Mỹ tuyên bố thừa sức khiến tên lửa Trung Quốc ‘ngậm đắng’ ở Biển Đông

author 15:47 18/02/2016

(VietQ.vn) - Phản ứng trước tin Trung Quốc điều động tên lửa HQ-9 tới Biển Đông, giới chức Mỹ tuyên bố nước này đủ khả năng đối phó với hệ thống vũ khí này.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Zing News, các quan chức Mỹ khẳng định việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam không ảnh hưởng tới các chuyến tuần tra Biển Đông do Washington tiến hành.

Giới chức các nước đều cho rằng việc Trung Quốc điều tên lửa ra Hoàng Sa sẽ đẩy tình hình Biển Đông đến đỉnh điểm căng thẳng

Giới chức các nước đều cho rằng việc Trung Quốc điều tên lửa ra Hoàng Sa sẽ đẩy tình hình Biển Đông đến đỉnh điểm căng thẳng. Ảnh headinepolitics.com

“Chúng tôi có năng lực đối phó loại tên lửa không đối không của Trung Quốc”, một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay vào ngày 17/2. Trong khi đó, một quan chức khác của Mỹ nói, Washington sẽ tiếp tục duy trì luật pháp quốc tế và củng cố trật tự tại Biển Đông. “Điều đó sẽ không thay đổi”, quan chức này nhấn mạnh.

Trước đó, các ảnh vệ tinh trên do hãng ImageSat International (ISI) chụp, cho thấy 8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng với một hệ thống radar đã được Trung Quốc triển khai trái phép đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 14/2. Các quan chức Mỹ và Đài Loan đều lên tiếng xác nhận sự việc.

Tên lửa của Trung Quốc điều ra là hệ thống phòng không HQ-9, gần giống với hệ thống tên lửa S-300 của Nga. HQ-9 có phạm vi hoạt động khoảng 200km, tạo ra mối đe doạ với mọi loại máy bay, dù là dân sự hay quân sự, hoạt động gần đó. Các chuyên gia phân tích cho rằng, HQ-9 là hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến nhất được triển khai tới một đảo ở Biển Đông.

Ngay sau đó, giới chức nhiều nước như Mỹ, Australia, Nhật, EU đều đồng tình rằng, việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam làm phức tạp tình hình Biển Đông. Cụ thể Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 18/2 lên án Trung Quốc “quân sự hóa” Biển Đông bằng việc triển khai tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

“Có mọi bằng chứng mỗi ngày rằng có sự gia tăng quân sự hóa theo cách này hay cách khác. Đó là một điều vô cùng đáng lo ngại”, ông Kerry nói với các phóng viên. Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi đã có những cuộc đàm thoại với Trung Quốc và tôi tin tưởng rằng, trong những ngày tới chúng tôi sẽ có những cuộc thảo luận rất nghiêm túc về vấn đề này”.

Bãi biển đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam trống trơn hôm 3/2 (phải) và tràn ngập bệ phóng tên lửa hôm 14/2 (trái)

Bãi biển đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam trống trơn hôm 3/2 (phải) và tràn ngập bệ phóng tên lửa hôm 14/2 (trái). Ảnh  ImageSat International

Liên quan đến vấn đề này, Bill Urban, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, nói rằng, cơ quan này lo ngại trước động thái mới nhất của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm. Trong khi Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, nhận định động thái này đi ngược lại cam kết không quân sự hóa khu vực của Bắc Kinh. "Nó là dấu hiệu rõ ràng về hành động quân sự hoá", ông Harry nói.

Đáng chú ý, hình ảnh về hệ thống phòng không mà Bắc Kinh điều tới Phú Lâm xuất hiện khoảng một tháng sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố nước này “sẽ không quân sự hóa” Biển Đông. Theo đó hôm 17/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng cáo buộc các phương tiện truyền thông thổi phồng vụ nước này triển khai tên lửa tới đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, báo Người Lao Động đưa tin.

“Chúng tôi tin rằng đây chỉ là một câu chuyện (bịa đặt) của truyền thông phương Tây” – ông Vương nói sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Australia Julie Bishop. Rõ ràng là, Ngoại trưởng Trung Quốc đang lặp lại luận điệu quen thuộc rằng mọi hành động của nước này ở biển Đông đều nhằm phục vụ mục đích dân sự và lợi ích khu vực, chẳng hạn xây hải đăng, trạm thời tiết, cơ sở cứu nạn và chỗ ở cho ngư dân.

Thêm vào đó, theo ông này, Bắc Kinh tiếp tục cung cấp hàng hóa và dịch vụ công cộng nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế và thể hiện vai trò ngày càng tích cực ở một trong những tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới này. Ông Vương nói “kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự của Trung Quốc là phù hợp với quyền sinh tồn và tự vệ dựa trên luật pháp quốc tế, vì vậy không nên đặt câu hỏi về điều đó”.

Đáp lại những lời bao biện của ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Julie Bishop nhấn mạnh Australia và Mỹ không đứng về phía nào trong vấn đề Biển Đông nhưng kêu gọi tất cả các bên duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Bà Bishop cũng cho biết Canberra hoan nghênh tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo.

Giữa lúc tình hình Biển Đông đang ‘dậy sóng’, giới chức Trung Quốc tiếp tục ‘úp mở’ thông tin về việc điều động tên lửa ra Hoàng Sa

Giữa lúc tình hình Biển Đông đang ‘dậy sóng’, giới chức Trung Quốc tiếp tục ‘úp mở’ thông tin về việc điều động tên lửa ra Hoàng Sa. Ảnh Reuters

Với một luận điệu cứng rắn hơn, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin lên án hành động điều động vũ khí của Trung Quốc là làm “gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”. Trong khi đó, các nhà phân tích quân sự nhận định động thái của Trung Quốc nhằm “dằn mặt” Philippines và Việt Nam, đồng thời củng cố khả năng phòng thủ sau khi tàu khu trục mang tên lửa của Mỹ áp sát đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa) hồi tháng 1 qua.

Tuy nhiên, điều này đồng thời "tiếp sức" cho quan điểm của Mỹ rằng "phải thách thức Trung Quốc mạnh mẽ hơn nữa" tại Biển Đông, đặc biệt là trong Lầu Năm Góc, theo ông Thomas Berger - chuyên gia tại Trường ĐH Boston (Mỹ). Trên thực tế, giả thuyết này của chuyên gia Thomas Berger hoàn toàn có sức thuyết phục nếu xét đến tuyên bố nói trên của giới chức Washington.

Thanh Huyền (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang