Bầu Kiên nói gì sau khi bị bắt?

author 13:50 22/08/2012

(VietQ.vn) - Suốt quá trình, ông Kiên tỏ ra khá bình tĩnh và có nói: “Tôi luôn chấp hành pháp luật…”. Kết thúc quá trình khám xét tại trụ sở Ngân hàng TMCP Á Châu, ông Kiên được đưa lên xe ô tô về trại tạm giam của Bộ Công an.

Theo An ninh thủ đô, cảm nhận của một trong số những cán bộ chứng kiến việc CQĐT thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Nguyễn Đức Kiên trong suốt buổi chiều và tối 20/8, ông Kiên tỏ ra khá bình tĩnh.

Chiều 20/8, ông Kiên còn đi dự và trả lời phỏng vấn báo chí về các nội dung liên quan đến tổng kết mùa giải 2012 của bóng đá Việt Nam.

Khoảng 17 giờ 30, CQĐT tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét nơi ở đối với ông Kiên tại nhà riêng là căn biệt thự thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ. Ngay sau đó, CQĐT tiếp tục thực hiện lệnh khám xét một căn phòng tại trụ sở Ngân hàng TMCP Á Châu, địa chỉ 184 - 186 Bà Triệu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng; nơi ông Kiên từng là Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập. Chứng kiến quá trình khám xét có đại diện lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Á Châu.
 

Ông Nguyễn Đức Kiên
Ông Nguyễn Đức Kiên

Khoảng 20 giờ, lệnh khám xét được thực hiện xong. Suốt quá trình, ông Kiên tỏ ra khá bình tĩnh và có nói: “Tôi luôn chấp hành pháp luật…”. Kết thúc quá trình khám xét tại trụ sở Ngân hàng TMCP Á Châu, ông Kiên được đưa lên xe ô tô về trại tạm giam của Bộ Công an.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, bà Ngô Thị Bạch Yến, tổ trưởng khu vực nơi gia đình ông Kiên tỏ ra rất bất ngờ về việc ông Kiên bị bắt. "Hôm 20/8 lúc gần 7h tối tôi mới đi làm về thì được mời sang nhà anh Kiên để chứng kiến việc đọc lệnh khám xét nhà. Lúc đó có khoảng 10 người và hầu hết đều mặc quân phục công an. Lúc khám xét chỉ có vợ anh Kiên có mặt tại đó, còn anh Kiên thì không có mặt. Cơ quan chức năng đã mang đi một số đồ vật và tài liệu”, bà Yến nói.

Bộ Công an phát đi thông cáo cho rằng, Nguyễn Đức Kiên bị bắt chỉ liên quan đến vi phạm của 3 công ty do ông này làm Chủ tịch. Bộ Công an cho biết, đã nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật xảy ra tại 3 công ty: Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, đều do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT.

Căn cứ đơn thư tố cáo, công tác điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên về tội “kinh doanh trái phép” theo điều 159 - Bộ Luật hình sự.

"Hiện nay Nguyễn Đức Kiên không tham gia quản lý, điều hành Ngân hàng ACB. Vì vậy, hoạt động của Cơ quan Điều tra là bình thường, chỉ liên quan tới vi phạm của 3 công ty do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị", Bộ Công an khẳng định.

Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, Công ty đầu tư ACB Hà Nội hoạt động kinh doanh chủ yếu là bất động sản, chế tác, trang sức. Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng dân dụng công nghiệp, nhà ở. Công ty TNHH đầu tư tài chính Á châu Hà Nội đăng ký kinh doanh khách sạn, nhà hàng ăn uống, xây dựng và kinh doanh sân golf.

Trước đó, trả lời PV Chất lượng Việt Nam, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an cho biết, ông Kiên cũng là 1 công dân vi phạm pháp luật nên bị cảnh sát bắt. Việc bắt ông Kiên được thực hiện tại Hà Nội.

Điều 159. Tội kinh doanh trái phép
1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:
a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;
b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
b) Mạo nhận một tổ chức không có thật;
c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
d) Thu lợi bất chính lớn.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Phan Mạnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang