Tin tức mới nhất về Ukraine ngày 11/1: Ukraine tuyên bố bắt đầu thỏa thuận ngừng bắn 'Minsk 3'

author 06:55 11/01/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Ukraine mới nhất cho biết Ukraine tuyến bố bắt đầu thỏa thuận ngừng bắn "Minsk 3" để giải quyết xung đột ở Donbass từ ngày 1/1/2016.

Sự kiện: Cập nhật tình hình Nga - Ukraine

Theo tin tức về tình hình Ukraine mới nhất trên báo điện tử Đất Việt, ngày 9/1 vừa qua, ông Roman Bessmertny, Đại diện của Ukraine tại Nhóm Tiếp xúc ba bên về giải quyết xung đột ở Donbass, cho biết từ 1/1/2016 đã bắt đầu tiến trình Minsk-3. Theo ông Bessmertny, thỏa thuận ngừng bắn Minsk-2 không đáp ứng 50% vấn đề mà Ukraine và thế giới tại vùng lãnh thổ Donbass của Ukraine phải đối mặt.

Trước đó, hôm 30/12/2015, trong cuộc điện đàm 4 bên giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, các nhà lãnh đạo đã thảo luận chi tiết tình hình bất ổn và căng thẳng còn tồn tại ở khu vực xung đột miền Đông-Nam Ukraine trong khuôn khổ thực hiện thỏa thuận đạt được hồi tháng 2/2015 tại thủ đô Minsk của Belarus, đồng thời nhất trí gia hạn thỏa thuận này sang năm tới.

Ukraine tuyên bố bắt đầu thỏa thuận ngừng bắn 'Minsk 3'

Tình hình Ukraine mới nhất cho biết Ukraine tuyên bố bắt đầu thỏa thuận ngừng bắn 'Minsk 3'

Theo đó, Ngoại trưởng 4 nước trên có nhiệm vụ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng việc thực thi Thỏa thuận Minsk vào đầu năm 2016. Chính phủ Đức sau đó cũng tuyên bố Ngoại trưởng các nước thuộc Bộ tứ Normandy dự kiến sẽ gặp nhau trong vòng 1 tháng tới,.

Giải pháp tổng thể gồm 13 điểm nhằm thực hiện Thỏa thuận Minsk, đạt được ngày 12/2/2015, được coi là lộ trình giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, cần phải được thực hiện đầy đủ trước cuối năm 2015. Tuy nhiên, đến nay, một số biện pháp vẫn chưa được thực hiện, đặc biệt là tổ chức bầu cử địa phương ở Donbass, do đó Thỏa thuận Minsk cần được gia hạn sang năm 2016.

Trong một diễn biến khác, người dân Hà Lan đã phản đối EU hợp tác với Ukraine. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cảnh báo rằng nếu người dân Hà Lan tham gia trưng cầu dân ý phản đối quan hệ hợp tác giữa EU và Ukraine, đó có thể sẽ là một “cuộc khủng hoảng tầm cỡ châu lục”, theo Infonet.

Trong một bài phỏng vấn với nhật báo NRC Handelsblad của Hà Lan, ông Juncker cho biết Nga sẽ bên được hưởng lợi nhiều nhất nếu người dân Hà Lan bỏ phiếu phản đối việc nâng cao quan hệ hợp tác giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Ukraine trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.

Cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến diễn ra vào ngày 6/4 tới được châm ngòi từ năm ngoái khi trang web trào phúng GeenStijl có tư tưởng phản đối EU đã thu thập hơn 300.000 chữ ký trong đơn kiến nghị trình lên chính phủ Hà Lan nhằm tổ chức trưng cầu dân ý.

“Tôi muốn người dân Hà Lan hiểu rằng đây không phải là vấn đề của riêng Hà Lan”, ông Juncker trả lời NRC. “Tôi không tin rằng người dân sẽ bỏ phiếu phản đối, bởi điều đó sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tầm cỡ châu lục. Như vậy Nga sẽ dễ dàng hưởng lợi”.

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker trong một phiên họp báo trước cuộc họp thượng đỉnh của các nước EU

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker trong một phiên họp báo trước cuộc họp thượng đỉnh của các nước EU

Mặc dù là một trong những nước sáng lập nên EU vào năm 1957, Hà Lan ngày càng không hài lòng với việc hội nhập với châu Âu do lo ngại tỉ lệ người nhập cư tăng cao, trong khi đó tăng trưởng kinh tế của khu vực chậm lại và vẫn còn những dấu hiệu bất ổn.

Phần lớn các đảng chính trị ở Hà Lan đều ủng hộ EU, tuy nhiên Đảng Tự do Hà Lan có tư tưởng bài EU và đạo Hồi hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận và sẽ giành được nhiều ghế hơn liên minh hai đảng cầm quyền của Hà Lan hiện tại nếu cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức ngay lúc này.

Sự hợp tác giữa EU và Ukraine, được coi là bước đi quan trọng nhằm đưa quốc gia thuộc Liên Xô cũ này thoát khỏi quỹ đạo của Nga, vẫn là đề tài gây tranh cãi ở Hà Lan. Tại đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin bị phần lớn người dân cáo buộc đã gây ra vụ máy bay MH17 bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine vào tháng 7/2014, khiến toàn bộ người trên máy bay thiệt mạng. Hai phần ba trong số các nạn nhân mang quốc tịch Hà Lan.

Quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên xấu đi sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga vào tháng 3/2014, bên cạnh đó Mỹ và EU cáo buộc Nga hậu thuẫn lực lượng nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraine. Vào tháng 11/2015, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko phát biểu rằng những người vận động trưng cầu dân ý ở Hà Lan là “con tốt thí” của Nga. Hiện vẫn chưa rõ sẽ có bao nhiều người đã ký vào đơn kiến nghị sẽ có mặt để bầu cử.

Kim Trang (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang