Bảo vệ người bán hàng trên sàn thương mại điện tử

author 12:50 12/03/2025

(VietQ.vn) - Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hiện phần lớn là hộ, cá nhân kinh doanh nhỏ. Họ có thể dễ bị áp đặt các chính sách bất lợi và mất khả năng thương lượng nên cần có quy định bảo vệ.

VCCI vừa có góp ý về dự thảo đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử. Theo VCCI, khác so với thị trường truyền thống, TMĐT có mối quan hệ phức tạp hơn với sự đan xen tương tác lẫn nhau của các chủ thể: người bán hàng hóa dịch vụ - sàn TMĐT - người tiêu dùng - các chủ thể khác (bên vận chuyển, thanh toán…). Tuy nhiên, quy định hiện tập trung chủ yếu vào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tương ứng là trách nhiệm của người bán và sàn TMĐT. Trong khi đó, pháp luật dường như lại bỏ ngỏ quyền và lợi ích của người bán hàng hóa dịch vụ.

Thống kê cho thấy, năm 2024 có 650.000 gian hàng trực tuyến trên các sàn TMĐT phát sinh đơn hàng trên thương mại điện tử. Doanh số của 5 sàn TMĐT hàng hoá phổ biến năm 2024 đạt 318.900 tỷ đồng.

“Hiện tại, người bán hàng trên sàn TMĐT phần lớn là hộ, cá nhân kinh doanh nhỏ. Họ có thể dễ bị áp đặt các chính sách bất lợi và mất khả năng thương lượng, như thay đổi điều khoản đột ngột, bị đình chỉ hoặc cấm mà không có lý do rõ ràng, hạn chế tiếp cận dữ liệu…", VCCI đánh giá và cho rằng các hành vi này có thể ảnh hưởng bất lợi với cá nhân kinh doanh nhỏ, đưa họ vào tình thế bị động và dần bào mòn nhiệt huyết kinh doanh của họ.

Việc triển khai giải pháp định danh người bán sẽ giảm thiểu nhiều rủi ro.

Trước đó, trong dự thảo Luật Thương mại điện tử, Bộ Công Thương đưa ra một số quy định về trách nhiệm của người bán trên nền tảng TMĐT để thu thuế, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Theo đó, dự thảo đề xuất người bán phải thực hiện định danh và xác thực điện tử (về tên thương nhân, địa chỉ, mã số định danh, mã số thuế thu nhập cá nhân) trước khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ và thông tin cho nền tảng TMĐT.

Ngoài ra, người bán cũng phải công bố công khai điều kiện giao dịch chung, giá cả, vận chuyển và giao nhận, phương thức thanh toán (nếu có); minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ, các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Bộ Công Thương, việc nâng cao trách nhiệm của các nền tảng số trung gian TMĐT trong việc triển khai giải pháp định danh người bán sẽ giảm thiểu nhiều rủi ro như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay các vấn đề về gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các nền tảng số TMĐT. Ông Phan Minh Nhựt - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) cho rằng, việc xác thực danh tính người bán trên các nền tảng TMĐT là giải pháp quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan.

Theo ông Nhựt, hiện nay, việc tạo gian hàng trực tuyến quá dễ dàng, dẫn đến nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng kẽ hở này để kinh doanh sản phẩm không đảm bảo chất lượng hoặc né tránh nghĩa vụ thuế. Điều này khiến cơ quan quản lý, đặc biệt là ngành thuế, gặp khó khăn trong giám sát hoạt động kinh doanh online, đồng thời đặt người tiêu dùng vào thế bất lợi khi khó kiểm chứng độ uy tín của người bán.

"Nếu thực hiện định danh tài khoản bán hàng, các sàn TMĐT và cơ quan chức năng sẽ có công cụ để theo dõi, phát hiện và xử lý nhanh chóng trường hợp vi phạm. Điều này không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng mà còn góp phần xây dựng môi trường TMĐT minh bạch, lành mạnh hơn", ông Nhựt nhận định.

Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang