Ăn sâu ban miêu bị ngộ độc nặng phải nhờ kỹ thuật siêu lọc máu liên tục

author 15:09 08/09/2021

(VietQ.vn) - Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La mới đây vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị co giật toàn thân, suy hô hấp...do ăn sâu ban miêu.

Theo thông tin từ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (HSTC-CĐ), Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La, đơn vị này đã tiếp nhận bệnh nhân H.V.T 38 tuổi (Nhịu cọ- Chiềng Dong- Mai Sơn) nhập viện trong tình trạng sốc, co giật toàn thân, suy hô hấp, nôn máu và loét miệng.

Theo thông tin từ gia đình, bệnh nhân ăn khoảng 15-20 con sâu ban miêu đã phơi, sau ăn thấy xuất hiện đau rát họng, đau bụng, buồn nôn và nôn ra máu. Ngay sau đó bệnh nhân được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị.

Tại bệnh viên, qua thăm khám các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc sâu ban miêu giờ thứ 5. Xét nghiệm cho thấy tình trạng toan chuyển hoá nặng, suy gan và thận cấp. Khoa đã tiến hành lọc máu liên tục (CRRT) trong 20 giờ, duy trì vận mạch và điều trị suy gan thận. Sau 2 ngày lọc máu liên tục, hiện tại tình trạng bệnh nhân ổn định.

Ngộ độc nặng khi ăn sâu ban miêu  

Thông tin về ca ngộ độc trên, Ths.Bs Mè Thị Xuân- Trưởng khoa HSTC-CĐ cho biết, những trường hợp bị ngộ độc sâu ban miêu tình trạng thường rất nặng. Hầu hết bệnh nhân sau khi tiếp xúc với loài sâu này qua đường tiêu hóa thường dẫn đến tổn thương suy đa tạng, tụt huyết áp, suy hô hấp và tỷ lệ tử vong hơn 50%. Bởi sâu ban miêu có chất cantharidin cực độc, làm hủy hoại protein, hoại tử ruột, suy đa phủ tạng, hầu hết bệnh nhân tử vong.

Cũng theo bác sĩ Xuân, loại sâu này độc gấp nhiều lần thuốc diệt cỏ Paraquat (thuốc diệt cỏ cháy nhanh). Hơn nữa, độc tố của sâu ban miêu tiết ra gần giống dịch từ kiến ba khoang, nếu dính vào tay cầm và lỡ bôi vào mắt, dụi mắt sẽ làm bỏng rát, tổn thương giác mạc. Cantharidin vào cơ thể qua đường tiêu hóa gây ngộ độc nặng, tổn thương dạ dày và ruột, đau bụng nôn mửa, chảy máu đường tiêu hóa và hoại tử ruột. Với loại sâu này, chỉ cần tiếp xúc qua da như dùng tay bắt trực tiếp hay tiếp xúc qua đường hô hấp như mở bao đựng sâu ra hít phải hơi cũng đủ gây dị ứng trầm trọng, nhất là những người da mỏng, có vết thương hở.

Người uống hoặc ăn phải sâu ban miêu sẽ có biểu hiện như đau, xót ở dạ dày và ruột, tiến tới viêm các bộ phận sinh dục và tiết niệu. Người bệnh có biểu hiện tiểu tiện ít và có máu, dương vật cương cứng lên và đau đớn; cuối cùng là các biểu hiện rối loạn về thần kinh, hôn mê và chết trong 24 giờ. Với liều 0,03g cho 1 lần hoặc 0,06g bột sâu ban miêu trong 24 giờ, hoặc 0,2 mg chất cantharidin trong 24 giờ, đủ làm chết người. Nhưng người ta còn nhận thấy nhiều trường hợp ngộ độc với liều thấp hơn liều độc trên rất nhiều do dị ứng với xác sâu Ban miêu. Vì vậy không tự sử dụng sâu ban miêu trong chữa bệnh.

Qua trường hợp bệnh nhân trên, Ths.Bs Mè Thị Xuân cũng đưa ra cảnh báo tới người dân không nên bắt sâu ban miêu để phòng ngộ độc và tuyệt đối không ăn sâu ban miêu. Người dân khi lao động có tiếp xúc hoặc phải bắt loại sâu này thì cần sử dụng các dụng cụ bảo vệ như đeo kính, găng tay, quần áo dài tay, tránh tiếp xúc trực tiếp qua da, đặc biệt tiếp xúc da trên diện rộng, mắt hay các vùng da mỏng với sâu. Nếu không may tiếp xúc với sâu ban miêu và bị chất độc gây bỏng rát, đỏ rộp da hay mắt, cần rửa khu vực bỏng rát bằng nước sạch, chớp mắt liên tục và sau đó đến ngay bệnh viện điều trị.

Sâu ban miêu còn gọi bọ xít lửa, sâu đậu, ban miêu, hồ trùng...Ban miêu hình dài tròn, dài 2,0cm – 2,8cm, to 0,6cm – 1,2cm. Đầu hơi hình tam giác tròn, màu đen, có đôi mắt to và một đôi râu, râu phần nhiều đã rụng mất. Lưng có 2 bao cánh chất da, màu đen, có 3 vết ngang màu vàng nhạt, hoặc vàng nâu. Bên dưới bao cánh có 2 chiếc cánh mỏng trong suốt màu nâu. Ức có 3 đôi chân, bụng có từng đốt vòng. Có mùi đặc biệt, vị lúc đầu cay, sau đắng (không nên cho vào miệng nếm).

Bộ phận dùng làm thuốc là toàn thân khô con ban miêu to (Mylabris phalorata Pall.) hoặc ban miêu nhỏ vàng đen (Mylabris cichorii L.), thuộc họ ban miêu (Meloidae). Do việc tự động thu bắt sâu ban miêu không sử dụng đúng liều lượng nên đã có nhiều vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra.

Về thành phần hóa học, sâu ban miêu chứa hotphat, axit uric, dầu béo, chất cantharidin. Chất cantharidin là chất gây phồng da mạnh, là chất độc bảng A.

Theo Đông y, sâu ban miêu vị cay, tính lạnh, rất độc; vào kinh Đại trường, Tiểu trường. Công năng công độc, phá huyết. Chữa chó dại cắn, thai lưu trong bụng, tràng nhạc; bôi ngoài trị các thứ nhọt độc, trùng độc.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang