Dư luận quốc tế sôi trào trước tin Trung Quốc đưa tên lửa tới Biển Đông

author 18:38 17/02/2016

(VietQ.vn) - Giới chức Mỹ tố Trung Quốc đã bố trí trái phép 2 hệ thống tên lửa đất đối không tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Tuổi Trẻ, đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ) ngày 17/2 đã lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc ngày càng lộ rõ âm mưu quân sự hóa Biển Đông khi triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo Reuters, trong cuộc họp báo ở Tokyo (Nhật Bản), đô đốc Harris mô tả hành vi này là sự quân sự hóa Biển Đông theo cách mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cam kết là sẽ không thực hiện. “Đây rõ ràng là hành vi quân sự hóa” - ông Harris nhấn mạnh.

 Thông tin Trung Quốc điều động tên lửa đất đối không tới Hoàng Sa sẽ là mồi lửa khiến tình hình Biển Đông tăng nhiệt

Thông tin Trung Quốc điều động tên lửa đất đối không tới Hoàng Sa sẽ là mồi lửa khiến tình hình Biển Đông tăng nhiệt. Ảnh minh họa

Tuyên bố này được đô đốc Harris đưa ra sau khi đài Fox News (Mỹ) ngày 16/2 phân tích các ảnh chụp từ vệ tinh của trung tâm ImageSat Quốc tế (ISI) cho biết 2 hệ thống tên lửa đất đối không với 8 giàn phóng và một radar đã được Trung Quốc triển khai trái phép tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam, hiện đang bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp, báo Thanh Niên đưa tin.

Các tên lửa được chuyển đến từ tuần trước, theo Fox News. Đài này cho hay từ các hình ảnh có thể thấy bãi biển trên đảo Phú Lâm hoàn toàn trống trải đến ngày 3/2, nhưng đến ngày 14/2 đã xuất hiện các giàn tên lửa. Fox News còn cho hay một quan chức Mỹ đã xác nhận độ chính xác của những hình ảnh.

Quan chức này nói rằng có thể đó là hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, tương tự loại S-300 của Nga. HQ-9 có tầm bắn 201 km, có thể là mối đe doạ cho bất cứ máy bay quân sự hoặc dân sự nào bay gần đó. Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban nói rằng không thể bình luận về vấn đề liên quan đến tình báo nhưng úp mở cho biết sẽ theo dõi vấn đề này sát sao, theo Reuters.

Sau hãng tin Mỹ Fox News, Đài Loan cũng xác nhận đã phát hiện quân đội Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm. Đại diện Đài Loan kêu gọi: "Các bên có liên quan cần hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, kiềm chế không thực hiện các hành vi đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng".

Trước tình hình này, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin lên án việc đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm “sẽ thổi bùng căng thẳng trên Biển Đông”. Báo New York Times dẫn lời nhà phân tích Thomas Berger của ĐH Boston nhận định với hành động này, Trung Quốc chủ trương khiêu khích Việt Nam và Philippines.

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã điều động tên lửa đất đối không tới Biển Đông

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã điều động tên lửa đất đối không tới Biển Đông. Ảnh Fox News

Chuyên gia Mira Rapp-Hooper thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới cho rằng đây là động thái phản ứng của Trung Quốc đối với các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông. Báo Guardian (Anh) dẫn lời một số nhà quan sát bình luận nhiều khả năng Trung Quốc cũng muốn thử phản ứng của cộng đồng quốc tế để chuẩn bị cho bước quân sự hóa các đảo nhân tạo bất hợp pháp trên Biển Đông, thậm chí lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại vùng biển Đông Nam Á.

Chuyên gia Euan Graham của Viện Lowy (Austrlia) đánh giá việc Trung Quốc đưa tên lửa tới Biển Đông cùng thời điểm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN diễn ra ở California – được cho là sẽ tập trung nhiều vào tình hình Biển Đông hiện nay - cho thấy Bắc Kinh muốn cảnh báo các nhà lãnh đạo ASEAN không nên quá thân cận với Mỹ.

Tuy nhiên, không ít học giả cho rằng chính động thái này của Trung Quốc sẽ khiến các quan chức Mỹ, đặc biệt trong Bộ Quốc phòng, cảm thấy cần phải cứng rắn hơn với Bắc Kinh ở Biển Đông. Chuyên gia quân sự Edward Luttwak ở Maryland khẳng định chắc chắn quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thách thức Trung Quốc bằng cách triển khai tàu chiến tới tuần tra trên Biển Đông.

Đáng nói, trước những chỉ trích gay gắt của giới chức các nước, giới học giả và dư luận quốc tế về động thái điều động tên lửa đất đối không tới khu vực tranh chấp Biển Đông, trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang ngược tuyên bố nước này “triển khai vũ khí quốc phòng cần thiết trên lãnh thổ đất nước”.

Nếu xem xét trên một khía cạnh khác, không ít ý kiến cho rằng việc Trung Quốc điều động tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam cũng là chiêu thử tâm lý Ngoại trưởng Australia Julie Bishop khi bà đến Bắc Kinh gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong thời gian này. Trước đó Australia từng nhiều lần phản đối Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Cụ thể, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại hầu hết khu vực ở Biển Đông. Song song với các tuyên bố vô lý đó, nước này còn tiến hành xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế. Vì lý do này, Philippines đã đệ đơn kiện chống lại các yêu sách chủ quyền vô lý của chính phủ Trung Quốc ở Biển Đông lên Tòa án Thường trực tại The Hague (Hà Lan). Phía Bắc Kinh từ chối công nhận vụ kiện.

Việc đưa tên lửa ra Hoàng Sa được cho là cách để Trung Quốc 'phản pháo' bình luận của Ngoại trưởng Australia về tình hình Biển Đông

Việc đưa tên lửa ra Hoàng Sa được cho là cách để Trung Quốc 'phản pháo' bình luận của Ngoại trưởng Australia về tình hình Biển Đông. Ảnh AP

Theo thông tin báo Pháp Luật TPHCM đưa theo trang Sputnik, hôm 15/2, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã đưa ra bình luận của bà về tình hình Biển Đông trong chuyến thăm chính thức đến Nhật Bản, trong đó có các bình luận về vụ kiện Biển Đông.

"Chúng tôi công nhận quyền của Philippines về việc tìm trọng tài để giải quyết vấn đề nhưng chúng tôi kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình mà không thông qua ép buộc và đe dọa" - bà Bishop nói. Bình luận của Ngoại trưởng Australia được đưa ra trong bối cảnh bà sắp có chuyến thăm chính thức Bắc Kinh trong ngày tiếp theo (16/2).

Đáp lại, giới chức Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng phản đối. "Trung Quốc chắc chắn sẽ không thừa nhận điều này" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói trước báo giới. "Australia không nên cố tránh thực tế đó". Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh rằng Trung Quốc coi vụ kiện Biển Đông là một sự vi phạm luật pháp quốc tế và phớt lờ các thỏa thuận trước đây giữa giới chức Bắc Kinh và Manila.

Dù vậy, phát biểu tại Tokyo (Nhật Bản), Ngoại trưởng Australia tuyên bố sẽ chất vấn các quan chức Trung Quốc về việc Bắc Kinh muốn làm gì với các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông trong chuyến thăm của bà tại Bắc Kinh hôm 16/2. Tuyên bố này khiến giới học giả quốc tế dự báo cuộc công du Trung Quốc của bà Bishop sẽ rất căng thẳng.

Lan Anh (T/h)

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang