Tiếp tục tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng

author 19:52 22/12/2018

(VietQ.vn) - Qua hơn 8 năm triển khai, Chương trình 712 được đánh giá đã tác động tới từng doanh nghiệp tham gia, góp phần phát triển kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Chương trình "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" (Chương trình 712) giúp doanh nghiệp được tiếp cận các hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế (ISO 9.000, ISO 14.000, ISO 5001, ISO 22000) và hệ thống các công cụ cải tiến cơ bản như TPM, 5S, Lean, Lean 6 Sixma, KPIs, MFCA, LSS…

Hàng nghìn doanh nghiệp được tiếp cận, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến và các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng nhờ tham gia Chương trình 712.

Theo bà Vũ Hồng Dân, Chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam, Chương trình 712 triển khai hơn 8 năm qua đã có hơn 5.000 doanh nghiệp được hỗ trợ tiếp cận hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và các công cụ cải tiến năng suất.

Nhờ vậy doanh nghiệp giảm các sai lỗi và nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

 
Chương trình "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" (Chương trình 712) Chính phủ phê duyệt từ năm 2010, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan chủ trì thực hiện.
 

Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, qua thời gian triển khai Chương trình bộc lộ nhiều khó khăn. Trong đó tiến độ xây dựng, phê duyệt dự án năng suất chất lượng ngành, địa phương còn chậm. Nhiều dự án quy mô còn quá nhỏ chưa thực sự tương xứng với quy mô của dự án thuộc Chương trình quốc gia.

Bên cạnh đó, trách nhiệm triển khai thực hiện dự án năng suất chất lượng trong nhiều trường hợp phó mặc cho các cơ quan khoa học và công nghệ, chưa có sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành khác, do đó việc thực hiện, lồng ghép các nhiệm vụ thuộc dự án với các chương trình, dự án khác đang triển khai còn hạn chế.

Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của năng suất chất lượng và chưa tin tưởng áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Các dự án hầu hết sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học, chưa huy động được các nguồn kinh phí khác, vốn đối ứng của doanh nghiệp tham gia dự án còn hạn chế.

Vì vậy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiến nghị Chính phủ tiếp tục khởi xướng, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng các mô hình, phương pháp và công cụ quản lý, đổi mới công nghệ... tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhằm phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đầy đủ cho tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội, hài hòa với tiêu chuẩn quôc tế làm cơ sở hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng, đến nay đã có gần 20.000 TCVN được công bố, riêng trong năm 2018 có khoảng 800 TCVN. Từ khi các tiêu chuẩn được ban hành, việc quản lý, giám sát, kiểm tra chất lượng của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn, doanh nghiệp có thể tự kiểm soát được quy trình sản xuất. Việc ban hành tiêu chuẩn quản lý chất lượng cũng giúp cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tự khẳng định được mình.

Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng đúng quy định trong sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp giảm được rủi ro lỗi sản phẩm hoặc sản phẩm bị thu hồi. Bên cạnh đó, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng vào sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng cơ hội lưu thông trên thị trường quốc tế.

Khó khăn của các doanh nghiệp khi áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng(VietQ.vn) - Đem lại những lợi ích đáng kể, song việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng không phải là điều dễ dàng.

Uyên Chi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang