Bánh Trung thu cổ truyền vẫn giữ "ngôi vương"

author 06:56 18/09/2013

Nhiều ngày nay, các cửa hàng bánh trung thu truyền thống, cổ truyền ở Hà Nội luôn tấp nập người mua bán, cảnh xếp hàng từ sáng tới tối mịt diễn ra hàng ngày.

Bảo Phương, Ninh Hương, Bà Dần hay Phương Soát là những cái tên quá quen thuộc đối với thực khách mỗi độ Tết Trung thu đến. Mặc dù không hào nhoáng bên ngoài nhưng nó đã và đang đi vào lòng người từ bao đời nay.

"Năm nào gia đình tôi cũng xếp hàng chờ để được mua mấy cặp bánh Trung thu cổ truyền, thưởng thức để nhớ về hương vị của một Hà Nội hoài cổ quyện giữa vị thơm của lá chanh, bùi bùi của hạt sen và béo ngậy của thịt mỡ… làm cho Tết Trung thu thêm đầm ấm và đậm đà hơn", ông Lê Thanh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ trong lúc đợi mua bánh trước cửa hàng bánh cổ truyền Bảo Phương.

Xếp hàng để mua bánh!

Bánh Trung thu cổ truyền không những có ưu điểm giá rẻ, chất lượng đảm bảo mà khi thưởng thức hương vị của bánh còn mang lại cho người ta một cảm giác ngon lạ và khó quên.

Với tâm lý đó, nên cứ vào khoảng đầu tháng 8 âm lịch trước cửa các tiệm bánh Trung thu cổ truyền người tiêu dùng lại xếp hàng, chờ đợi để được mua bánh. Trái với không khí ồn ào, nhộn nhịp khuyến mãi hay tiếp thị của các thương hiệu bánh nổi tiếng sản xuất theo dây chuyền công nghiệp, các tiệm bánh cổ truyền thường không có một chương trình ưu đãi, nhưng khách hàng vẫn chọn đó là điểm đến mua sắm.

Cảnh đội mưa, chen lấn từ sáng tới tối của người dân mới mua được bánh trung thu truyền thông. Ảnh: N. Nam

Giá một chiếc bánh Trung thu cổ truyền dao động trong khoảng từ 40.000-80.000 đồng/ chiếc, 160.000-320.000 đồng/ hộp, được làm từ các nguyên liệu quen thuộc như mứt sen, mứt bí, thịt mỡ, vừng, đậu xanh. Bánh được làm thủ công, nên không có chất bảo quản, vì vậy chỉ để được 15 ngày với bánh nướng và 7 ngày với bánh dẻo.

Chị Hoa, người dân sống trên phố Thụy Khuê cho biết: những ngày này khách hàng có khi đến từ 4-5 giờ sáng để chờ xếp hàng mua bánh từ những mẻ bánh mới ra lò, ngay cả khi trời mưa to hay nắng gắt. Nhất là vào cuối giờ tan tầm, lượng khách đến mua bánh càng đông hơn, cảnh mua bán tấp nập. Mặc dù cửa hàng đã tăng cường nhân viên và sản xuất với lượng bánh lớn nhưng vẫn không kịp so với lượng khách hàng đông đảo, nên mỗi khách hàng chỉ được mua theo hạn mức của cửa hàng, có khi chờ đến lượt thì cửa hàng lại treo biển hết bánh.

Chị Thu ở Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) tâm sự: "Mặc dù 7 giờ cửa hàng mới mở nhưng sáng nay, tôi và một chị bạn rủ nhau đi từ 4 giờ để đến sớm xếp hàng, đến nơi mới biết chúng tôi không phải là những người đến đầu tiên, vì đã có rất đông người xếp hàng trước. Đợi mãi tới 9 giờ, cuối cùng tôi và chị bạn cũng mua được mỗi người 2 hộp bánh. Dù hơi vất vả, nhưng mà vui vì gia đình đã có bánh cổ truyền để phá cỗ".

"Trung bình một ngày, Bảo Phương bán ra khoảng 3.000-4.000 chiếc bánh và làm đến đâu hết đến đó. Bên cạnh đó, nhân viên bảo vệ đã phải căng dây để tránh người mua hàng chen lấn, xô đẩy", một nhân viên của Bảo Phương nói.

Bởi hương vị hoài cổ

Những hàng dài khách hàng đứng trước cửa hàng bánh Bảo Phương chờ bánh, hay khách hàng sẵn sàng đi qua con ngõ chật hẹp để leo lên tầng 2 tiệm bánh Phương Soát xếp hàng đợi đến lượt… đã làm cho nhiều người thắc mắc tại sao bánh Trung thu cổ truyền lại hút người tiêu dùng đến vậy?!

Khách hàng đến với bánh Trung thu cổ truyền không chỉ là ở giá rẻ, an toàn mà còn ở hương vị hoài cổ, trong khi các loại bánh khác không thể có, đó là hương vị được trở về với kí ức tuổi thơ của ngày xa xưa. Bác Lan, 70 tuổi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tâm sự: "Mỗi năm chỉ có một dịp để thưởng thức hương vị bánh Trung thu nên gia đình tôi dù bận mấy cũng bố trí con cháu xếp hàng mua được mấy cặp bánh bày trong mâm cỗ cho người thân, bạn bè cùng thưởng thức phá cỗ trăng rằm, để nhớ về một thời tuổi thơ đã qua, một Hà Nội trong cổ xưa".

Bởi vậy dù các hãng bánh Trung thu nổi tiếng với nhiều cải tiến về chất lượng và mẫu mã bắt mắt như nhân bào ngư, hải sản… vẫn không thể sánh bằng với hương vị đặc trưng riêng biệt mà chỉ bánh cổ truyền mới có. Khách hàng sẵn sàng dậy từ 4 giờ đến tiệm bánh xếp hàng, chờ những mẻ bánh nóng hổi mới ra lò, xếp hàng để chứng kiến từng công đoạn làm bánh, có khi chỉ đơn giản là cảm nhận mùi thơm đậm đà thanh mát của hơi khói bay ra từ mẻ bánh nóng hổi trong lúc chờ đợi.

Trong thời đại người dân luôn bị cuốn với cái nhộn nhịp, tất bật của cuộc sống, cảnh tượng người Hà Nội vẫn chấp nhận xếp hàng, chờ đợi mua bánh là điều hiếm có và rất được trân trọng. Có những người dù chỉ thưởng thức hương vị bánh cổ truyền một lần nhưng nhớ mãi.

Theo TBKD

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang