An Giang tạm giữ số lượng lớn tân dược nghi nhập lậu

author 16:48 24/02/2023

(VietQ.vn) - Công an tỉnh An Giang cho biết vừa phát hiện, tạm giữ số lượng lớn thuốc tân dược nghi nhập lậu tại một trạm chuyển phát nhanh trên địa bàn TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An giang vừa phối hợp Công an thành phố Châu Đốc, tiến hành kiểm tra trạm chuyển phát nhanh trên đường Hoàng Diệu, phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc.

Kết quả kiểm tra, tổ công tác phát hiện, trong trạm chuyển phát nhanh có 04 thùng giấy bên trong chứa số lượng lớn tân dược có xuất xứ nước ngoài, gồm: 244 hộp thuốc hiệu Ketosteril tablets, 400 chai thuốc hiệu Hydrosol, 720 hộp thuốc hiệu Nexium. Trị giá lô hàng hơn 500 triệu đồng.

Toàn bộ số tân dược trên không có hoá đơn chứng từ và tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm, để xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tan dược nghi vấn nhập lậu được phát hiện tại điểm chuyển phát nhanh

Theo nhiều chuyên gia cho biết, việc sử dụng phải thuốc tân dược không rõ nguồn gốc không những không mang lại hiệu quả điều trị mong muốn mà có thể gây hậu quả khôn lường, cho người sử dụng như gây dị ứng, ngộ độc cấp, mạn tính, suy gan, thận, đặc biệt là đối với trẻ em từ 0-5 tuổi. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc, một vài trường hợp đã tử vong do biến chứng suy gan, thận trước khi tử vong do bệnh lí.

Trong số đó, tổn thương gan và thận là hai loại tác dụng phụ được khuyến cáo nhiều nhất. Các chất độc có trong thuốc tân dược có thể gây ra ngộ độc cấp tính hoặc tích lũy dần dần trong cơ thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Nhiều trường hợp ngộ độc kim loại nặng đã được ghi nhận sau khi sử dụng dược liệu kể cả ở người lớn lẫn trẻ em.

Để đảm bảo về chất lượng, các loại tân dược khi đưa ra thị trường, đặc biệt là các loại nhập khẩu phải được sự chứng nhận của một trong những tiêu chuẩn sau của ngành dược: 

Tiêu chuẩn quốc tế GMP

Tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices) hay còn gọi là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, thường được áp dụng trong việc quản lý sản xuất các ngành như: Thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm,… để làm ra các sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất và an toàn cho người tiêu dùng.

Vai trò của tiêu chuẩn GMP: Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố ảnh hưởng đến vệ sinh thực phẩm, bao gồm: cơ sở hạ tầng (nhà xưởng), trang thiết bị máy móc, quy trình chế biến, bảo quản và cả người lao động tham gia vào quá trình sản xuất.

Lợi ích: Đảm bảo an toàn thực phẩm và tạo ra phương thức quản lý chất lượng; đáp ứng cam kết trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn; tạo sự tín nhiệm của doanh nghiệp đối với khách hàng;…

Tiêu chuẩn quốc tế GLP

Tiêu chuẩn GLP (Good Laboratory Practice) hay còn gọi là tiêu chuẩn hệ thống an toàn phòng thí nghiệm. Tiêu chuẩn này nhằm đảm bảo chất lượng phòng thí nghiệm và kiểm tra được chất lượng của sản phẩm dựa trên quy trình hệ thống đã được hoạch định sẵn.

Tiêu chuẩn quốc tế GSP

Tiêu chuẩn GSP (Good Storage Practices) hay còn gọi là tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc. Tiêu chuẩn này đưa ra các quy định, nguyên tắc và hướng dẫn bảo quản thuốc từ khâu sản xuất, vận chuyển và phân phối đến tay người tiêu dùng. GSP được áp dụng đối với các nhà xuất khẩu, sản xuất và tồn trữ thuốc.

Tiêu chuẩn quốc tế GPP

Tiêu chuẩn GPP (Good Pharmacy Practices) hay còn gọi là tiêu chuẩn thực hành tốt quản lý nhà thuốc. Tiêu chuẩn này yêu cầu đáp ứng đầy đủ về trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp trong suốt quá trình hành nghề. Các nhà thuốc cần đáp ứng tiêu chuẩn GPP để đảm bảo việc cung cấp thuốc đúng, an toàn và chất lượng.

Tiêu chuẩn quốc tế GDP

Tiêu chuẩn GDP (Good Distribution Practices) hay còn gọi là tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc. Tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng toàn diện của thuốc trong quá trình vận chuyển, phân phối đến người tiêu dùng.

 Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang