3 vấn đề doanh nghiệp không thể bỏ qua khi áp dụng công cụ TPM để nâng cao năng suất

author 16:25 07/10/2022

(VietQ.vn) - Đó là các vấn đề duy trì chất lượng, kiểm soát đầu vào và đào tạo - huấn luyện. Theo chuyên gia, đây là ba vấn đề song hành với nhau, kết nối và không thể tách rời.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Các chuyên gia của Viện Năng suất Việt Nam cho biết, duy trì chất lượng trong TPM hướng tới mục đích thỏa mãn khách hàng thông qua cung cấp sản phẩm chất lượng cao nhất, không có sai lỗi trong sản xuất. Trọng tâm của duy trì chất lượng là loại bỏ sự không phù hợp một cách có hệ thống, giống như cải tiến có trọng điểm. 

Máy móc thiết bị là một trong những yếu tố tác động tới chất lượng sản phẩm, vì vậy cần loại bỏ những vấn đề có liên quan tới chất lượng hiện tại, sau đó là những vấn đề tiềm ẩn. Như vậy, đã có sự chuyển đổi từ phản ứng sang chủ động (kiểm soát chất lượng sang đảm bảo chất lượng). 

Duy trì chất lượng nhằm thiết lập, duy trì hệ thống quản lý chất lượng tốt, kiểm soát chất lượng từ khâu đầu tiên đến khâu phân phối và hậu mãi, có hệ thống khắc phục và phòng ngừa. 

Chuyên gia cho rằng, tiêu chuẩn ISO 9001 - Hệ thống quản lý chất lượng và phương pháp cải tiến "6 Sigma" là cách thức hiệu quả để duy trì và cải tiến chất lượng. 

3 vấn đề doanh nghiệp không thể bỏ qua khi áp dụng công cụ TPM để nâng cao năng suất

 Duy trì chất lượng giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp tốt hơn, chất lượng nâng cao hơn.

Đối với kiểm soát từ đầu, đây được coi là vấn đề xem xét mọi giai đoạn của quá trình sản xuất từ đầu đến cuối và tìm cách cải thiện các điểm yếu. Bên cạnh đó, việc thết lập một hệ thống dữ liệu để đánh giá và rút kinh nghiệm những vấn đề trong quá khứ trước khi chuẩn bị đầu tư mua sắm hệ thống máy móc thiết bị mới hoặc trước khi nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Thiết bị mới phải có ưu điểm tích cực hơn thiết bị cũ như dễ vận hành, dễ vệ sinh, dễ bảo dưỡng, tin cậy, ít tiêu tốn năng lượng, tuổi thọ cao hơn... Hoạt động này kết hợp chặt chẽ với bảo dưỡng có kế hoạch. 

Thực hiện TPM là quá trình học tập không ngừng nên khi doanh nghiệp áp dụng TPM cần phải thường xuyên được đào tạo và huấn luyện. Trong đó, công nhân vận hành thiết bị phải thường xuyên được huấn luyện nâng cao kĩ năng và thái độ làm việc. Đội ngũ cán bộ cần được đào tạo về khả năng quản lý, làm việc nhóm, giải quyết các vấn đề, quản lý chất lượng...

Nếu không có quá trình đào tạo đúng và được chuẩn hóa, TPM và hệ thống bảo dưỡng nói chung sẽ không được thực hiện. Vì vậy, hoạt động đào tạo phải được thực hiện một cách đầy đủ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Hoạt động này hỗ trợ tích cực cho tất cả hoạt động trên, đặc biệt là bảo dưỡng tự chủ. Do đó, việc định hướng công tác đào tạo của doanh nghiệp cần phải dựa trên các hoạt động của TPM. 

3 vấn đề doanh nghiệp không thể bỏ qua khi áp dụng công cụ TPM để nâng cao năng suất

 Thường xuyên được đào tạo sẽ cải thiện kĩ năng và kiến thức cho cán bộ-công nhân viên trong mỗi doanh nghiệp.

Mục tiêu đào tạo thường được thiết lập bởi đội ngũ chuyên gia hoặc các cán bộ nắm vững về sản xuất và kĩ thuật của doanh nghệp. Trong đó, mọi công nhân, nhân viên phải được đào tạo để từng bước đạt được 4 kĩ năng. Chính sách đào tạo và huấn luyện cần tập trung vào nâng cao kiến thức, kĩ năng và kĩ thuật; tạo ra môi trường học tập khuyến khích việc tự học dựa trên nhu cầu; chương trình đào tạo, công cụ, đánh giá đào tạo... cho nhân viên; đào tạo giúp giảm bớt sự vất vả của nhân viên và làm cho công việc trở lên thú vị hơn. 

Hiện nay, việc thực hiện TPM được rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất áp dụng. Trong đó, TPM mang lại cho doanh nghiệp trong việc bảo trì tự quản. Đây là một trong những hoạt động có vai trò vô cùng quan trọng khi thực hiện TPM.

Với hoạt động này, người vận hành máy hay kỹ thuật viên sẽ biết sửa, bảo trì máy và xác định được những lỗi hư hỏng của thiết bị máy móc ở mức độ nhất định. Việc tự bảo dưỡng sẽ giúp cho người vận hành máy học hỏi và biết thêm về kết cấu, chức năng của máy, hiểu được mối quan hệ giữa máy móc và chất lượng, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về việc sử dụng máy móc, thiết bị, từ đó phát hiện và chẩn đoán chính xác được những bất thường của máy để tìm ra cách khắc phục nhanh chóng và hiệu quả.

Cùng với đó, bảo trì kế hoạch cũng là một trong những hoạt động của TPM giúp doanh nghiệp phát hiện và sửa chữa những hỏng hóc của máy móc, thiết bị một cách kịp thời, tránh tình trạng máy móc, thiết bị dừng hoạt động, tránh được những lỗi lặp lại. Ngoài ra, bảo trì có kế hoạch còn giúp gia tăng tuổi thọ cho máy móc, thiết bị, tiết kiệm thời gian sửa chữa và chi phí bảo trì.

 Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang