Vận chuyển 1.600 chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu CASIO không chứng minh được nguồn gốc

author 10:01 20/04/2021

(VietQ.vn) - Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn vừa tạm giữ 1.600 chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu CASIO có dấu hiệu là vi phạm về nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn, thực hiện Quyết định số: 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường về việc phê duyệt kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025, đơn vị này đã triển khai tới các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên địa bàn.

 Lượng lớn đồng hồ do nước ngoài sản xuất bị thu giữ để xác minh nguồn gốc. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Theo đó, sau một thời gian xây dựng cơ sở báo tin ở cơ sở, cử công chức theo dõi và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, Tổ công tác địa bàn huyện Hữu Lũng - Đội QLTT số 4 đã đề xuất phối hợp với Trạm Cảnh sát Giao thông Tùng Diễn - Công an tỉnh Lạng Sơn dừng phương tiện và kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát: 12A-137.22 do ông Nguyễn Đức Mạnh, sinh năm 1983, địa chỉ: Xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn là lái xe đồng thời là chủ hàng điều khiển.

Qua kiểm tra thực tế, Đoàn Kiểm tra phát hiện trên xe có chở: 1.600 chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu CASIO do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng Đội QLTT số 4 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cùng Đội QLTT số 1 và số 11 đã tiến hành kiểm tra tại Công ty cổ phần Varado (địa chỉ số B2TT18, khu đô thị Văn Quán, Hà Đông).

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận bước đầu số hàng hoá là đồng hồ đeo tay gồm tổng cộng 1.611 cái, gồm 554 chiếc mang nhãn Nibosi; 391 chiếc mang nhãn SKmei, và 666 chiếc mang nhãn Minifocus đều là hàng hoá nhập lậu.

Tại thời điểm kiểm tra, người liên quan đến số đồng hồ trên là Nguyễn Xuân Lâm (SN 1993, ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội), đã không xuất trình đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Người này giải trình thu mua đồng hồ từ nhiều nguồn khác nhau, và các sản phẩm đồng hồ được nhập từ nước ngoài về.

Theo tài liệu trinh sát, tuy không treo biển hiệu, nhưng căn biệt thự của Công ty cổ phần Varado này là nơi tập kết, giao dịch đồng hồ đeo tay các loại, do nước ngoài sản xuất. Ngoài việc đến trực tiếp, người mua có thể tiếp cận, tìm hiểu qua mạng xã hội, và chuyển khoản để nhận được chiếc đồng hồ đeo tay theo ý muốn.

Phát hiện hơn 7.000 sản phẩm mỹ phẩm, quần áo... nhập lậu(VietQ.vn) - Cục QLTT Hưng Yên vừa tạm giữ hơn 7.000 sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu để xác minh làm rõ.

Theo Tổng Cục QLTT, hiện nay trên thị trường, để sở hữu được một chiếc đồng hồ chính hãng có thương hiệu nổi tiếng, người mua sẽ phải chi số tiền lớn. Tuy nhiên, vẫn có tâm lý muốn dùng “hàng hiệu” với chi phí rẻ. Do đó, thị trường đồng hồ “fake” luôn rất sôi động do đánh đúng vào thị hiếu của một bộ phận người tiêu dùng. Đặc biệt còn xuất hiện nhiều loại đồng hồ được quảng cáo là “hàng xách tay” nhưng không có hóa đơn, giả nhưng được giới thiệu là hàng chính hãng để lừa dối người tiêu dùng, bày bán tràn lan trên mạng.

Vì thế, không khó để nhận thấy trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, hoạt động buôn bán đồng hồ giả diễn ra rầm rộ. Tinh vi hơn nữa đó là hình thức bán các loại đồng hồ giả trà trộn đồng hồ thật với những cái tên nghe “rất Tây” và được gắn mác Made in Germany, Swiss, Omega, Rolex, Chanel… Những khách hàng không có kinh nghiệm rất dễ bị hoa mắt khi được tư vấn “hàng hiệu giá rẻ” nhưng thực tế lại mua hàng giả, giá cao.

Thực tế, không ít người sành rất khó phát hiện đâu là đồng hồ thật - giả, bởi hàng giả được làm rất tinh xảo, sắc nét từ hình thức đến tem mác của nhà phân phối. Cùng một thương hiệu, có người rao bán tiền triệu nhưng cũng có người chỉ rao bán với giá chỉ 99.000 đồng. Thậm chí, đăng ảnh rao bán là hàng thật nhưng khi giao đến cho khách hàng lại giao hàng giả. Sau khi trả tiền, khách hàng chỉ nhận được những chiếc đồng hồ có dấu hiệu giả mạo bởi không hề có sổ bảo hành cũng như hóa đơn kèm theo.

Điều đáng lưu ý, thời gian qua, không ít các cơ sở buôn bán đồng hồ giả mạo đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và lập biên bản. Thế nhưng, đa số chỉ bị xử phạt hành chính, vì vậy, không ít cơ sở bán hàng gần như chấp nhận bị phạt để được kinh doanh những chiếc đồng hồ giả siêu lãi này đến tay người tiêu dùng.

Trong khi đó, hiện nay thị trường đồng hồ Việt Nam còn rất phân mảnh, phần lớn thị trường nằm trong tay các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ. Với tình trạng đồng hồ “vàng thau lẫn lộn” trên thị trường, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên trang bị kiến thức phù hợp để trở thành người tiêu dùng thông minh và bảo vệ chính túi tiền của mình trước những mánh khóe tinh vi của người bán hàng.

An Dương

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang