Các trụ cột của phương pháp quản lý TPM

author 08:50 04/10/2022

(VietQ.vn) - TPM là phương pháp quản lý hướng tới đổi mới trong hoạt động bảo dưỡng với sự tham gia của mọi người trong doanh nghiệp. Nếu ví TPM như một ngôi nhà thì các nguyên tắc của TPM chính là hệ thống cột trụ của ngôi nhà đó.

Cụ thể, các trụ cột của hoạt động TPM gồm: Bảo dưỡng tự chủ hay tự bảo dưỡng; Cải tiến có trọng điểm; Bảo dưỡng có kế hoạch; Duy trì chất lượng; Đào tạo và huấn luyện; Kiểm soát từ đầu; Hoạt động TPM tại khối văn phòng; An toàn, sức khỏe và môi trường. Bên cạnh các trụ cột trên, để thực hiện tốt TPM không thể thiếu hoạt động 5S. 5S được xem là nền móng của “ngôi nhà TPM”, khởi đầu cho việc phát hiện các vấn đề để tiến hành những hoạt động cải tiến trong TPM.

Bảo dưỡng tự chủ nhằm thiết lập nơi làm việc ngăn nắp, khoa học giúp phát hiện bất cứ vấn đề bất thường nào ngay khi nó xuất hiện. Ảnh minh họa.

Bảo dưỡng tự chủ

Bảo dưỡng tự chủ hướng tới hai mục đích chính: Thứ nhất nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ những người vận hành được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và đóng vai trò mới, vừa là người vận hành, cũng là người chủ thiết bị. Họ có khả năng nhận biết chính xác tình trạng bất thường trong quá trình làm việc, ý thức việc tuân thủ nghiêm túc theo các quy định về kiểm soát điều kiện hoạt động; có khả năng thực hiện các hành động khắc phục và khôi phục nhanh chóng, phù hợp khi xuất hiện những bất thường; có khả năng thiết lập các điều kiện vận hành tối ưu cho thiết bị; có khả năng duy trì các điều kiện vận hành tối ưu cho thiết bị. Thứ hai là nhằm thiết lập nơi làm việc ngăn nắp, khoa học để có thể giúp phát hiện bất cứ vấn đề bất thường nào ngay khi nó xuất hiện.

Một trong những nguyên nhân gây ra sai lỗi sản phẩm đó là các vấn đề có liên quan nhiều tới thiết bị, đặc biệt là trong các nhà máy có mức tự động hóa cao. Bên cạnh đó, thiết bị được thiết kế, chế tạo, cài đặt, vận hành và duy trì bởi con người nên có thể nói rằng, các tổn thất bắt nguồn cả từ cách suy nghĩ và hành vi của con người. Nếu không thay đổi cách nghĩ truyền thống, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu không sai lỗi, không hỏng hóc.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần có cách tiếp cận mang tính đổi mới và thực hiện các biện pháp mang tính đột phá. Với mục tiêu là không hỏng hóc - Zero Failures, không sai lỗi - Zero Defects, TPM mang lại những cải tiến toàn diện cho máy móc thiết bị hiện có, đồng thời góp phần để hiệu quả sử dụng máy móc cũng như chất lượng sản phẩm trong tương lai cao hơn. Như vậy, TPM và Bảo dưỡng tự chủ chính là giải pháp mà doanh nghiệp cần sớm tiếp cận và thực hiện.

Cải tiến có trọng điểm

Trong quá trình hoạt động và sản xuất của mỗi tổ chức luôn phát sinh những vấn đề liên quan như năng suất, chất lượng sản phẩm, chi phí, hiệu suất sử dụng thiết bị, an toàn lao động... Tùy theo từng thời điểm, ý nghĩa và mức độ cần thiết của sự việc tại thời điểm đó, tổ chức lựa chọn ưu tiên để tập trung cải tiến những vấn đề có tính quan trọng then chốt trước.

Để thực hiện việc này, tổ chức thành lập một hoặc một số nhóm để tiến hành hoạt động cải tiến. Thông qua các bước: đo lường, phân tích tìm nguyên nhân gốc rễ, đưa ra giải pháp và thực hiện cải tiến, vấn đề sẽ từng bước được giải quyết, từ đó chất lượng sản phẩm, năng suất lao động được tăng lên. Bên cạnh đó, vẫn cần tiếp tục khuyến khích những sáng kiến cải tiến nhỏ của từng cá nhân hoặc từng bộ phận.

Cải tiến liên tục luôn nằm trong chiến lược, mục tiêu của tất cả tổ chức. Tuy nhiên, cải tiến có trọng điểm nhấn mạnh rằng nếu tập trung tất cả nguồn lực vào một hay một số mục tiêu được lựa chọn, xác định trước thì mức độ đạt được thành công cao hơn mà không lãng phí thời gian, công sức.

Bảo dưỡng có kế hoạch

Bảo dưỡng có kế hoạch nhằm thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” để tránh sự cố dừng máy, các lỗi lặp lại, tăng tuổi thọ máy, giảm thời gian sửa chữa và chi phí bảo dưỡng. Hoạt động này cũng giúp cho việc thiết lập kế hoạch sử dụng và bảo dưỡng thích hợp đối với những máy móc thiết bị mới ngay từ khi bắt đầu đưa vào vận hành

Bảo dưỡng có kế hoạch định hướng vào công tác lập kế hoạch bảo dưỡng, dựa trên cơ sở thời gian chạy máy và điều kiện làm việc của máy cũng như khuyến nghị của nhà sản xuất máy móc thiết bị đó. Bên cạnh đó là việc dự phòng linh kiện, phụ tùng, vật tư, nhân lực, thời gian hợp lý để không ảnh hưởng sản xuất.

Điều quan trọng cần thực hiện theo đúng kế hoạch. Bảo dưỡng theo kế hoạch tốt sẽ giảm thời gian dừng máy đột ngột, tăng tuổi thọ máy, giảm thời gian sửa chữa khắc phục và chi phí bảo dưỡng. Hoạt động bảo dưỡng có kế hoạch kết hợp chặt chẽ với hoạt động bảo dưỡng tự chủ.

Duy trì chất lượng

Duy trì chất lượng hướng tới mục đích thỏa mãn khách hàng thông qua cung cấp sản phẩm chất lượng cao nhất, không có sai lỗi trong sản xuất. Trọng tâm của duy trì chất lượng là loại bỏ sự không phù hợp một cách có hệ thống, giống như cải tiến có trọng điểm. Máy móc thiết bị là một trong những yếu tố tác động tới chất lượng sản phẩm, vì vậy cần loại bỏ những vấn đề có liên quan tới chất lượng hiện tại và sau đó là vấn đề tiềm ẩn.

Như vậy, đã có sự chuyển đổi từ phản ứng sang chủ động (kiểm soát chất lượng sang đảm bảo chất lượng). Duy trì chất lượng nhằm thiết lập, duy trì hệ thống quản lý chất lượng tốt, kiểm soát chất lượng từ khâu đầu tiên đến khâu phân phối và hậu mãi, có hệ thống khắc phục và phòng ngừa.

Duy trì chất lượng hướng tới mục đích thỏa mãn khách hàng thông qua cung cấp sản phẩm chất lượng cao nhất, không có sai lỗi trong sản xuất. Ảnh minh họa. 

Kiểm soát từ đầu

Kiểm soát từ đầu là xem xét mọi giai đoạn của quá trình sản xuất từ đầu đến cuối và tìm cách cải thiện các điểm yếu. Bên cạnh đó, là việc thiết lập hệ thống dữ liệu để đánh giá và rút kinh nghiệm những vấn đề trong quá khứ trước khi chuẩn bị đầu tư mua sắm hệ thống máy móc thiết bị mới hoặc trước khi nghiên cứu phát triển một sản phẩm mới. Thiết bị mới phải có ưu điểm tích cực hơn thiết bị cũ như dễ vận hành, dễ vệ sinh, dễ bảo dưỡng, tin cậy, ít tiêu tốn năng lượng, tuổi thọ cao hơn... hoạt động này kết hợp chặt chẽ với bảo dưỡng có kế hoạch.

Đào tạo và huấn luyện

Thực hiện TPM là quá trình học tập không ngừng. Công nhân vận hành thiết bị phải thường xuyên được huấn luyện, nâng cao kỹ năng và thái độ làm việc. Đội ngũ cán bộ cần được đào tạo về khả năng quản lý, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, quản lý chất lượng...

Nếu không có quá trình đào tạo đúng và được chuẩn hóa, TPM và hệ thống bảo dưỡng nói chung sẽ không được thực hiện. Vì vậy, hoạt động đào tạo phải được thực hiện một cách đầy đủ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Hoạt động này hỗ trợ tích cực cho tất cả hoạt động trên, đặc biệt là bảo dưỡng tự chủ. Do đó, việc định hướng công tác đào tạo của nhà máy cần phải dựa trên các hoạt động của TPM.

Hoạt động TPM tại khối văn phòng

Hoạt động này gián tiếp hỗ trợ cho bộ phận sản xuất với nhiệm vụ là thu thập, xử lý, cung cấp thông tin và phục vụ các nhu cầu khác của sản xuất. Hoạt động này cần được bắt đầu sau khi tiến hành bảo dưỡng tự chủ, cải tiến cụ thể, bảo dưỡng có kế hoạch, duy trì chất lượng và nhắm tới loại bỏ các lãng phí có liên quan như: lãng phí xử lý công việc; tổn thất chi phí trong khâu mua hàng, tiếp thị, bán hàng dẫn tới tồn kho cao; mất thông tin liên lạc; tổn thất do nhàn rỗi; tổn thất do sắp xếp, bố trí công việc; máy móc văn phòng bị hỏng hóc; thiết bị liên lạc bị hỏng; mất thời gian vào tìm kiếm thông tin; không xác định được mức tồn kho chính xác; khiếu nại của khách hàng liên quan đến khâu hậu cần; chi phí xử lý văn bản, trường hợp mua hàng khẩn cấp.

An toàn, sức khoẻ và môi trường

Mục tiêu của hoạt động này là tiến tới không có tai nạn lao động, không có bệnh nghề nghiệp, không gây tác động xấu đến môi trường. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến an toàn của người vận hành thiết bị. Thực tế trong sản xuất cho thấy không thể đạt được năng suất cao, chất lượng ổn định nếu nơi làm việc bừa bãi, trơn trượt, thiếu ánh sáng, đầy tiếng ồn, bụi bặm, mùi ô nhiễm dẫn đến bệnh nghề nghiệp và các mối hiểm nguy hằng ngày. Bên cạnh đó, nếu có sự khiếu nại của cộng đồng khi môi trường sống bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.

Để thực hiện hoạt động này, tổ chức cần thực hiện các công việc như sau: Thiết lập, công bố chính sách về an toàn, sức khỏe và môi trường; công bố, đảm bảo tuân thủ các quy định của luật pháp về an toàn, sức khoẻ, môi trường và có nhân viên chuyên trách về an toàn lao động;

Xác định hệ thống đánh giá về các mối nguy hiểm, các khía cạnh sản xuất có ảnh hưởng đến môi trường làm việc và môi trường sống của cộng đồng để tập trung cải tiến; Huấn luyện, nâng cao nhận thức cho mọi người: Huấn luyện về các kỹ năng phòng cháy chữa cháy, kỹ tăng cứu thương; Thiết lập và tuân thủ quy trình về trường hợp sự cố khẩn cấp; Có hệ thống báo cáo tai nạn, báo cáo trường hợp có khả năng bị tai nạn và có đầy đủ trang thiết bị về an toàn; Có hệ thống xử lý chất thải và khí thải đạt tiêu chuẩn.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang