An Giang hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm

author 20:24 23/04/2016

(VietQ.vn) - An Giang đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Từ năm 2012 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh An Giang đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, góp phần tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng những quy định của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như: Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang sau khi áp dụng công cụ 5S, Kaizen đã tăng năng suất lao động, giảm lãng phí, tiết kiệm nguyên liệu; các sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận an toàn, VietGAP đã bắt đầu xuất hiện tại các chợ, siêu thị, bếp ăn tập thể…

Để có sự hỗ trợ các công cụ, hệ thống quản lý chất lượng phù hợp theo từng loại hình, quy mô của doanh nghiệp, Sở KH&CN phối hợp Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (KTTCĐLCL) khảo sát, đánh giá tại 39 doanh nghiệp, gồm: 18 đơn vị nhóm thực phẩm – thủy sản, 17 đơn vị nhóm xây dựng và 4 đơn vị nhóm khác.

An Giang đã có nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa

An Giang đã có nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa

Qua khảo sát, Trung tâm KTTCĐLCL 3 đã đánh giá, phân tích kết quả khảo sát và có nhiều đề xuất. Đối với nhóm thực phẩm – thủy sản cần đầu tư thêm nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn GMP, HACCP; cần đào tạo về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát sức khỏe công nhân và đào tạo các công cụ nâng cao năng suất chất lượng. Đối với nhóm xây dựng, đa số sản xuất theo hình thức gia đình, không có bộ máy quản lý; chưa áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị đơn giản, cũ. Nhóm khác (thuốc lá, tân dược, cơ khí, may mặc) là các doanh nghiệp có quy mô vừa, có áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001; chưa đào tạo và ứng dụng bài bản các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng.

Để đào tạo chuyên gia về năng suất chất lượng, Sở KH&CN phối hợp Trung tâm KTTCĐLCL 3 tổ chức 2 lớp đào tạo chuyên gia năng suất cơ bản và nâng cao cho 49 doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức Sở KH&CN, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố tham dự.

Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Trương Kiến Thọ cho biết: “Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công cụ nâng cao nâng cao năng suất chất lượng và hệ thống quản lý chất lượng là hoạt động chính. Đến nay, Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang áp dụng công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng, áp dụng 3 công cụ 5S, Kaizen, KPI và được hỗ trợ 52,4 triệu đồng.

Ngoài ra, hỗ trợ 19 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất mắm cá, khô cá công bố 30 sản phẩm, hàng hóa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật địa phương. 15 hộ áp dụng quy trình VietGAP được tổ chứng nhận đạt yêu cầu cho các mô hình nuôi cá lóc thương phẩm, lươn thương phẩm, tôm càng xanh thương phẩm, cây xoài, với tổng kinh phí thực hiện 298 triệu đồng.

Ngoài ra, còn hỗ trợ 57 triệu đồng chứng nhận rau an toàn cho Tổ sản xuất rau toàn xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), phường Vĩnh Mỹ (TP. Châu Đốc), ấp Long Thượng và ấp Long Hạ (xã Kiến An, Chợ Mới). Sau thời gian áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các tổ hợp tác sản xuất tại các địa phương đã được cấp giấy chứng nhận “Đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất và kinh doanh sản phẩm”. Hỗ trợ các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước và nước ngoài. Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực theo chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.

Tuy nhiên, dự án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Một số nội dung đã triển khai nhưng chưa mang lại hiệu quả, như: Các chuyên gia được đào tạo chưa phát huy được năng lực đã được đào tạo, các sản phẩm đã công bố phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật không tham gia được vào các siêu thị… Kết quả dự án chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra.

Nguyên nhân là do khi triển khai dự án là thời kỳ khủng hoảng kinh tế nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất- kinh doanh; nhận thức về năng suất chất lượng trong lãnh đạo, quản lý và công nhân ở doanh nghiệp còn hạn chế. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ tiếp cận, hiểu biết về năng suất có hạn chế; thiết bị cũ, vốn ít không đủ kinh phí để đối ứng. Do các bộ, ngành Trung ương không quy định mức hỗ trợ nên địa phương không có cơ sở trình UBND tỉnh mức hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp tham gia dự án.

Để Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp đến năm 2020 thực hiện có hiệu quả, đề nghị Trung ương và UBND tỉnh tập trung vào các ngành nghề có lợi thế cạnh tranh để làm cơ sở cho việc chuyển biến rõ rệt về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và năng suất tại các doanh nghiệp. Đào tạo được một đội ngũ chuyên gia có đủ năng lực giúp doanh nghiệp xác định được các vấn đề tăng năng suất. Hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn và ứng dụng các giải pháp quản lý hay đầu tư các công nghệ, thiết bị phù hợp. Đồng thời, ban hành mức hỗ trợ phù hợp nhằm động viên, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia.

Tuyết Trinh (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang