Covid-19 có thể biến đổi và tồn tại trên các bề mặt trong nhiều ngày

authorHương Giang 17:19 30/11/2020

(VietQ.vn) - Các nhà nghiên cứu nhận thấy virus gây Covid-19 có thể biến đổi và tạo ra một lớp màng nano mỏng, làm chậm quá trình bay hơi, khiến chúng tồn tại trên các bề mặt trong thời gian dài.

Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, vì chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị nên việc hiểu rõ các vấn đề liên quan đến virus SARS-CoV-2 hiện là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi lây nhiễm.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã xác nhận virus có thể tồn tại trên các bề mặt tiếp xúc nhiều giờ, thậm chí là nhiều ngày, vì thế mà việc vệ sinh cơ thể và môi trường sống xung quanh là rất quan trọng. 

Nghiên cứu của Rajneesh Bhardwaj và Amit Agrawal, các giáo sư tại IIT Bombay (Viện Công nghệ Ấn Độ Bombay - một trường đại học kỹ thuật và nghiên cứu công lập tọa lạc tại Powai, Mumbai, Ấn Độ) cho thấy các hạt chứa virus rơi xuống bề mặt vẫn có khả năng lây nhiễm trong vài ngày bằng cách biến đổi thành một màng siêu mỏng sau khi nước trong giọt bắn đã bay hơi.

 Hình ảnh mô phỏng lớp màng mỏng (ở giữa) bao phủ cùng một diện tích như giọt nước (trên), có cùng bán kính và góc nghiêng ban đầu và chỉ thay đổi là chiều cao thẳng đứng.

Sự chuyển đổi này cho thấy hơn 99,9% chất lỏng của giọt bắn biến mất trong khoảng thời gian vài phút, nhưng virut vẫn tồn tại trong một lớp màng bảo vệ của lượng chất lỏng còn lại. Các lực cực nhỏ giữ cho lớp màng chỉ dày vài nanomet bám vào bề mặt và làm chậm quá trình bay hơi.

Lớp màng bay hơi hoàn toàn tại các thời điểm khác nhau, tùy thuộc vào vật liệu mà nó được tiếp xúc. Đối với một giọt bắn lớn trên thép không gỉ tồn tại khoảng 24 giờ và đồng là 16 giờ, nhưng ở trên polypropylene thì lên tới 150 giờ. Một giọt bắn cỡ nhỏ hơn, chỉ bằng 1/10 kích thước cũng bám trên bề mặt kính khoảng hơn 80 giờ.

Những số liệu này dựa trên các thí nghiệm được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm và có thể thấp hơn trong môi trường thông thường, nơi có những yếu tố thúc đẩy sự bay hơi là lượng nhiệt và luồng không khí thay đổi. Giáo sư Rajneesh Bhardwaj và Amit Agrawal đã sử dụng mô hình máy tính và vật lý để tìm hiểu cách các giọt bắn chứa virus có thể lây lan gây bệnh.

Trước đây, họ cũng đã phát hiện ra việc đeo khẩu trang làm giảm kích thước của các giọt chứa các hạt virus lây nhiễm do ho tạo ra tới 23 lần. Ở trong lớp màng, virus gây Covid-19 có thể tồn tại trong vài giờ và thậm chí vài ngày trên các bề mặt kỵ nước nếu không bị xáo trộn.

Màng bao phủ cùng một lượng diện tích như giọt bắn, với cùng bán kính và góc nghiêng ban đầu, số đo duy nhất thay đổi là chiều cao thẳng đứng của nó. Dữ liệu từ nghiên cứu được công bố trên tạp chí Physics of Fluids cho thấy độ dày của màng giảm từ từ và trong suốt thời gian này lượng virus trong giọt bắn và màng là nhất quán.

Kỳ vọng thuốc xịt mũi Nasal có khả năng giúp bảo vệ con người khỏi lây nhiễm Covid-19(VietQ.vn) - Thử nghiệm thuốc xịt mũi ngăn chặn lây nhiễm Covid-19 trên chồn hương cho kết quả khả quan, mang tới hy vọng kháng virus ngay trên cơ thể con người.

Giáo sư Bhardwaj nói thêm: “Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất là thời gian khô của màng nano này theo thứ tự hàng giờ. Nó cho thấy bề mặt không hoàn toàn khô và màng nano bay hơi chậm đang cung cấp môi trường cần thiết cho sự tồn tại của virus gây Covid-19".

Nhà nghiên cứu Bhardwaj và Agrawal nói rằng phát hiện của họ cho thấy virus có thể tồn tại trong một thời gian dài và nhấn mạnh sự cần thiết của việc thường xuyên vệ sinh các bề mặt hay tiếp xúc thật kỹ lưỡng.

Giáo sư Agrawal nói: “Mọi người nên khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào, chẳng hạn như tay nắm cửa hoặc các thiết bị cầm tay, trong bệnh viện và các khu vực khác dễ bùng phát dịch. Nên vệ sinh bằng cách làm nóng các bề mặt, vì nhiệt độ cao hơn môi trường xung quanh trong thời gian ngắn cũng có thể giúp bay hơi màng nano và tiêu diệt virus".

Hương Giang (theo: dailymail)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang