lượng sản của Công ty May Nam Hà có sự thay đổi lớn. Khách hàng khi nói tới chất lượng của Công ty May Nam Hà rất yên tâm và có ấn tượng tốt. Có 6 năm liền Công ty chúng tôi đạt Sản phẩm chất lượng Quốc gia. Những kết quả đó rất tượng và có ý nghĩa.

 MC Việt Hà đang trao đổi với các vị khách mời trong chương trình Tọa đàm trực tuyến

MC: Thưa ông Chu Thúc Đạt, hiện nay việc khai thác lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng, từng địa phương để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa là các sản phẩm chủ lực đang rất được các địa phương rất chú trọng. Vậy theo ông cần phải làm gì để thúc đẩy hoạt động này một cách hiệu quả?

Đây là một câu hỏi vĩ mô đồng thời là những mong muốn, trăn trở của các cấp lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Bộ KH&CN cũng như các nhà sản xuất, các doanh nghiệp trong việc tìm giải pháp để phát triển sản phẩm chủ lực dựa theo lợi thế riêng biệt của từng địa phương, từng doanh nghiệp.

Dưới góc độ của một người làm KH&CN, theo tôi, thời gian tới, để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa là các sản phẩm chủ lực, cần đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ trực tiếp phục vụ quá trình sản xuất.

Hai là cần áp dụng công cụ thông minh, các công cụ đơn giản, dễ thực hiện nhưng phải mang lại hiệu quả cao nhất. Điều này đòi hỏi những người làm công tác quản lý phải biết tích lũy kinh nghiệm từ thành công từ các chương trình trước đây (ví dụ như 712) để áp dụng cho những địa phương, những sản phẩm chủ lực.

Ba là chúng ta phải quan tâm tới việc áp dụng các tiêu chuẩn mới, hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Bốn là, lâu nay chúng ta thường quá quan tâm tới sản lượng mà sao nhãng đi việc nâng cao giá trị cho sản phẩm. Giai đoạn tới, chúng ta nên chuyển hướng sang nâng cao giá trị, chất lượng, đa dạng sản phẩm hàng hóa, làm tốt công tác xây dựng, bảo hộ tài sản trí tuệ, nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi trên thị trường.

Năm là, tiếp cận, mở rộng phân phối tiêu thụ, đơn giản hóa, thu hẹp các khâu trung gian để đạt tới giá trị cuối cùng của sản phẩm cao hơn. Đối với các sản phẩm này, theo tôi cần phải thực hiện đồng bộ mới đem lại hiệu quả cao.

MC: Thưa ông Đoàn Tiến Dũng, những năm gần đây các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường như thế nào để tăng trưởng và phát triển?

Việc đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường với các DN, tôi cho rằng đó là việc thường xuyên. Những năm gần đây với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, các DN trên địa bàn tỉnh Nam Định nói chung cũng như Công ty May Nam Hà nói riêng phải cập nhật được những sự phát triển đó cả về khoa học công nghệ và máy móc.

Chúng tôi đã đầu tư những máy móc, quy trình công nghệ ngày càng hiện đại tương ứng sự phát triển chung của thế giới. Bên cạnh đó, để giải được bài toán công nghệ và quản trị cũng như sự quản lý thì chúng ta mới giải được bài toán một bên là con người, một bên là công nghệ.

Sự thay đổi đó cũng làm tăng khả năng cạnh tranh của DN ngày một cao hơn, thị trường được mở rộng. Tốc độ phát triển của Nam Hà trong những năm qua đã chứng minh điều đó. Doanh thu ngành hàng cũng có tốc độ phát triển rất khả quan. Tiêu chuẩn của các nước xuất khẩu, bản thân cá nhà nhập khẩu, họ là những đơn vị đi trước ta rất nhiều vì thế tiêu chuẩn ngày càng nâng lên. Yêu cầu chất lượng và đáp ứng của chúng ta cũng phải ngày càng nâng cao để đáp ứng. Những tiêu chuẩn nếu đáp ứng được thì khả năng tồn tại của DN nói riêng cũng như ngành kinh tế địa phương nói chung sẽ mang tính ổn định, bền vững.

MC: Thưa ông Chu Thúc Đạt, xin ông cho biết sự phối hợp, lồng ghép các Chương trình KHCN khác với Chương trình Quốc gia nâng cao năng suất chất lượng? Giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động này được Bộ KH&CN quan tâm như thế nào?

Đối với việc phối hợp, lồng ghép các Chương trình KHCN khác với Chương trình 712, thời gian qua, Lãnh đạo Bộ KH&CN cũng đã liên tục quán triệt sâu sắc về vấn đề này. Bên cạnh 712, Bộ KH&CN cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, như tôi đã nhắc ở trên là Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (gọi tắt là Chương trình 68), Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025…

Ông Đoàn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần May Nam Hà 

Tôi đánh giá việc thực hiện lồng ghép các chương trình sẽ nâng cao hiệu quả trong hoạt động giúp đỡ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều kênh hỗ trợ để phát triển hoạt động sản xuất của mình. Suy cho cùng, tất cả các nhiệm vụ đều hướng tới cái đích là sản phẩm có giá trị cao nhất, doanh nghiệp địa phương đạt kết quả sản xuất cao nhất.

Trong các chương trình trên thì tôi đánh giá rất cao chương trình 712 với sự đi sâu vào các công cụ cải tiến, hệ thống quản lý tiên tiến, các quy trình quản lý, đi sâu từ nội bộ doanh nghiệp để tìm ra những chìa khóa để nâng cao năng suất chất lượng.

Cũng trong thời gian tới, tôi kỳ vọng các chương trình nêu trên sẽ được triển khai tốt hơn, các quy trình chuẩn hóa, ứng dụng KH&CN có hiệu quả hơn.

Chúng ta phải làm tốt các khâu từ nguyên liệu, chế biến, sản xuất, tới phân phối, xây dựng, quảng bá nhãn hiệu sản phẩm trên thị trường. Từ đó, giá trị sản phẩm mới ngày càng được nâng cao.

MC: Thưa ông Đoàn Tiến Dũng, ngành dệt may không chỉ là sản phẩm chủ lực của địa phương mà còn là sản phẩm chủ lực quốc gia, Công ty May Nam Hà đã có vai trò như thế nào trong việc phát triển mặt hành chủ lực này?

Đối với mặt hàng chủ lực của quốc gia và địa phương, ngoài việc phát triển năng suất thì giải bài toán chất lượng sẽ rất hiệu quả. Vì xét cho cùng, khả năng cạnh tranh của quốc gia cũng như các DN là mang lại giá trị gia tăng cao. Khi DN định vị được dòng sản phẩm cũng như nâng cao chất lượng thì giá trị mang lại là rất lớn. Chúng ta thường nghe thông tin như sản phẩm dưa của Nhật Bản, thịt bò cube… so với các sản phẩm bình thường của các nước có khoảng cách rất lớn. Với quốc gia, địa phương, DN phải định vị và tạo ra được sự khác biệt, có hệ thống tiêu chuẩn cao. Tức phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe nhất của thị trường, hay tạo ra văn hóa chất lượng của quốc gia, địa phương, DN để các sản phẩm ra thị trường sẽ tạo sự tin cậy của người tiêu dùng. Điều đó rất quan trọng với quốc gia, địa phươn, DN.

Vậy ông có đề xuất gì để tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời gian tới?

Đó là câu hỏi tôi cho rằng rất hay nhưng cũng là trăn trở của nhiều DN. Theo quan điểm cá nhân của tôi, động lực phát triển bao giờ cũng nằm trong mỗi tự thân. Bản thân các DN phải tạo động lực vì DN tham gia thị trường, chủ động được quá trình đó. Động lực ở chính DN, ở khát vọng của DN để DN cống hiến, mang sản phẩm ra thị trường.

Có một câu nói: “DN kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội”, tức động lực từ chính bản thân DN. Nhưng theo tôi, những tác động từ bên ngoài như cơ chế chính sách Nhà nước cũng rất quan trọng. Một lợi thế nữa, theo tôi là sự thay đổi nhanh chóng của môi trường khi chúng ta tham gia hội nhập quốc tế. Nếu kết hợp được những gì từ bên trong, cộng với hiệu ứng từ cơ quan quản lý Nhà nước với các chương trình Chính phủ sẽ tạo động lực cho các DN phát triển, thúc đẩy tăng năng suất chất lượng.

MC: Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia vào chương trình Tọa đàm của chúng tôi!

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang