Tổng thống Philippines thề tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông

author 16:03 22/12/2015

(VietQ.vn) - Tổng thống Philippines cam kết tăng cường năng lực của các lực lượng vũ trang nhằm đối mặt với thách thức hàng hải ở Biển Đông khi ông chuẩn bị rời nhiệm sở vào năm tới.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay, phát biểu tại lễ kỷ niệm 80 năm thành lập quân đội Philippines (22/12/1935 – 22/12.2015), Tổng thống Philippines Benigno Aquino cam kết dành khoảng 1,77 tỷ USD trong giai đoạn 5 năm (tới 2017), để tăng cường quân sự trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông, Zing News đưa tin theo Reuters cho biết.

Philippines quyết đẩy mạnh quân sự trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng như hiện nay

Philippines quyết đẩy mạnh quân sự trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng như hiện nay. Ảnh ST

Phát biểu trước giới truyền thông, Tổng thống Philippines Aquino tuyên bố: “Chúng tôi đang lên kế hoạch trang bị các tàu khu trục mới, tàu hải vận chiến lược, phi cơ hỗ trợ tuần tra tầm xa cùng các thiết bị khác”. Được biết, ông Aquino sẽ rời nhiệm sở vào năm tới và kkhông thể tranh chức tổng thống Philippines vào năm 2016 theo quy định của hiến pháp.

Mặc dù người đứng đầu chính quyền Manila không đề cập cụ thể tới tranh chấp trên Biển Đông nhưng nhấn mạnh các trang thiết bị được dùng để bảo vệ quyền lãnh thổ của nước này. Cụ thể, tàu hải vận chiến lược do một xưởng ở Philippines đóng sẽ được vận hành vào đầu năm tới. Trong khi đó, Israel sẽ hoàn tất quá trình sản xuất radar cho Manila trước năm 2017, cùng thời điểm Hàn Quốc bàn giao các chiến đấu cơ cho nước này.

Theo ông Aquino, Mỹ và Nhật Bản đang giúp Philippines tăng cường năng lực quân sự khi “một số quốc gia” ở châu Á đã tăng chi tiêu quân sự trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông. Cũng theo lời lãnh đạo Philippines, chính phủ đã chi 56,79 tỷ peso (1,2 tỷ USD) từ năm 2010 để mua một phi đội máy bay chiến đấu của Nhật Bản và các trực thăng chiến đấu từ Italy. Đồng thời, Mỹ đã chuyển giao hai tàu bảo vệ bờ biển cũ và các máy bay vận tải cho Manila.

Trước đó, Philippines từng kiện yêu sách ‘đường lưỡi bò’ phi lý ở Biển Đông của Trung Quốc ra tòa án trọng tài

Trước đó, Philippines từng kiện yêu sách ‘đường lưỡi bò’ phi lý ở Biển Đông của Trung Quốc ra tòa án trọng tài. Ảnh Rappler

Hiện quân đội Philippines có tham vọng hiện đại hóa lực lượng trong 15 năm, gồm việc mua lại các tàu khu trục, tàu ngầm và hệ thống tên lửa tiên tiến và radar để đưa lực lượng quân sự sánh ngang các nước láng giềng. Tuyên bố này của Tổng thống Philippines được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông. Trước đó, Philippines đã thách thức yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc bằng cách kiện Bắc Kinh lên tòa quốc tế tại The Hague (Hà Lan).

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, Đối thoại Quốc phòng và Ngoại giao (Đối thoại 2+2) giữa Indonesia và Australia vừa kết thúc ngày 21/12 tại thành phố Sydney (Australia) với cam kết tăng cường hợp tác chống khủng bố, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Trong cuộc gặp này, Canberra và Jakarta đã đề cập nhiều đến tranh chấp ở Biển Đông.

Cụ thể, về tình hình biển Đông, Ngoại trưởng Australia bà Julie Bishop thông báo cả hai quốc gia đều bày tỏ quan ngại về tình hình hoà bình và ổn định trên biển Đông và nhấn mạnh đảm bảo an ninh hàng hải là một trong những yếu tố quan trọng góp phần duy trì hoà bình, ổn định và luật pháp trong khu vực. Các bộ trưởng cũng bày tỏ sự quan ngại trước những động thái gần đây trên Biển Đông và kêu gọi các bên cùng kiềm chế, giảm thiểu căng thẳng và không có thêm các hành động khiêu khích nào khác.

Indonesia và Australia kêu gọi ngừng các hoạt động khiêu khích khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng

Indonesia và Australia kêu gọi ngừng các hoạt động khiêu khích khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng. Ảnh AP

Thêm vào đó, các bên trong tranh chấp trên Biển Đông cần duy trì và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tham vấn và đàm phán giải quyết sự khác biệt thông qua các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Cũng trong dịp này, Ngoại trưởng Australia đã tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông dựa trên khuôn khổ của luật quốc tế như đã từng làm trước đó.

Vân Anh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang