Những lưu ý đối với quả bưởi Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc

author 12:14 10/08/2024

(VietQ.vn) - Mới đây, sau 3 tháng lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan, Cục Kiểm dịch động thực vật Hàn Quốc (APQA) đã chính thức công bố trên website của APQA quy định nhập khẩu đối với quả bưởi tươi từ Việt Nam sang Hàn Quốc.

Từ năm 2018, Cục Bảo vệ thực vật (PPD) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã khởi động chương trình mở cửa thị trường đối với quả bưởi của Việt nam xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, quá trình đàm phán chỉ thực sự được đẩy nhanh tiến độ sau đại dịch Covid-19.

Sau 2 năm nỗ lực, tích cực phối hợp, trao đổi thông tin để xúc tiến quá trình thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại và trải qua nhiều vòng đàm phán, Cục Bảo vệ thực vật và Cục Kiểm dịch động thực vật Hàn Quốc đã thống nhất về mặt kỹ thuật trong cuộc họp song phương vào tháng 04/2024. Đồng thời, ngày 18/7/2024, Cục Bảo vệ thực vật cũng đăng tải trên website của Cục Dự thảo yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với quả bưởi tươi của Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc để các tổ chức, cá nhân quan tâm có thể tìm hiểu và nắm trước thông tin về quy định này.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đây là quả tươi thứ ba của Việt Nam được nhập khẩu vào Hàn Quốc, sau thanh long và xoài. Hiện nay, với 50 triệu dân, Hàn Quốc là thị trường rất tiềm năng cho bưởi Việt Nam bởi những năm gần đây nước này đang có xu hướng tăng nhập khẩu trái cây tươi.

Hơn nữa, Việt Nam có lợi thế là trái bưởi có quanh năm, sản lượng lớn, trong khi các nước khác sản lượng không nhiều nên không có để xuất khẩu. Việc Hàn Quốc mở cửa là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu trái bưởi Việt Nam. "Các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu bưởi sang thị trường Hàn Quốc thì đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật. Tới đây, Cục Bảo vệ thực vật sẽ mời phía Hàn Quốc sang kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói trước khi xuất khẩu", ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, phía Hàn Quốc yêu cầu các vùng trồng, cơ sở đóng gói và cơ sở xử lý hơi cho quả bưởi tươi Việt Nam phải đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật để quản lý, giám sát. “Trong yêu cầu kiểm dịch thực vật quả bưởi trước khi xuất khẩu, phía Hàn Quốc yêu cầu phải xử lý bằng hơi nước nóng. Phía bạn yêu cầu xử lý nhiệt hơi phải được tiến hành bằng cách tăng nhiệt độ tâm quả lên đến 47 độ C hoặc cao hơn và thời gian xử lý trong 20 phút, hoặc bằng cách tăng nhiệt độ tâm quả lên đến 46,5 độ C hoặc cao hơn và thời gian xử lý trong 40 phút (độ ẩm tương đối trên 90%). Việc xử lý này sẽ có sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Hàn Quốc và Việt Nam" - ông Hiếu nói.

Ngoài ra, phía bạn cũng quan tâm và yêu cầu trái bưởi không được nhiễm 20 loài sinh vật gây hại, đặc biệt là 6 loài (Bactrocera carambolae, Bactrocera correcta, Bactrocera cucurbitae, Bactrocera dorsalis, Prays endocarpa, Citripestis sagittiferella).

 Ảnh minh họa.

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu rau quả sang thị trường Hàn Quốc đạt 164 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Cục Bảo vệ thực vật đánh giá, đây là bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định chất lượng và uy tín của nông sản Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với 50 triệu dân, Hàn Quốc là thị trường rất tiềm năng cho bưởi Việt Nam - một trong 14 nhóm trái cây chủ lực theo đề án phát triển cây ăn quả mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng.

Cả nước hiện có hơn 100.000 ha trồng bưởi, sản lượng hơn 900.000 tấn. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 32.000ha, với sản lượng khoảng 370.000 tấn, được xem là vùng sản xuất trọng điểm. Những tỉnh có diện tích bưởi lớn là Bến Tre (hơn 8.800ha), Vĩnh Long (hơn 8.600ha), Đồng Nai (hơn 5.400ha). Các giống bưởi nổi tiếng, có tiềm năng xuất khẩu lớn gồm: Bưởi da xanh, bưởi Năm roi, bưởi Tân Triều...

Trước Hàn Quốc, một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, New Zealand… cũng cấp phép cho trái bưởi tươi Việt Nam. Hiện, bưởi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch tới 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự báo sang năm 2025, con số này sẽ tăng lên thành 14, với sự tham gia của Australia. Hiệp hội Rau quả Việt Nam thống kê, cùng với sầu riêng, bưởi là mặt hàng trái cây có giá trị tăng cao, tính từ đầu năm 2023 đến nay.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu bưởi sang Hàn Quốc, Cục Bảo vệ thực vật gửi kèm tài liệu về điều kiện nhập khẩu đến các đơn vị liên quan để phổ biến cho các tổ chức cá nhân biết và thực hiện. Theo yêu cầu của cơ quan quản lý Hàn Quốc, các vùng trồng sản xuất quả bưởi tươi xuất khẩu sang Hàn Quốc phải đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật hàng năm để cơ quan này quản lý và giám sát.

Cục Bảo vệ thực vật cũng phải thông báo cho cơ quan kiểm dịch động thực vật danh sách các vùng trồng bưởi, nhà đóng gói xuất khẩu và cơ sở xử lý hơi nước nóng đã được đăng ký trước khi bắt đầu xuất khẩu trái bưởi tươi hàng năm... Quả bưởi cũng được yêu cầu không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà Hàn Quốc quy định, xử lý hơi nước nóng... Việc kiểm tra xuất khẩu sẽ được thực hiện bởi cán bộ kiểm dịch thực vật Hàn Quốc và Việt Nam, trên 2% của tổng số thùng carton hoặc 600 quả cho mỗi lô hàng.

 Khánh Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang