3 nhà khoa học giúp theo dõi virus Zika giành giải Nobel Hóa học

author 08:59 05/10/2017

(VietQ.vn) - Ba nhà khoa học giành giải Nobel Hóa học đã phát triển loại kính hiển vi cho phép đông lạnh các vi phân tử sinh học với tốc độ cực nhanh. Gần đây nhất là nó giúp theo dõi virus Zika gây nên những phá hủy não bộ của trẻ sơ sinh.

Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển mới đây đã công bố giải Nobel Hóa học vinh danh đóng góp của ba nhà khoa học đối với việc phát triển cryo-EM giúp đơn giản hóa và tăng cường khả năng chụp ảnh các phân tử sinh học.

Theo công bố, vinh dự trên đã thuộc về 3 nhà khoa học: Jacques Dubochet người Thụy Sĩ, Joachim Frank người Mỹ và Richard Henderson người Anh. Nhà khoa học Jacques Dubochet đang công tác tại Đại học Lausanne, Thụy Sĩ; trong khi nhà khoa học Joachim Frank làm việc tại Đại học Columbia, Mỹ; còn nhà khoa học Richard Henderson thuộc Đại học Cambridge, Anh.

Các bản đồ sinh hóa cho tới hiện nay vẫn còn rất nhiều khoảng trống do công nghệ hiện tại chưa thể hiện được hình ảnh các cấu trúc ở cấp phân tử. Kính hiển vi cryo-EM đang thay đổi những điều này. Các nhà nghiên cứu giờ có thể đông cứng các dịch chuyển của phân tử sinh học và thể hiện bằng hình ảnh các quá trình này - điều vốn không thể trước đây. Điều này đóng vai trò quyết định trong việc hiểu hóa học của cuộc sống cũng như là thúc đẩy phát triển của y dược. 

Ba nhà khoa học Richard Henderson, Joachim Frank, Jacques Dubochet (từ trái qua phải)

Theo đó,phương pháp của ba nhà khoa học trên cho phép đông lạnh các vi phân tử sinh học với tốc độ cực nhanh, đến mức hình thù tự nhiên của phân tử vẫn được bảo toàn nguyên vẹn, giúp phác họa được hình ảnh một cách chính xác nhất. Ủy ban Nobel ca ngợi công trình của ba nhà nghiên cứu Anh, Mỹ và Thụy Sĩ đã đưa ngành hóa sinh bước vào một kỷ nguyên hoàn toàn mới.

Nhà khoa học Henderson ban đầu sử dụng kính hiển vi điện tử chụp ảnh 3 chiều (3-D) protein với độ phân giải ở mức nguyên tử. Từ đó, hai nhà khoa học Frank và Dubochet tiếp tục triển khai công nghệ sử dụng nước đông lạnh siêu nhanh để “đóng băng”, bảo tồn hình dạng tự nhiên của phân tử sinh học (còn gọi là phương pháp “làm mát”) và phát triển thành công cryo-EM.

“Phương pháp này giúp ngành hóa sinh bước sang kỷ nguyên mới”, theo thông báo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển về giải thưởng 1,1 triệu USD (25 tỉ đồng).

Việc phát triển loại kính hiển vi này sẽ được ứng dụng trong nhiều nhu cầu khác nhau, đặc biệt là giúp theo dõi virus Zika gây nên những phá hủy não bộ của trẻ sơ sinh. Đồng thời, các nhà khoa học có thể tạo ra những loại vaccine ngăn chặn dịch bệnh tốt hơn, ít có nguy cơ tai biến hơn.

Năm ngoái, giải Nobel Hóa học 2016 đã được trao cho 3 nhà khoa học gồm Jean-Pierre Sauvage người Pháp, J. Fraser Stoddart mang hai quốc tịch Anh, Mỹ và Bernard L. Feringa người Hà Lan, nhờ công trình thiết kế và chế tạo máy phân tử (máy NANO). Như vậy, tất cả các giải Nobel được công bố cho tới lúc này, bao gồm Y học, Vật lý, Hóa học, đều thuộc về các nhà khoa học nam, tổng cộng là 9 người.

Lê Cao (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang