Trường học trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đi vào hoạt động

author 17:30 25/12/2015

(VietQ.vn) - Báo Hồng Kông đưa tin, Trung Quốc vừa xây dựng trường học trái phép đầu tiên trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Vietnam+, tờ Văn hối Hồng Kông ngày 25/12 dẫn tin từ cái gọi là “Chính quyền thành phố Tam Sa” của Trung Quốc cho biết, trường học trái phép mà Bắc Kinh xây dựng tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã chính thức được đưa vào sử dụng.

Việc Trung Quốc tăng tốc xây dựng trái phép cái gọi là ‘Thành phố Tam Sa’ khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng, phức tạp

Việc Trung Quốc tăng tốc xây dựng trái phép cái gọi là ‘Thành phố Tam Sa’ khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng, phức tạp

Cụ thể, trường học trái phép mà Trung Quốc xây dựng được quy hoạch thành 3 khu, gồm: khu dạy học 4 tầng với tổng diện tích xây dựng là 4.650 m2, có cấp mẫu giáo, tiểu học và dạy nghề; khu thư viện - văn phòng; trung tâm khảo cổ dưới nước. Tổng kinh phí xây dựng công trình là 36 triệu nhân dân tệ (gần 6 triệu USD).

Hiện trường học này đã thu nhận 6 học sinh (mẫu giáo và tiểu học) là con quân nhân, công nhân làm việc tại đảo Phú Lâm. Được biết, đây là trường học đầu tiên của “thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc tự ý thành lập cách đây 3 năm.

Đảo Phú Lâm là một trong hai đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. Đây cũng là đảo quan trọng nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam. Trước đó, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời bác bỏ cái gọi là "thành phố Tam Sa".

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là thành phố Tam Sa. Dù dưới bất kỳ hình thức nào hay nhằm mục đích gì thì các hoạt động của cái gọi là thành phố Tam Sa đều không có bất cứ một cơ sở pháp lý nào và không thay đổi được thực tế là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.”

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, trong một báo cáo công bố ngày 22/12, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã nêu bật những điểm mấu chốt về quy mô và tốc độ trong hoạt động bồi đắp và cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Cơ quan này quan ngại Trung Quốc đang thực hiện ý đồ quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản trích dẫn số liệu từ báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, tính từ tháng 12/2013 – 6/2015, Trung Quốc đã cải tạo hơn 11,7 km2, với quy mô lớn hơn nhiều so với tất cả các bên liên quan ở Biển Đông trong 40 năm qua. Từ việc Trung Quốc đẩy nhanh các hoạt động cải tạo trái phép trên Biển Đông, Tokyo lo ngại về những tác động đến tình hình an ninh trong khu vực.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản lo ngại rằng các cảng biển với chức năng neo đậu, tiếp tế và bảo dưỡng là cơ sở để Bắc Kinh thúc đẩy sự hiện diện của lực lượng hải quân và đội chấp pháp ở Biển Đông. Qua đó, Trung Quốc có thể nâng cao năng lực hoạt động ở những vùng Trung và phía Nam Biển Đông. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến những quốc gia ven biển và tuyến đường thương mại trên biển.

Bộ Quốc Phòng Nhật Bản bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông trong báo cáo ngày 22/12

Bộ Quốc Phòng Nhật Bản bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông trong báo cáo ngày 22/12

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lo ngại về ý đồ của Trung Quốc đằng sau kế hoạch xây dựng đường băng bất hợp pháp trên các đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn. Những đường băng này là tiền đề để Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện của lực lượng không quân trên Biển Đông.

Từ đó, chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc cũng được nâng cấp để đối phó với sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực, đồng thời cũng cho phép Bắc Kinh can thiệp nhanh hơn trong tình huống khẩn cấp.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng ghi nhận rằng, các đường băng mà Trung Quốc xây dựng trái phép là những cơ sở để Trung Quốc có thể tuyên bố thành lập một vùng phòng không trên Biển Đông, tương tự việc nước này đã đơn phương thực hiện như trên biển Hoa Đông hồi cuối năm 2013.

Tuyết Trinh (T/h)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang