Bác sỹ ném xác phi tang bị xử tăng nặng như thế nào?

author 07:17 18/11/2013

Việc xác định bị can Tường phạm tội nào, phải đáp ứng đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm được mô tả trong các điều luật cụ thể trong Bộ luật Hình sự.

Sau khi gây ra cái chết của chị T.H. và ném xác nạn nhân xuống sống Hồng nhằm phi tang, bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973, trú tại Từ Liêm, Hà Nội), GĐ thẩm mỹ viện Cát Tường bị khởi tố về 2 tội: Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (Điều 246 Bộ luật Hình sự) và Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242 Bộ luật Hình sự).

Thông tin trên đã gây xôn xao trong dư luận. Để đem đến cho bạn đọc cái nhìn đa chiều xung quanh diễn biến này, PV đã ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia pháp lý.

LS Trần Văn An - trưởng Văn phòng Luật sư Dân An (đoàn Luật sư Bắc Giang): Khởi tố tội giết người mới thỏa đáng!

Tôi biết vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Theo một tờ báo mà tôi đã đọc có nói rằng, khi tiến hành ca phẫu thuật thẩm mỹ như trong vụ án này, phải có ít nhất 3 người (bác sỹ gây mê, bác sỹ phẫu thuật và bác sỹ hồi sức cấp cứu).

Với tư cách là một bác sỹ, hơn ai hết, ông Nguyễn Mạnh Tường phải nắm rõ trình tự, thủ tục khi tiến hành làm một ca phẫu thuật an toàn theo đúng quy định của ngành y. Nếu bác sỹ không tuân thủ đúng quy định của ngành, khi tiến hành phẫu thuật, tính mạng bệnh nhân bị ảnh hưởng là điều tất yếu. Và trong trường hợp này, khách hàng làm đẹp tại thẩm mỹ viện Cát Tường đã phải bỏ mạng vì việc làm tắc trách của bác sỹ Tường. Dù biết vi phạm các quy định trong ngành y là nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng bác sỹ Tường vẫn tiến hành ca phẫu thuật.

BS Nguyễn Mạnh Tường

Theo quan điểm cá nhân tôi, đây là hành vi có dấu hiệu của tội giết người chứ không phải Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242 Bộ luật Hình sự) như quyết định khởi tố của cơ quan tiến hành tố tụng TP.Hà Nội.

Mặt khác, thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động chui. Bản thân bác sỹ Tường không có chuyên ngành chuyên môn làm phẫu thuật thẩm mỹ. Nói nôm na là trái ngành, trái nghề. Chính vì vậy, tôi bảo lưu quan điểm phải khởi tố Nguyễn Mạnh Tường về tội giết người mới thỏa đáng. Còn như khởi tố Tường về 2 tội: Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (Điều 246 Bộ luật Hình sự) và Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242 Bộ luật Hình sự) là quá nhẹ so với hành vi phạm tội của hắn gây ra cho bị hại.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, chuỗi hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Mạnh Tường đã đủ yếu tố cấu thành tội giết người. Điều này thể hiện trong chính lời khai của bị can, nhân chứng và các tài liệu liên quan. Việc tìm được xác nạn nhân hay không, chỉ là một trong những căn cứ để xem xét định tội danh mà thôi. Như chúng ta đã biết, trên thực tế có nhiều vụ án giết người dã man (kẻ giết người băm xác nạn nhân, hay đốt xác nạn nhân, rồi ném xuống sông, biển, phi tang). Trong các vụ án đó, hung thủ vẫn phải chịu án giết người, mặc dù không tìm thấy xác nạn nhân.

Luật quy định, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan CSĐT. Trong trường hợp này, cơ quan CSĐT khởi tố bị can Nguyễn Mạnh Tường về 2 tội: Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (Điều 246 Bộ luật Hình sự) và Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242 Bộ luật Hình sự), tôi cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng đã tính đến phương án an toàn trong quá trình giải quyết vụ án.

Say này, nếu tìm thấy xác nạn nhân, cơ quan tiến hành tố tụng có thể khởi tố tiếp hoặc thay đổi tội danh đối với bị can Tường. Nói tóm lại, theo nhận định chủ quan của tôi, bị can Nguyễn Mạnh Tường có dấu hiệu phạm tội giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự. Đặt giả định, thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động đúng luật, bác sỹ Tường thực hiện ca phẫu thuật thẩm mỹ đúng quy định của ngành y, thì anh ta bị khởi tố về tội: Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242 Bộ luật Hình sự) là đúng người, đúng tội.

LS Nguyễn Quang Vinh - Văn phòng Luật sư  Tiến Đức (đoàn Luật sư  HN): So sánh hành vi của BS. Tường với Nguyễn Đức Nghĩa

Xét về mặt khách quan của tội phạm, bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường không có động cơ giết người. Thông thường, không một bác sỹ nào lại mong muốn tước đi mạng sống của bệnh nhân mình điều trị hay phẫu thuật thẩm mỹ. Trên thực tế, các hành vi phạm tội của bác sỹ Tường có nhiều điểm rất giống nhau giữa cấu thành tội này và tội khác được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Tìm xác nạn nhân thẩm mỹ viện

Việc xác định bị can Tường phạm tội nào, phải đáp ứng đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm được mô tả trong các điều luật cụ thể trong Bộ luật Hình sự. Theo ý kiến cá nhân tôi, khởi tố bị can Nguyễn Mạnh Tường về 2 tội: Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (Điều 246 Bộ luật Hình sự) và Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242 Bộ luật Hình sự) là đúng người, đúng tội.

Thông thường, trong các vụ án giết người có tình tiết vứt xác phi tang, ví dụ như vụ án Xác chết không đầu Nguyễn Đức Nghĩa, thì hung thủ Nghĩa sau khi giết người đã có hành vi chặt đầu, phi tang xác nạn nhân. Song Nguyễn Đức Nghĩa không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo Điều 246 Bộ luật Hình sự như trường hợp bác sỹ Tường. Bởi lẽ, hành vi phi tang xác nạn nhân của Nguyễn Đức Nghĩa không tách rời một cách độc lập mà nó là một quá trình liên tục xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và thi thể nạn nhân. Do vậy, Nguyễn Đức Nghĩa chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, và tình tiết phi tang đầu nạn nhân của Nghĩa chỉ được xác định là tình tiết tăng nặng, quy định tại điều 48 Bộ luật Hình sự. 

Chánh án TAND huyện Thường Tín Nguyễn Thành Hưng: Vụ án sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp...

Tôi đồng tình với quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng khi ra 2 quyết định khởi tố nói trên. Trong vụ án này, bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường (giờ là bị can) cùng một lúc phạm nhiều tội gây nên cái chết tức tưởi cho một nạn nhân nữ đến làm đẹp tại thẩm mỹ viện Cát Tường của ông ta. Hành vi ném người  xuống sông Hồng (cho dù còn sống hay đã chết) của bị can Tường thật quá dã man, tàn ác, khiến dư luận lên án mạnh mẽ. Hơn nữa, bị can này còn  là một bác sỹ có thâm niên công tác trong ngành y. Câu nói: "Lương y như từ mẫu" từ lâu đã trở thành biểu tượng cho cung cách làm việc trong ngành y liệu có còn tồn tại trong nhận thức của bác sỹ Tường?

Nhận định riêng của tôi, vụ án sẽ còn có nhiều diễn biến phức tạp. Sau này, nếu tìm ra xác chết của nạn nhân, cơ quan tiến hành tố tụng có thể thay đổi tội danh hoặc bổ sung thêm quyết định khởi tố đối với bác sỹ Tường về tội danh giết người. Đây là một vụ án hình sự ly kỳ, có nhiều tình tiết rùng rợn mà trong nhiều năm làm nghề xử án tôi chưa từng gặp bao giờ. 

Phi tang xác nạn nhân là tình tiết tăng nặng

Trước thông tin dư luận đang xôn xao cho rằng, công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Mạnh Tường theo Điều 242 và Điều 246 Bộ luật Hình sư, PV đã ghi nhận ý kiến của một cán bộ điều tra công an tỉnh Nghệ An, người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phá án hình sự về sự việc này.

Theo nhận định của vị cán bộ này: "Người ta thấy hành vi của bác sỹ Tường là tàn nhẫn quá nên dư luận mong muốn một tội thật nặng dành cho bác sỹ Tường để thỏa mãn bức xúc. Tuy nhiên, tất cả đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Muốn buộc tội người khác thì phải có đầy đủ chứng cứ xác đáng. Nếu anh không được cấp phép mà vẫn tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ và tiến hành phi tang xác nạn nhân là tình tiết tăng nặng sau này khi đưa ra xét xử".

"Tôi tin là cơ quan điều tra cũng đã làm tất cả các biện pháp nghiệp vụ như xét hỏi đối tượng, lấy lời khai của nhân chứng, tìm kiếm nạn nhân, thu thập chứng cứ từ hiện trường... áp dụng tất cả các biện pháp nghiệp vụ thì có thể khẳng định được tội. Tuy nhiên, có chứng minh được bằng thực tế hay không lại phải tùy thuộc cả vào thực tế. Ví dụ, cơ quan điều tra có thể chứng minh được bác sỹ Tường ném xác chị H. xuống sông bằng nhiều tài liệu, chứng cứ khác, chứ không nhất thiết là chỉ bằng cách tìm được xác mới chứng minh được tội của bị can", vị cán bộ điều tra nhận định.

Cũng theo cán bộ này, có nhiều lý do không tìm thấy thi thể nạn nhân: "Có thể khi thi thể nạn nhân rơi xuống đáy sông, quần áo bị mắc vào vật gì đó không thể nổi lên được, lâu ngày, cái xác đó thối rữa và tan ra thì không thể tìm thấy. Hoặc cũng có thể, thời điểm xác nạn nhân bị ném xuống, lũ từ thượng nguồn đổ về, nước chảy xiết và đổ ra biển thì rất khó tìm kiếm. Theo khoa học, không phải tất cả các xác chết đều nổi. Khi trong bụng nạn nhân có không khí, có nước thì nó dễ nổi, nhưng nếu không có thì nó khó nổi. Ở vụ bác sỹ Tường, nếu trong trường hợp sau này, cơ quan điều tra phát hiện ra các chứng cứ khác mà chứng minh được bác sỹ Tường ném chị H. xuống sông khi chị này chưa chết, thì cơ quan điều tra có thể thay đổi tội danh hoặc bổ sung tội danh".

Theo NDT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang