Bé trai 3 tuổi tím tái, khó thở vì nuốt chiếc còi trong kèn đồ chơi khi ngậm thổi

author 16:29 03/03/2020

(VietQ.vn) - Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiến hành nội soi phế quản của một bé trai 3 tuổi đã phát hiện một chiếc kèn đồ chơi bên trong.

Suýt mất mạng vì chiếc kèn đồ chơi bằng nhựa

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, đơn vị này vừa tiếp nhận một bệnh nhi 3 tuổi trong tình trạng ho nhiều, khó thở, thở rít, người tím tái. Điều ngạc hiên là có thể nghe thấy có tiếng kèn kêu khi thở.

Theo người nhà bệnh nhân, sự cố xảy ra cách đây vài ngày khi bé M.Q  lấy chiếc kèn nhựa đồ chơi ngậm thổi thì bị ho sặc sụa. Sau đó bé được người nhà vội đưa đến bệnh viện Bắc Thăng Long (Hà Nội) khám.

 Hình ảnh chiếc kèn đồ chơi được các bác sĩ gắp ra từ trong phế quản của bé trai. Ảnh: Lương Hiếu/BV Nhi Trung ương

Tại Bệnh viện Bắc Thăng Long các bác sĩ tiến hành chụp CT. Qua chụp CT phổi các bác sỹ nghi ngờ dị vật nằm ở phế quản gốc trái của bé M.Q,. Tối cùng ngày bé được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi và tiếp tục điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định nội soi phế quản lấy dị vật ra khỏi đường thở của bé. Sau khoảng 30 phút làm thủ thuật, ThS. Phùng Đăng Việt cùng kíp nội soi đã lấy được dị vật  là phần còi của chiếc kèn đồ chơi dài 1,5 cm nằm trong phế quản gốc trái của bé M.Q.

Theo các bác sĩ, rất may, phần còi của chiếc kèn nhựa được lấy ra kịp thời nên không nguy hại đến tính mạng của bé. Hiện sức khỏe bé M.Q đã ổn định và sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới.

Kèn đồ chơi không rõ tiêu chuẩn nguy hiểm tính mạng trẻ nhỏ

Thông tin thêm về sự cố trên, bác sĩ Lê Thanh Chương - trưởng khoa hồi sức hô hấp Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, kèn là một trong những đồ chơi phổ biến của trẻ em, nhiều chiếc có xuất xứ Trung Quốc không rõ tiêu chuẩn chất lượng. Ngoài việc có thể chứa chất độc hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ, nguy cơ trẻ bị nuốt, sặc cũng rất cao.

Bác sĩ Chương cho biết mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 trường hợp dị vật đường thở, cụ thể là các loại hạt như hạt lạc (đậu phộng), hạt na, hướng dương, ngô, hoặc đồ chơi như hạt vòng, đèn nhỏ, còi nhỏ, lò xo...

Đặc biệt một số trường hợp trẻ nuốt phải dị vật sắc nhọn như đinh vít, đinh ghim, kim băng, đe dọa thủng đường thở, ảnh hưởng tính mạng của trẻ, đa số các trường hợp nuốt phải dị vật là dưới 3 tuổi.

Liên quan tới tai nạn dị vật đường thở ở trẻ em, Sở Y tế Hà Nội cho biết, dị vật đường thở là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến các hậu quả nặng nề như tổn thương não không hồi phục, thậm chí gây tử vong.

Các dị vật đường thở có thể có nhiều loại: từ tôm, vỏ tôm, xương cá, hột na, hạt lạc, hạt ngô, hạt đỗ, hạt bí...Hoặc viên thuốc, kẹo viên, nắp bút, thạch... Các dị vật khi rơi vào đường thở có thể mắc ở thanh quản, khí quản hay phế quản.

Những dấu hiệu cảnh báo thực phẩm phải ném bỏ không nên tiếc(VietQ.vn) - Thực phẩm thay đổi màu sắc, bốc mùi, mềm nhũn...là những dấu hiệu cảnh báo thực phẩm cần ném bỏ ngay nếu cố tình ăn có thể gây ngộ độc.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị dị vật đường thở

Theo Sở Y tế Hà Nội, cha mẹ phải biết rằng dấu hiệu khi trẻ nhỏ mắc dị vật rất rõ ràng. Khi trẻ đang khỏe mạnh trước đó, tự nhiên ho sặc sụa, ho rũ rượi liên hồi, dãy giụa rồi khó thở, tím tái và có thể chết vì ngạt trong vài ba phút hoặc nửa giờ sau đó. Người ta gọi đó là một tai nạn “chết đuối trên cạn”, trẻ ngạt thở có thể do đường hô hấp bị bít kín đột ngột, cũng có thể do phản xạ ức chế thanh quản.

Một số trường hợp, hội chứng thâm nhập ban đầu diễn ra bằng cơn ho sặc sụa, ho tống ho tháo hoặc trớ hay khạc ra trong vài phút sau đó trẻ thở lại được bình thường, dễ bị bỏ qua. Nhưng một, hai giờ sau triệu chứng khàn tiếng, sốt, khó thở bắt đầu xuất hiện và tăng dần.

Đối với trẻ nhỏ, không phải bao giờ cũng dễ dàng xác định được hội chứng xâm nhập ban đầu ngay lúc xảy ra tai nạn, nhất là nếu không chứng kiến lúc tai nạn xảy ra đối với trẻ. Những trường hợp này, trẻ được đưa đến bệnh viện thường chỉ vì có triệu chứng của viêm thanh quản, khí, phế quản cấp. Nhiều trường hợp cấp cứu muộn khi đường thở của trẻ bị phù nề, xung huyết làm cho các thủ thuật lấy dị vật khó khăn hơn rất nhiều.

Do đó, theo các bác sĩ, cha mẹ cần chú ý và tránh không để trẻ chơi với những vật dụng bằng kim loại, đồ nhựa có kích thước nhỏ dễ bị hóc khi đưa vào mồm. Phải hết sức cẩn trọng khi cho trẻ ăn hoặc phải để ý khi trẻ tự ăn các loại thức ăn, hoa quả có hạt nhỏ như na, ngô, đỗ, lạc, kẹo viên...đây là những loại thức ăn rất dễ gây cho trẻ hóc và sặc thức ăn dẫn tới dị vật chui vào đường thở  gây bít tắc đường thở và trẻ có thể tử vong ngay lập tức trước khi tới bệnh viện.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang