Cải tiến trọng điểm – bảo dưỡng có kế hoạch: 2 trụ cột không thể tách rời của TPM

author 15:30 19/09/2022

(VietQ.vn) - Cải tiến trọng điểm và bảo dưỡng có kế hoạch được coi là hai trụ cột không thể tách rời của TPM – Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể khi doanh nghiệp áp dụng với mục đích nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo các chuyên gia năng suất, quá trình hoạt động và sản xuất của mỗi doanh nghiệp luôn phát sinh những vấn đề liên quan như năng suất, chất lượng sản phẩm, chi phí, hiệu suất sử dụng thiết bị, an toàn lao động… Tuy nhiên, theo từng thời điểm, ý nghĩa và mức độ cần thiết của sự việc tại thời điểm đó, doanh nghiệp lựa chọn ưu tiên để tập trung cải tiến những vấn đề có tính quan trọng then chốt trước.

Để thực hiện việc này, doanh nghiệp cần thành lập một hoặc một số nhóm để tiến hành hoạt động cải tiến. Thông qua các bước: đo lường, phân tích tìm nguyên nhân gốc rễ, đưa ra giải pháp và thực hiện cải tiến, vấn đề sẽ từng bước được giải quyết. Từ đó, chất lượng sản phẩm và năng suất lao động được tăng lên.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần khuyến khích những sáng kiến cải tiến nhỏ của từng cá nhân hoặc từng bộ phận. Việc cải tiến liên tục phải luôn nằm trong chiến lược, mục tiêu của tất cả tổ chức. Tuy nhiên, cải tiến có trọng điểm nhấn mạnh rằng nếu tập trung tất cả nguồn lực vào một hay một số mục tiêu được lựa chọn, xác định trước thì mức độ đạt được thành công cao hơn mà không lãng phí thời gian, công sức.

Cải tiến trọng điểm – Bảo dưỡng có kế hoạch: 2 trụ cột không thể tách rời của TPM

 Cải tiến trọng điểm và bảo dưỡng có kế hoạch được coi là 2 trụ cột không thể tách rời của TPM.

Cùng với cải tiến có trọng điểm thì bảo dưỡng có kế hoạch nhằm thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” để tránh sự cố dừng máy, các lỗi lặp lại, tăng tuổi thọ máy, giảm thời gian sửa chữa bảo dưỡng và chi phí bảo dưỡng. Hoạt động này cũng giúp cho việc thiết lập kế hoạch sử dụng và bảo dưỡng thích hợp đối với những máy móc thiết bị mới ngay từ khi bắt đầu đưa vào vận hành.

Bảo dưỡng có kế hoạch định hướng đúng vào công tác lập kế hoạch của bảo dưỡng, dựa trên cơ sở thời gian chạy máy và điều kiện làm việc của máy cũng như khuyến nghị của nhà sản xuất máy móc thiết bị đó. Bên cạnh đó là việc dự phòng linh kiện, phụ tùng, vật tư, nhân lực, thời gian hợp lý để không ảnh hưởng sản xuất.

Điều quan trọng, cần phải thực hiện theo đúng kế hoạch. Bảo dưỡng theo kế hoạch tốt sẽ giảm thời gian dừng máy đột ngột, tăng tuổi thọ máy, giảm thời gian sửa chữa khắc phục và chi phí bảo dưỡng. Hoạt động bảo dưỡng có kế hoạch kết hợp chặt chẽ với hoạt động bảo dưỡng tự chủ.

Cải tiến trọng điểm – Bảo dưỡng có kế hoạch: 2 trụ cột không thể tách rời của TPM

 Công cụ  TPM – duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể khi doanh nghiệp áp dụng với mục đích nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm sẽ giúp mang lại những kết quả to lớn.

Hiện nay, việc thực hiện TPM được rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất áp dụng. Trong đó, TPM áp dụng cho doanh nghiệp trong việc bảo trì tự quản. Đây là một trong những hoạt động có vai trò vô cùng quan trọng khi thực hiện TPM.

Với hoạt động này, người vận hành máy hay kỹ thuật viên sẽ biết sửa, bảo trì máy và xác định được những lỗi hư hỏng của thiết bị máy móc ở mức độ nhất định. Việc tự bảo dưỡng sẽ giúp cho người vận hành máy học hỏi và biết thêm về kết cấu và chức năng của máy, hiểu được mối quan hệ giữa máy móc và chất lượng, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về việc sử dụng máy móc, thiết bị, từ đó phát hiện và chẩn đoán chính xác những bất thường của máy để tìm ra cách khắc phục nhanh chóng và hiệu quả.

Cùng với đó, bảo trì kế hoạch cũng là một trong những hoạt động của TPM giúp doanh nghiệp phát hiện và sửa chữa hỏng hóc của máy móc, thiết bị một cách kịp thời, tránh tình trạng máy móc, thiết bị dừng hoạt động, tránh được những lỗi lặp lại. Ngoài ra, bảo trì có kế hoạch còn giúp gia tăng tuổi thọ cho máy móc, thiết bị, tiết kiệm thời gian sửa chữa và chi phí bảo trì.

TPM cũng giúp doanh nghiệp quản lý chất lượng bằng việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tốt, kiểm soát chất lượng toàn bộ quá trình làm việc từ khâu đầu tiên đến khâu phân phối và hậu mãi, có hệ thống khắc phục và phòng ngừa. Đồng thời, hoạt động quản lý chất lượng còn giúp phân tích quá trình sản xuất để phát hiện những điểm dễ xảy ra lỗi và tiến hành khắc phục đúng lúc. Hoạt động cải tiến khi áp dụng TPM có trọng điểm sẽ tập trung vào cải tiến những vấn đề có mức độ quan trọng từ cao xuống thấp. Hoạt động này sẽ khuyến khích những sáng kiến nhỏ của từng cá nhân hoặc từng bộ phận.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang